Friday, October 26, 2018

VĂN PHONG NGUYỄN CHÁNH SẮT

Tác giả: Huỳnh Công Tín.
Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo khoa học Nhà văn, nhà báo Nguyễn Chánh Sắt (1869 - 1947).


Chữ Quốc ngữ có được sự phát triển như ngày hôm nay, có thể dùng trong mọi hoàn cảnh giao tiếp, được dùng trong mọi phong cách ngôn ngữ: văn chương, khoa học, báo chí, hành chính… là nhờ trước hết ở tinh thần đón nhận chữ Quốc ngữ của người Việt; kế đến phải kể các nhà văn Quốc ngữ Nam Bộ đã góp phần xây dựng trong công chúng Nam Kỳ nói riêng, một nhu cầu đọc sách, báo. Thành tựu này có sự đóng góp của Nguyễn Chánh Sắt với tư cách nhà văn và hơn nữa ông là một nhà báo, nhà báo có tên tuổi trong làng báo chí Nam Kỳ với cương vị chủ bút tờ Nông Cổ Mín Đàm, tờ báo nông nghiệp đầu tiên được công chúng độc giả mến mộ một thời.
1. Là người có công đóng góp vào sự phát triển thể loại văn xuôi, tiểu thuyết nửa đầu thế kỉ XX, nhà văn - nhà báo Nguyễn Chánh Sắt, để lại 2 quyển tiểu thuyết xã hội có ý nghĩa; đó là: “Nghĩa hiệp kì duyên” (tức Chăng Cà Mun, 1920) và “Lòng người nham hiểm”, 1926.(1)
Từ 2 sáng tác này và trong nhiều sáng tác khác của Vĩnh An Hà (một trong hai bút hiệu của Nguyễn Chánh Sắt, bút hiệu còn lại là Du Nhiên Tử), có nhiều vấn đề được các nhà nghiên cứu quan tâm, như: hiện thực Nam Bộ thời ấy, tâm lí và tính cách người Nam Bộ, đặc trưng tiểu thuyết Quốc ngữ, đặc trưng phương ngữ Nam Bộ qua sáng tác nhà văn… Riêng trong tham luận, chúng tôi đề cập tới cái riêng, chung của Nguyễn Chánh Sắt với tư cách là một tác giả quốc ngữ Nam Bộ khi thể hiện những sáng tác của mình. Có thể gọi là phong cách cá nhân, phong cách tác giả hay gọi bằng khái niệm khác thiên về văn chương là “văn phong”, được hiểu là “phong cách viết văn của mỗi người”.(2)
2. Đề cập tới phong cách tác giả, chúng tôi muốn nhấn mạnh 2 điều: 1. Sự thể hiện ngôn ngữ chung thông qua sáng tác phẩm của nhà văn. 2. Dấu ấn cá nhân trong ngôn ngữ diễn đạt. Cả 2 nhân tố chung, riêng này được vận dụng kết hợp sẽ tạo nên phong cách tác giả. Còn sự hài hòa, khéo léo ở mỗi nhà văn sẽ ghi được dấu ấn đậm, nhạt trong lòng công chúng độc giả.
2.1. Sự thể hiện ngôn ngữ chung thông qua sáng tác phẩm của nhà văn
Là nhà văn sinh trưởng ở Nam Bộ, Nguyễn Chánh Sắt (1869-1947) có quê quán ở làng Long Phú, huyện Tân Châu, tỉnh Châu Đốc, nay thuộc thị trấn Tân Châu, huyện Phú Châu, tỉnh An Giang. Quá trình niên thiếu, ông được học chữ Hán, tiếng Pháp; lớn lên nhờ làm báo, dịch truyện Tàu mà vốn hiểu biết, đặc biệt là Hán học của ông được khơi thêm sâu rộng.(3) Tuy nhiên, tiếng Việt Nam Bộ vẫn là ngôn ngữ nền tảng được ông thể hiện chủ yếu trong tác phẩm.
Mở đầu tác phẩm “Nghĩa hiệp kì duyên”, người đọc có thể nhận ra ngay giọng văn Nam Bộ của ông qua một số từ địa phương quen thuộc được dùng trong văn miêu tả của ông: “Vừa cuối tiết thu, trời chiều mát mẻ, trên nhành chim kêu chiu chít, dưới sông cá lội vởn vơ; Lâm Trí Viễn tay cầm nhựt báo, tay xách ba ton, rảo bước thung dung(4), thơ thẩn lối cầu đường núi Sam là chỗ hẹn hò với tình nhân mà trao lời tâm sự.”.(5)
Ở tác phẩm “Lòng người nham hiểm”, một đoạn văn miêu tả khác cũng phản ánh rõ nét đặc trưng phương ngữ Nam Bộ trong lối hành văn của tác giả: “Còn bà Phủ khi thấy Hoàng Hữu Chí tới nhà thì mừng lắm, chào hỏi lăng xăng, lại hối trẻ bưng trà thết đãi. Lúc ấy Hoàng Hữu Chí miệng thì uống trà mà con mắt thì liếc xem tứ phía, thấy nhà bà tuy là đờn bà góa mặc dầu, mà ăn ở sạch sẽ, trong nhà sắp đặt nghi tiết chỉnh tề, mỗi mỗi đều có quy củ chuẩn thằng, rất nên đúng đắn. Còn đang nứt nở khen thầm, bỗng nghe bà Phủ và cười và nói rằng…”.(6)
Ngôn ngữ đối thoại mà tác giả dùng cho nhân vật, những nhân vật Nam Bộ, mang đậm dấu ấn phương ngữ Nam Bộ. Tất nhiên, một nhà văn sinh trưởng ở vùng miền khác có thể vận dụng thành công ngôn ngữ nhân vật cũng không phải không có. Tuy vậy, không là người Nam Bộ, người viết, không thể có được đối thoại sắc sảo, như đoạn đối thoại giữa bà Phủ và hai cô gái con ông quan Huyện trong “Lòng người nham hiểm” cho thấy việc chọn lọc từ ngữ phù hợp nhân vật, được tác giả quan tâm trau chuốt:
Nè hai cháuqua thấy hai cháu tuổi còn thơ ấu mà lại gặp cái khổ cảnh như vầy, thật qua thương lắmTưởng là ai kìachớ như quan huyện là ông thân của hai cháu đây, qua tuy chưa biết mặt, chớ qua cũng có nghe cái đại danh của người vẫn cũng đã lâu. Lúc ông Phủ của qua ở nhà còn sanh tiền, mỗi khi ổng bình luận mấy ông danh sĩ Nam Kỳ, thì ổng vẫn thường nhắc nhở cái quý danh của ông thân cháu luôn, cho nên qua cũng là kính phục. Nay mà hai ông bà mắc đi tị nạn phương xa, còn hai cháu đây là phận gái thơ ngây, dễ gì mà đi tìm cho được. Nay qua có một lời muốn nói cùng hai cháu, chẳng hay hai cháu có sẵn lòng mà nghe qua nói hay chăng?”.(7)
Cách nói chuyện mở lời của bà Phủ cho thấy đây là một bà Phủ nhân hậu, muốn giúp người, dù người giúp đáng tuổi con cháu, nhưng bà đã hết sức thận trọng trong cách mở đầu câu chuyện, tránh gây một “cú sốc tâm lí” ở hai tâm hồn trẻ dễ bị tổn thương trong tình huống “bơ vơ”, đi tìm cha mẹ.
Điều tế nhị ở đây là bà đã khéo dẫn dắt câu chuyện từ xa, bằng việc thể hiện lòng kính trọng đối với cha của hai cô gái. Kế đó, bà mới nêu lí do về trường hợp của hai cô gái là “phận gái thơ ngây”… “Rào trước đón sau” đã đủ, bà mới đề nghị người nghe (hai cháu) chấp nhận cho mình nêu ý kiến. Về phương diện ngôn ngữ diễn đạt, bà đã dùng những từ ngữ, cách nói gần gũi và rất thân tình nên dễ tạo được cảm tình gắn bó, thân thiện ở người nghe, như cách gọi “Nè hai cháu”, cách xưng gọi “qua”, “ông thân”, “ổng” và những từ để tô đậm sự kính trọng thật lòng của bà với cha của hai cháu để dành được tình cảm ban đầu của hai cô gái: “đại danh”, “danh sĩ Nam Kỳ”, “quý danh”, “kính phục”. Tất cả như vậy đủ thể hiện tấm lòng bà Phủ; nhưng bà vẫn thận trọng, chưa đi thẳng vào vấn đề mà chỉ xin được nêu ý kiến - “có một lời muốn nói cùng hai cháu”, nếu hai cô “sẵn lòng mà nghe”.
Tất nhiên, từ cách giao tiếp “đắc nhân tâm” của bà Phủ, bà đã nhận được lời đối đáp của cô chị Thu Cúc, một trong hai cô gái của ông quan huyện. Lời thưa của cô Cúc cũng rất thật lòng mà cũng đầy nét dịu dàng, lễ phép: “Bẩm bà, vã bà là người tuổi tác, cũng như cô bác mẹ cha, còn chị em tôi đây là phận cháu con, như bà muốn nói điều chi, nếu phải thì chị em tôi vâng, bằng có điều chi mà chẳng vừa lòng thì tôi xin bà dạy lại, chớ có hệ chi mà bà phòng ngại.”.(8) Ngôn ngữ của cô gái con nhà có dạy, như: “bẩm bà”, “bà là người tuổi tác, cũng như cô bác mẹ cha”, “phận cháu con”, “xin bà dạy lại”, “có hệ chi mà bà phòng ngại”.
Đoạn đối thoại khác giữa bà Phủ với cô con nuôi Thu Cúc cũng hết sức phải phép giữa đôi bên. Bà Phủ nói: “Má thấy con nay đã trộng rồi, lẽ phải định bề đôi lứa cho kịp tiết kịp thời. Nay má thấy thầy giáo này học hành đã khá mà tánh hạnh cũng dễ thương, nên má muốn định gả con cho thầy. Nhưng định thì định vậy, song còn phải chờ nghe tin tức anh chị ở đâu mà cho hay đã rồi sẽ tính, chẳng hay ý con thể nào, con cứ nói ngay cho má liệu.”. Còn đây là lời thoại của cô Cúc: “… Gia dĩ cái ơn tri ngộ của má đây thật rất cao dày, nói cho cùng mà nghe, dẫu má có dạy con chết đi nữa thì con cũng chẳng từ, huống chi là việc hôn nhân. Ngặt vì lúc con còn bé, cha con đã hứa hôn, định gả con cho Phan Quốc Chấn. Lúc cha con gần để bước lên đường, thì người vẫn cũng đinh ninh dặn dò con việc ấy”.(9)
Cách nói của bà Phủ là cách nói tuy có văn vẻ, nhưng cũng bình dị, chân tình, chừng mực của một bà mẹ Nam Bộ. Từ lối xưng gọi “má - con”, đến cách dùng ngôn từ diễn đạt “trộng” , “định bề đôi lứa cho kịp tiết kịp thời”, “tánh hạnh cũng dễ thương”, “định thì định vậy song còn phải chờ…”, “ý con thế nào”, “má liệu”. Cách nói của cô Cúc cũng khéo léo, được thể hiện rõ trong một từ “ngặt” là lí do, sau những lời biện dẫn.
Nhìn chung, ngôn ngữ tác giả đậm chất phương ngữ; nhưng không đến mức thô kệch, khẩu ngữ, khiến người ở những vùng miền khác khó trong việc tiếp thu. Ở đây, có lẽ nhờ kinh nghiệm làm báo nên ngôn ngữ ông dùng trong tác phẩm không quá “thổ ngữ” và “trần trụi” ở thời điểm lúc đó, so với một số nhà văn Nam Bộ cùng thời với ông như Hồ Biểu Chánh, dù rằng lượng sáng tác của nhà văn đất Gò Công này đồ sộ gấp mấy lần số lượng tác phẩm của ông.
Qua đoạn trích trong tác phẩm Hồ Biểu Chánh: “Trong xóm Ụ Tàu, nằm xéo xéo vàm rạch Ông Lớn là xóm nghèo hơn hết ở vùng này. Còn một vài ông thợ thuyền đi làm về trễ, nên xung xăng đi về riết kẻo vợ con chờ ăn cơm. Vài anh xà phu mặc quần vắn, áo văt vai, bươn bả ra sang xe để chạy cử tối… Giữa lúc lờ mờ gần hết sáng, nhưng chưa thiệt tối đó, một chị đàn bà ngồi trước căn nhà lá xịch xạc, mắt ngó xuống kinh xem tàu dắt ghe đi ngang. Một đứa con gái nhỏ xẩn bẩn chơi một bên chị…”,(10) ta thấy, đoạn văn trong “Vợ già, chồng trẻ” có những từ địa phương và cách diễn đạt nặng khẩu ngữ có thể gây trở ngại cho việc tiếp nhận tác phẩm ở những người Việt các vùng miền khác. Nói cách khác, yếu tố phương ngữ trong sáng tác của Nguyễn Chánh Sắt về cơ bản là trong sáng, ít nhiều có sự gọt giũa, tu từ. Điều đó đã góp phần cổ vũ cho sự phát triển nhanh, mạnh chữ Quốc ngữ buổi đầu thay thế cho chữ Hán, mà chữ Pháp đang muốn chiếm giữ vị trí.
2. 2. Dấu ấn cá nhân trong ngôn ngữ diễn đạt của nhà văn
Có thể dễ dàng rút ra đặc trưng phong cách ngôn ngữ cá nhân tác giả ở thời kì này, như nhiều nhà văn Quốc ngữ Nam Bộ khác, là sự chi phối của kiểu diễn đạt biền ngẫu trong hành văn miêu tả của họ. Theo tôi, nhìn ở thời điểm lúc bấy giờ bằng con mắt của người ngày nay thì có thể suy kết đây là một hạn chế trong diễn đạt của giới viết văn. Nhưng thẩm mỹ thì nó có thời, mà điều đó cũng không loại trừ nhà văn vừa bị chi phối của thời điểm và phải đáp ứng yêu cầu của công chúng độc giả. Vì không đời nào, những người cầm bút, nhà văn, nhà báo lại có vốn ngôn từ, hành văn lạc hậu hơn công chúng được. Đây là một vài đoạn miêu tả đăng đối của tác giả mà theo tôi quả là thú vị, vì nó không nhiều trong một tác phẩm, mà cũng không nặng “biền ngẫu” như một số nhà phê bình nhận định(11): “Vừa cuối tiết thu, trời chiều mát mẻ, trên nhành chim kêu chiu chít, dưới sông cá lội vởn vơ; Lâm Trí Viễn tay cầm nhựt báo, tay xách ba ton, rảo bước thung dung, thơ thẩn lối cầu đường núi Sam là chỗ hẹn hò với tình nhân mà trao lời tâm sự.”.(12)
Còn đây là đoạn văn mang tính biền ngẫu, nặng tính văn chương, khi tác giả muốn thi vị hóa thiên nhiên, hiện thực: “Đang buổi trời mai, vầng đông ánh rạng: lố xố đòi ngàn sương điểm cỏ, lơ thơ mấy cụm gió đùa cây. Kìa một con đường ngay thẳng rẳng, hai bên hoa thảo thanh u, chính giữa đường những khách đi hành hương, đua nhau kẻ trước người saunào là ngựanào là xe rất nên náo nhiệt; còn những khách đi chơi, thì cứ huởn hưởn dò lần, tán bộ nhàn hành, rảo bước thung dung, để ngắm xem phong cảnh.”.(13)
Văn biền ngẫu trong sáng tác Nguyễn Chánh Sắt theo tôi là vừa phải, không quá nhiều và đậm đặc trong tác phẩm đến mức trở thành “cổ điển”, “lạc thời”, nếu ta có dịp quan sát những đoạn văn biền ngẫu của nhà văn cùng thời với ông, cũng là Hồ Biểu Chánh và đây là một đoạn trích trong sáng tác “Ai làm được”: “Năm 1894, một buổi chiều kia gió xuân mát mẻnước lớn đầy sôngcỏ cây tươi tốt. Bạch Khiếu Nhàn mình mặc áo quần toàn bằng lụa trắngvai vắt khăn nhiễu đỏthủng thẳng đi dọc theo mé sông Cà Mau mà hóng mát. Khi ông dừng chân đứng coi sắp nhỏ lội đuakhi ông mỉm cười bầy chó rượt nhau cắn lộn”.(14)
Là dịch giả sách nhiều sách Trung Hoa, nên trong tác phẩm của Nguyễn Chánh Sắt, ông dùng rất nhiều điển cố Hán Việt. Điều này vừa có điểm mạnh vừa có mặt nhược. Điểm mạnh là câu văn của ông được nâng đỡ về mặt lí luận, khiến điều nhận xét, định luận có sức thuyết phục. Chẳng hạn, đoạn trích câu nói Cao Quốc Thủ, nha sĩ nói với khách hàng về lời hứa sẽ hậu tạ rất hậu cho ông, nếu công việc ông làm cho khách hàng được thành công: “Cô ơi, nhứt ngôn thuyết quá, tứ mã nan truy, lời nói ra, xe hơi theo không kịp. Tôi từ ra làm thuốc đến nay chỉ lấy chữ tín thành mà giao thiệp với người, chẳng hề dám đơn sai một mảy; vì thuốc tôi hay mà nếu thất tính cùng ai thì chẳng còn linh nghiệm chi hết. Thôi, cô với thầy hãy an tâm mà về miễn là đừng quên lời hứa thì thôi.”.(15) Nhưng việc dùng quá nhiều, lại gắn cho những nhân vật, nhiều khi không phù hợp với phong cách cá nhân, khiến cho hình tượng nhân vật cứng nhắc, thiếu tính sinh động; còn ngôn ngữ nhân vật thì quả có ít nhiều rối rắm với người nghe; dù rằng, đã từng có bộ phận người Nam Bộ ngày trước thích diễn đạt bằng những điển tích, câu chữ. Chẳng hạn, câu nói bà Phủ nói với đứa con nuôi Thu Cúc: “Thôi, con chớ ngại chi, vì má có nghe rằng: Quân tử năng thành nhân chi mỹ. Hễ làm người thì phải giúp nhau cho nên việc mới là…(16). Dù gì, đây cũng là một đặc trưng làm nên phong cách ngôn ngữ của Bá Nghiêm, Nguyễn Chánh Sắt.
Do Nguyễn Chánh Sắt có tâm hồn thi văn nên trong tác phẩm của mình, tác giả hay chèn những đoạn thơ thay cho lối hành văn miêu tả. Sự kết hợp thơ trong văn cũng làm những những sáng tác của mình được mềm mại, thay đổi “khẩu vị” cho người thưởng thức khi phải đối mặt với nhiều đoạn văn nhiều khi khô khan, “khó nuốt”. Đây cũng là điểm làm nên phong cách tác giả; nhưng phải chẳng, đó cũng là “cái gu” thẩm mĩ ở thời kì mà văn chương đang có sự chuyển đổi mạnh mẽ đi từ thơ sang văn trong giới sáng tác cũng như trong công chúng độc giả?
Trong 2 quyển tiểu thuyết xã hội được dẫn trong tham luận, quyển “Lòng người nham hiểm” thỉnh thoảng được tác giả chen vào những đoạn văn là những bài thơ, hoặc những câu thơ vừa như đúc kết ý của đoạn, vừa như một khái quát hóa, kết luận cho một vấn đề mà tác giả muốn diễn đạt gọn để người đọc dễ nắm bắt: “Mà thật cũng ngán cho cái thói đời. Lúc ông mới về tạo lập gia cư, trong nhà thì tôi trai tớ gái đã rần rần, ngoài ngỏ những khách quý bạn sang thêm rộ rộ. Đến nay nhà ông rủi mà gặp hồi lưu li điên bái, sa cơ thất thế đi rồi, ối thôi! Một khóm liều tranh không kẻ đoái, hai gian nhà lá chẳng ai màn. Thật rõ ràng là:
Nhơn tình tợ chỉ trương trương bạc. Thế sự như kì cuộc cuộc tân.
Một đêm kia, hai chị em chong đèn đem mặt gối căng ra, rồi ngồi lại vừa thêu vừa trò chuyện với nhau, nhơn nhắc tới những chuyên đâu đâu, xiết bao trăm thảm ngàn sầu, dòm lại trong nhà vắng trước quạnh sau, liền nhớ tới mẹ cha, vùng sa nước mắt.
Ôi! Xưa sao nhiều kẻ ra vào? Chừ sao vắng trước quạnh sau một mình.”(17)
Cách viết tiểu thuyết chương hồi đã trở nên mẫu mực trong nhiều tác phẩm Trung Quốc. Trong thời kì đầu của văn xuôi Quốc ngữ, các nhà văn Nam Bộ vừa học tập tiểu thuyết phương Tây, vừa đi theo khuôn mẫu của tiểu thuyết chương hồi, nên không lạ gì, hầu hết các tác phẩm Nam Bộ ở thời kì đi theo lối viết: trình bày chương đầu, mở ý ra chương sau; trình bày chương sau mở ý cho chương kế tiếp và kết thúc tác phẩm bảo giờ cũng là một kết thúc “có hậu”: sự thật thắng, người hiền tài được trả lại những gì bị đánh mất.
Có thể kiểu viết “theo lối mòn” ấy làm cho người ta nhàm chán, vì nó mất đi nhiều yếu tố bí mật, bất ngờ. Trên đại thể là như vậy; nhưng những nhà văn sâu sắc trong việc xây dựng cốt truyện, có thể đưa ra nhiều tình huống “được – mất”, khiến tác phẩm cũng không đơn điệu mà thu hút người độc đến cuối truyện, như trường hợp trong “Nghĩa hiệp kì duyên”: Chăng Cà Mum, Trịnh Phương Lan cũng nhiều phen gặp nạn mới đến được bến bờ mong ước; còn Đào Phi Đáng (Phương Lan giả) cũng nhiều phen “mất – được” mới chấp nhận thua cuộc. Lối viết này phù hợp với mong ước của công chúng bình dân và tất nhiên cũng là đông đảo công chúng mê văn chương thời kì ấy. Ngay cả ở thời điểm hiện nay, lối viết chương hồi, không hẳn là đã hết công chúng độc giả. Bằng chứng là những sáng tác của Nguyên Hùng trong giai đoạn 1930-1945 vẫn lôi cuốn được công chúng độc giả.
3. Chữ Quốc ngữ có được sự phát triển như ngày hôm nay, có thể dùng trong mọi hoàn cảnh giao tiếp, được dùng trong mọi phong cách ngôn ngữ: văn chương, khoa học, báo chí, hành chính… là nhờ trước hết ở tinh thần đón nhận chữ Quốc ngữ của người Việt; kế đến phải kể các nhà văn Quốc ngữ Nam Bộ đã góp phần xây dựng trong công chúng Nam Kỳ nói riêng, một nhu cầu đọc sách, báo. Thành tựu này có sự đóng góp của Nguyễn Chánh Sắt với tư cách nhà văn và hơn nữa ông là một nhà báo, nhà báo có tên tuổi trong làng báo chí Nam Kỳ với cương vị chủ bút tờ Nông Cổ Mín Đàm, tờ báo nông nghiệp đầu tiên được công chúng độc giả mến mộ một thời.

Chú thích:
1. Hai tác phẩm được chọn khảo sát trích trong Văn xuôi Nam Bộ nửa đầu thế kỉ XX, tập 2, 2000, NXB. Văn nghệ, thành phố Hồ Chí Minh, tr. 19 - 129.
2. Từ điển tiếng Việt, 1992, Viện khoa học xã hội – Viện ngôn ngữ học, Trung tâm từ điển ngôn ngữ, Hà Nội, VN, tr. 1079.
3. Từ điển Văn học, bộ mới, 2004, Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá chủ biên, NXB. Thế Giới, tr. 1112.
4.Những từ Nam Bộ được nhấn mạnh in đậm trong các đoạn trích dẫn (HCT). Có thể xem thêm các đơn vị này trong Từ điển Từ ngữ Nam Bộ, 2009, Huỳnh Công Tín, NXB. CTQG, HN.
5. Nguyễn Chánh Sắt, Nghĩa hiệp kì duyên, sđd, tr. 19.
6. Nguyễn Chánh Sắt, Lòng người nham hiểm, sđd, tr. 96.
7. Nguyễn Chánh Sắt, Lòng người nham hiểm, sđd, tr. 93.
8. Nguyễn Chánh Sắt, Lòng người nham hiểm, sđd, tr. 93.
9. Nguyễn Chánh Sắt, Lòng người nham hiểm, sđd, tr. 97-98.
10. Huỳnh Công Tín, Văn chương miền sông nước Nam Bộ, 2012, NXB CTQG, tr. 79.
11. Từ điển Văn học, sđd, tr. 1112.
12. Nghĩa hiệp kì duyên, sđd, tr. 19.
13. Văn xuôi Nam Bộ nửa đầu thế kỉ XX, sđd, tr. 73.
14. Huỳnh Công Tín, Văn chương miền sông nước Nam Bộ, sđd, tr. 56.
15. Văn xuôi Nam Bộ nửa đầu thế kỉ XX, sđd, tr. 24.
16. Văn xuôi Nam Bộ nửa đầu thế kỉ XX, sđd, tr. 98.
17. Văn xuôi Nam Bộ nửa đầu thế kỉ XX, sđd, tr. 86.

No comments:

Post a Comment

Bài đăng nổi bật

HỌC TẬP VÀ NOI GƯƠNG BÁC TÔN LÀ VIỆC LÀM THIẾT THỰC TRONG HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH BÁC HỒ

Giữa lúc Đảng bộ và nhân dân An Giang đang đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ, chúng ta càng nhớ đến Bác Tôn...

Bài đăng phổ biến