Friday, October 12, 2018

VÀI GHI CHÉP VỀ TƯ TƯỞNG TỰ DO CỦA JOHN STUART MILL

NGUYỄN HUY TỬ QUÂN


Giả sử có một vườn địa đàng (Utopia) mà ở đó con người không những tôn trọng tự do của người khác, đối xử khoan dung với khác biệt, mà còn biết đồng cảm và đùm bọc lẫn nhau, thì hẳn là nơi ấy không cần đến triết học và luật pháp. Nhưng kể từ khi Adam và Eva bị ném khỏi thiên đàng, nhân loại đã chịu phán quyết phải sống trong một thế giới mà cái ác là không kì lạ, sự truy bức hay áp đặt là không hề kém phổ biến. Nói như Isaiah Berlin, tự do và khoan dung chỉ như nhữngốc đảo hiếm hoi giữa sa mạc của tính đồng phục, bất khoan dung và tình trạng đàn áp con người.[1]

Vì lẽ ấy mà lịch sử nhân loại, biết bao con người đã lên án tình trạng kinh khủng ấy và tha thiết bảo vệ cho tự do. Thời đại Victoria ở nước Anh chứng kiến một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất đến công cuộc ấy – John Stuart Mill. Ông không chỉ là người mở ra một xu hướng mới trong triết học chính trị (xu hướng xác định ranh giới của tự do cá nhân và sự can thiệp hợp pháp của xã hội), mà còn là người đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho những ai đang đấu tranh bền bỉ chống lại uy quyền. Bài luận ngắn dưới đây trình bày (1) nền tảng cho tư tưởng của Mill, (2) những nét chính trong tư tưởng của ông, và mạn phép (3) trình bày một vài suy nghĩ về tư tưởng này.
Nền tảng lập luận của Mill
Trước Mill, có 2 mô hình triết học liên quan đến tự do khác. Mô hình thứ nhất là của Kant, chủ trương rằng nhờ có tự do mà con người thoát khỏi tính tất yếu của thế giới tự nhiên, và tự mình ban bố các quy luật cho riêng mình trong thế giới tinh thần để từ đó làm nền tảng cho cơ sở đạo đức. Cũng chỉ nhờ tự do này mà con người khác với con vật, trở thành sinh vật có phẩm giá.. Mô hình thứ 2 của Hegel, chủ trương rằng tự do tất yếu sẽ được hiện thực bởi quy luật lịch sử. Mill mở ra một xu hướng nghiên cứu mới, nhằm nỗ lực xác lập ranh giới hợp pháp giữa tự do cá nhân và can thiệp xã hội.
Tuy nhiên, quan điểm của Mill lại rất khác những người đi trước. Ông khước từ bất cứ ý tưởng nào về pháp quyền trừu tượng như một thứ độc lập với tính hữu ích[2]: Mill không tin tưởng vào các quyền tự nhiên của John Locke, cũng không tin vào bản chất tự do mang tính siêu hình học của Kant, càng không tin vào sự tất yếu lịch sử mà Hegel trình bày. Trong những lập luận sau, ta cũng không thấy ông nhắc đến khế ước xã hội, dù ông vẫn nói ở một số đoạn rằng “sự đồng thuận là cơ sở để xác định ranh giới của tự do cá nhân và can thiệp xã hội”.
Cơ sở lập luận dựa trên thuyết công lợi
Là học trò cưng của ông tổ thuyết công lợi Jeremy Bentham, đồng thời là con trai của James Mill – một môn đồ trung thành với lý thuyết ấy, Mill chịu ảnh hưởng lớn bởi học thuyết này. Ông khẳng định rằng tất cả những gì ông quan tâm là tính hữu ích.[3]
Thuyết công lợi chủ trương việc đúng phải làm là “việc đem lại lợi ích hay hạnh phúc lớn nhất cho số người lớn nhất”. Tuy nhiên, việc hiểu thế nào là “hạnh phúc” ở Mill và Bentham lại không giống nhau. Trong khi Bentham quan niệm rằng, con người chịu sự cai trị của sự hạnh phúc và đau khổ, cho nên hành động đúng đắn là hành động đem lại sự sung sướng hoặc giảm trừ đau khổ. Khái niệm hạnh phúc của Bentham gần như giống với sự thỏa mãn hơn (pleasure). Ông tin rằng hạnh phúc chỉ có giá trị về lượng mà không có giá trị về chất, nghĩa là nếu việc ăn uống no say cũng làm ta ngây ngất (lượng giống nhau) như khi ngắm một bức họa đẹp, thì không thể nói rằng niềm vui nào “giá trị” hơn niềm vui nào. Triết học của Bentham phải chịu 2 phê phán (điều mà sẽ được giải quyết bởi Mill). Thứ nhất, Thuyết này nhìn nhận bản chất con người một cách quá thấp trên thang nhân bản, đến nỗi khiến cho Carlyle[4] gọi thứ triết học này là triết học lợn (pig philosophy)[5]. Thứ hai, không thể tính toán một cách định lượng tính vị lợi của một hành động, vì vậy sẽ chẳng thể đi tới một kết luận nào về tính đúng đắn hay sai lầm của hành động đó.
Khác với Bentham, Mill đã giải thích hạnh phúc một cách vừa rộng, vừa mơ hồ, đến nỗi nếu đem so với khái niệm hạnh phúc ban đầu, thì cái của Mill chỉ còn cái vỏ bọc ngôn ngữ và ý nghĩa thì đã mất hẳn. Mill nói rằng, “tính công lợi, hay hạnh phúc, là một cứu cánh quá phức tạp hay quá mập mờ, nên không tìm kiếm được, ngoại trừ phải thông qua các trung gian của những cứu cánh thứ cấp đa dạng”[6] Nghĩa là mặc dù ban đầu ông cho rằng tính hữu ích, hay tính vị hạnh phúc là tiêu chí duy nhất để phán xét 1 hành động, ông lại mâu thuẫn khi nói rằng, vì khái niệm hạnh phúc là quá mơ hồi chúng ta không thể dùng hạnh phúc để làm tiêu chí phán xét được. Do đó, ông đề xuất phải theo đuổi các cứu cánh thứ cấp bao gồm (nhưng không phải toàn bộ) sự tiến bộ của nhân loại như một tổng thể, lòng khoan dung, sự tự do và chân lý,… Như vậy, Mill đã mở rộng khái niệm hạnh phúc đến nỗi hệ quả của nó là triết học của Mill, như ta sẽ thấy, không hề mang một chút màu sắc công lợi nào. Và chính vì lẽ đó, thay vì tìm cách sáng tạo ra một “công cụ tính toán hạnh phúc” (hedonist caculus)[7] để xác định tính đúng sai của hành động trong từng trường hợp cụ thể như Bentham, Mill gạt bỏ luôn việc xác định tính đúng sai bằng cách định lượng lợi ích, mà đưa ra nghững nguyên tắc về Tự do có thể áp dụng trong mọi trường hợp, bất kể tính chất vị lợi của nó.
Tiền đề nhận thức luận của Mill
Mill quan tâm đến 3 loại tự do, gồm tự do lương tâm, tự do ngôn luận (chương II) và tự do lựa chọn cách sống của mình (chương III)[8]. Ông khẳng định rằng tự do lương tâm mang tính tuyệt đối, còn tự do ngôn luận là điều kiện cần thiết để tự do lương tâm không trở nên vô nghĩa.
Tuy nhiên, trước khi đi vào lập luận của Mill, cần nhắc đến một tiền giả định về khả năng tri thức của con người mà Mill tin tưởng (mặc dù ông không hề phát biểu và chứng minh về tiền giả định này. Suy cho cùng ông không phải là một nhà nhận thức luận): Mill tin rằng con người có thể sai lầm, rằng chân lý tối hậu và chung cuộc là không thể đạt được. Ông viện dẫn rằng ngay cả khoa học và số học, là những ngành khoa học mang tính chất chắc chắn cao, còn phải dựa vào kinh nghiệm để chứng minh một lý thuyết hay một mô hình; thì cớ gì mà trong các lĩnh vực luật pháp, đạo đức học, chính trị học, triết học hay tôn giáo – những lĩnh vực mà ở đó các lý thuyết chỉ mang tính xác suất, lại có người dám tự tin tuyên bố rằng điều anh ta tin là điều đúng đắn? Điểm này, Mill giống với các nhà thường nghiệm Anh (vốn có nguồn gốc từ Aristole) khi tin rằng, tri thức chỉ có sau thực nghiệm. Và vì vậy, nếu tri thức không phản ánh thường nghiệm thì nó phải bị bác bỏ.[9]
Trái ngược với quan điểm rằng tồn tại một thứ chân lý có trước cả kinh nghiệm, chân lý này có nguồn gốc từ thế giới lý tưởng (Plato) hoặc có nguồn gốc từ Chúa (Kito giáo) và được phát hiện thông qua mặc khải.
Tranh luận giữa 2 phe Aristotle và Plato này, là một tranh luận chưa có hồi kết trong lịch sử triết học về nhận thức. Vì vậy, ta sẽ thấy những câu trả lời của Mill đối với phe phản đối cũng không thực sự mang tính thuyết phục về logic.
Tư tưởng của Mill về Tự do
Mill bảo vệ tự do ngôn luận
Sau khi hiểu được tiền đề ngầm định trong đầu óc Mill, ta bắt đầu xem xét lập luận của ông. Mill lập luận rằng, chính vì không ai là có thể sai, cho nên chính nhờ Tự do ngôn luận mà các ý kiến khác biệt, thậm chí đối lập có thể đối đầu với nhau trên một “thị trường tư tưởng”, để từ đó loại trừ các lý thuyết sai lầm. Ông khẳng định, nếu một phát ngôn là sai lầm, thì phát ngôn ấy sẽ có ích bằng cách giúp cho chúng ta hiểu “một cách sống động hơn về điều chúng ta đang tin là đúng”. Mill thêm rằng, nếu chân lý không bị thách thức, ắt sẽ suy thoái thành giáo điều hay định kiến[10] và đưa xã hội vào tình trạng nô lệ kinh khủng về tư tưởng. Ngược lại, nếu một phát ngôn là đúng đắn hơn các phát ngôn khác, thì nó sẽ giành chiến thắng ở trận đấu cuối cùng, và chính nhờ đó mà nhân loại Tiến bộ hơn, tiến gần hơn đối với Chân lý. Như vậy, với Mill, tự do ngôn luận sẽ luôn đem lại “hạnh phúc” cho nhân loại, vì vậy sẽ không bao giờ là sai lầm, khi ta bảo vệ cho quyền tự do lên tiếng của bất kì ai, kể cả những kẻ mà ta cho là sai lầm hay lố bịch.
Mill bảo vệ tự do lựa chọn cách sống
Một cách tương tự, Mill bảo vệ tự do lựa chọn cách sống cho riêng mình (chương III) cũng bằng lập luận về tính hữu ích. Trước tiên, Mill khẳng định rằng con người không có một bản chất chung nào. Bản chất của con người có thể thay đổi theo vô vàn cách, dựa trên các yếu tố tự nhiên, sự tiếp xúc của anh ta với những người khác, cũng như chính bản thân sự lựa chọn của anh ta về về nên trở thành con người như thế nào vậy. Như vậy, con người trong suy nghĩ của Mill, hàm chứa vô vàn những tiềm năng tốt đẹp (đi kèm với những tiềm năng xấu) mà chúng ta không thể nào hình dung trước. Nhưng không phải khi nào những yếu tố tiềm tàng đó, có thể phát triển thành cái thực tồn. [11]
Mill khẳng định, chỉ khi để cho con người tự do lựa chọn cách sống của riêng mình, thì cái tiềm năng tốt đẹp kia mới có khả năng để chiến thắng cái tiềm năng xấu. Như vậy, nếu ai cũng được tự do lựa chọn cách sống của mình, thì xã hội trở thành một cuộc thử nghiệm trên quy vô rộng lớn về cách thức tổ chức đời sống, chính nhờ vậy mà một cách sống tốt mới có khả năng sinh ra và thuyết phục nhân loại lựa chọn nó, để rồi khiến cho xã hội loài người tiến bộ hơn.
Tuy nhiên, ông không chỉ nhìn tự do này dưới góc độ lợi ích, ngược lại, ông cho rằng sự đa dạng bản thân nó đã là một giá trị đẹp của đời sống. Ông khẳng định rằng, nếu không có tự do lựa chọn cách sống này, thì xã hội loài người sẽ trở nên què quặt và nghèo nàn.
Nguyên tắc Tự do của Mill
Bên cạnh những bảo vệ Tự do của Mill dựa trên tính hữu ích, Mill có một đóng góp lớn cho nhân loại khi là người đầu tiên đặt vấn đề về ranh giới của tự do cá nhân và can thiệp xã hội.
Ông nhìn thấy ở thời đại mình một nguy cơ vô cùng kinh khủng thúc đẩy sự độc tài của xã hội: Tư tưởng (Thanh giáo) chính thống của thời đại Victoria đối với vấn đề luân lý yêu sách sự tuân thủ nghiêm ngặt và triệt để: “trong thời đại chúng ta, từ giai cấp cao nhất cho đến thấp nhất của xã hội, ai ai cũng phải sống dưới con mắt của một sự kiểm duyệt thù địch và đáng sợ”; các điều kiện sống ngày càng tương đồng khiến cho không chỉ lối sống mà cả lối suy nghĩ cũng trở nên rập khuôn: “…đọc, nghe, nhìn cùng những thứ giống nhau, đi đến cùng một nơi, hy vọng và lo âu về cùng một thứ…”.[12]
Trong tác phẩm của mình, Mill liên tục nhấn mạnh rằng, sự đàn áp của xã hội tồi tệ không kém gì sự đàn áp từ nhà nước. Ông cảnh báo rằng cái mối nguy ấy đang ngày một lớn lên. Ông thấy ở đám đông cái tính cách thích đàn áp cố hữu của nó, do vậy ông cũng lo sợ sự suy thoái của tự do trong nền dân chủ, hệt như cách mà Tocqueville đã từng bày tỏ mấy chục năm về trước trong tác phẩm Nền dân trị Mỹ của ông.

Tuy nhiên, không vì thế mà Mill phản đối nền dân chủ. Ông cho rằng nguồn gốc quyền lực của nhà nước xuất phát từ nhân dân là chính đáng nhất. Vì thế, giải pháp ông đưa ra, là vạch một đường ranh giới mà sự can thiệp của xã hội hay nhà nước không thể vượt qua, điều mà sau này trở thành một nguyên tắc có ảnh hưởng rất lớn trong chính trị học: Nhà nước hay xã hội không được can thiệp vào công việc nào chỉ liên quan đến lợi ích của cá nhân; Sự can thiệp chỉ hợp pháp khi hành động của một cá nhân gây thiệt hại cho lợi ích của một cá nhân khác.[13] Ông khẳng định rằng, không thể can thiệp vào lựa chọn cá nhân, nếu ta nghĩ rằng hành vi đó gây tổn hại cho chính họ. Cũng bởi cùng một nguyên nhân như các lập luận trước: không ai có quyền khẳng định cái gì là có lợi cho người khác.
Tuy nhiên, Mill không tin rằng đây là một nguyên tắc tuyệt đối. Ông cho rằng trong những lĩnh vực như giáo dục, lao động, nhà nước có thể can thiệp vào lựa chọn của cá nhân để bảo vệ họ. Trường hợp của giáo dục, nhà nước có thể bắt buộc trẻ em đến trường, nhằm giáo dục cho nó trở thành một người có khả năng lựa chọn đúng đắn. Còn đối với người lao động, Mill ủng hộ các sắc luật giới hạn giờ làm việc, đề ra mức lương tối thiểu để bảo vệ người công nhân. Ông nói rằng cần can thiệp trong trường hợp ấy để kẻ yếu không bị nghiên nát.
Tuy nhiên, nguyên tắc của Mill cũng gặp một số tra vấn không dễ gì giải quyết. Có người lập luận rằng, ranh giới giữa cá nhân và xã hội là không thể xác định được. Vì tất cả hành động của chúng ta đều ít nhiều liên quan đến người khác. Hay “chẳng ai là một hòn đảo cả” – như cách nói của họ. Sự tra vấn khác đặt câu hỏi, thế nào mới được hiểu là “tổn hại”? Liệu những người hồi giáo cảm thấy bị xúc phạm sâu sắc khi đọc báo châm biếm của Charles Hebdo có phải là một sự tổn hại hay không? Và nếu có thì làm sao biện minh cho tự do thảo luận trong trường hợp này?[14]
Các niềm tin mà Mill không nói cho chúng ta
Đọc tác phẩm trứ danh của ông có thể cho ta cảm giác rằng kết luận của Mill được xây dựng trên cơ sở hoàn toàn suy lý. Tuy nhiên khi xem xét cuộc đời của Mill, ta thấy rằng dường như Mill bảo vệ tự do một cách mạnh mẽ hơn cách mà một người công lợi có thể hành xử; dường như Mill bảo vệ Tự do như cứu cánh chứ không phải như phương tiện. Bởi ta không thấy đâu trong thực tại những sự đắn đo về tình lợi ích mỗi khi ông lên tiếng bảo vệ tự do của riêng ai hay giai cấp nào. Ông bênh vực cho những kẻ dị giáo, kẻ bội giáo, kẻ báng bổ Chúa, bênh vực cho tự do một cách chân thành trong suốt cuộc đời mình.[15] Ta thấy được sự chân thành của ông khi Mill nói rằng vua Napoleon III là kẻ hèn hạ nhất còn sống; khi ông bày tỏ niềm vui sướng khi dự luật quy định hành vi chống lại sự chuyên chế của các dân tộc thuộc địa bị bãi bỏ; khi ông lên án các Bang miền Nam trong cuộc nội chiến của nước Mỹ; hay khi ông làm dân chúng Anh phẫn nộ vì đã phát biểu ủng hộ những kẻ ám sát Fenian tại hạ viện.[16]
Cuộc đời của Mill là cuộc đời của việc hiện thực hóa những lý tưởng mà ông tin tưởng. Thật khó mà nghĩ rằng ông đã hành động nhiệt thành như thế chỉ vì ông tin rằng Tự do đem lại lợi ích.
Như Bertrand Russell đã nhận xét khi đọc các tác phẩm của Mill, “những niềm tin chắc của các triết gia hiếm khi nào lại chứa đựng ở trong các luận cứ mang tính hình thức của họ; những niềm tin cơ bản, những quan điểm bao quát về cuộc sống giống như những pháo đài phải được bảo vệ chống lại kẻ thù”[17]. Quả thật vậy. Khi đọc Bàn về Tự do cũng như nghiên cứu cuộc đời hoạt động chính trị của Mill, ta thấy rằng Mill rất tin tưởng là Tự do có giá trị tự thân của nó (điều mà ông không thừa nhận). Một minh chứng có thể tìm thấy khi Mill nói rằng, việc các quốc gia thành bang cổ đại ở Hy Lạp ép buộc người dân phải tham gia vào một chương trình rèn luyện thể lực, quân đội và giáo dục bắt buộc để chống lại sự đe dọa từ ngoại bang là tạm chấp nhận được. Nếu Mill là một người công lợi, Mill hẳn sẽ không ngần ngại mà khẳng định rằng sự đàn áp kia là đúng đắn. Việc Mill chỉ nhận xét rằng hành động ấy là chấp nhận được cho ta thấy, Mill đã cho Tự do một giá trị riêng, (và chỉ khi nó xung đột với lợi ích chung của thành bang thì sự hạn chế tự do mới được biện minh).[18]
Những niềm tin của Mill vào giá trị tự thân của Tự do, hẳn xuất phát từ tuổi thơ ngột ngạt và đầy sự áp đặt từ cha ông. Cha ông vì tin rằng một con người duy lý là con người hạnh phúc, nên đã đào tạo Mill thành một người quá thiên về lý tính. Mill đã từng bộc lộ trong Tự truyện của mình rằng, ở tuổi 17, mặc dù có sự hiểu biết của một người có học tuổi 30, nhưng ông lại không hề có khả năng cảm xúc như một con người bình thường. Ông đã trải qua một cuộc khủng hoảng sâu sắc vào thời trẻ, cho đến khi nhận thấy rằng mình có thể khóc lần đầu tiên trong đời khi đọc một tác phẩm văn học Pháp cùng thời. Chính thời điểm bước ngoặt đó, ông đã bắt đầu tìm đọc văn học và thưởng thức nghệ thuật. Hẳn là từ đó, ông đã nhận ra sự nguy hại của việc áp đặt giáo dục, rằng sự áp đặt sẽ làm hủy hoại những khả năng đa dạng và phong phú nơi con người ta.
Chính vì lẽ đó, John Stuart Mill đã trở thành một con người bảo vệ Tự do và đa dạng một cách nhiệt thành như vậy, không phải niềm tin của ông vào thuyết công lợi, cũng chẳng phải vì sự tin tưởng vào luận luận của ông. Mill bảo vệ Tự do, bởi vì ông tin tưởng vào những giá trị tốt đẹp ấy.
Tạm kết
Mặc dù không thể giải quyết được sự tra vấn ấy, chúng ta không thể nghi ngờ về sự đóng góp của Mill đối với cuộc tranh đấu đòi Tự do của nhân loại. Những tư tưởng của Mill đã ảnh hưởng sâu sắc đến cách nghĩ của chúng ta trong thời đại ngày nay, đến nỗi làm cho chúng ta tưởng rằng điều ấy là hiển nhiên vậy. Vì vậy, Mill xứng đáng là nhà tư tưởng về Tự do đáng ngưỡng mộ nhất của thời đại Victoria, không phải vì sự sâu sắc hay thuyết phục trong lý thuyết của ông, mà bởi tình yêu, lòng nhiệt thành và niềm tin tưởng sâu sắc vào Tự do sẽ dẫn đến sự Tiến bộ cho Nhân loại. Thế kỉ XX nợ Mill rất nhiều.

[1] Isaiah Berlin, ‘Tất định luận và Tự do lựa chọn’, Nxb Tri Thức, Trang 202
[2] John Stuart Mill, ‘Bàn về Tự do’, Nxb Tri Thức, Trang 39
[3] Liệu có thật sự rằng Mill không khác gì với các nhà công lợi trước đó, vốn chỉ quan tâm đến tính hữu ích? Điều này được tác giả bày tỏ quan điểm các phần sau
[4] Một nhà tư tưởng thời Victoria. Ông cũng đồng thời là bạn của John Mill
[5] Bùi Văn Nam Sơn, ‘Đọc lại “BÀN VỀ TỰ DO” của John Stuart Mill’, website: tinhthankhaiminh.blogspot.com
[6] Isaiah Berlin, ‘Tất định luận và Tự do lựa chọn’, Nxb Tri Thức, Trang 221
[7] Reds.vn, ‘Tư tưởng đạo đức – nhân sinh: 5 – Chủ nghĩa vị lợi của Jeremy Bentham’, Website:reds.vn
[8] Thực ra Mill còn đề cập đến tự do lập hội, nhưng ông xem tự do lập hội là hiển nhiên không cần phải chứng minh. Có lẽ ông vì đang sống trong điều kiện mà tự do lập hội bị bóp nghẹt, cũng như ông thấy được lợi ích của nó trong việc đấu tranh đòi quyền lợi cho công nhân (Mill chịu ảnh hưởng của Chủ nghĩa xã hội ôn hòa, vốn đang thịnh hành ở Anh Quốc thời đó), cho nên ông chưa tiên liệu được những điều kiện phức tạp có thể sẽ xảy ra khi thực hành tự do lập hội.
[9] Tuy nhiên phải lưu ý, Mill không phải người theo thuyết hư vô, rằng chẳng có chân lý nào trên đời cả. Ông tin rằng tuy không ai có thể chứng minh được điều gì là chân lý, nhưng ông ngầm khẳng định rằng, chúng ta có thể dựa vào thực nghiệm để chứng minh rằng một lý thuyết nào là sai. (Điều sau này được Karl Popper xây dựng thành một lý thuyết gây tiếng vang về Khoa học luận. Do đó, sự tranh luận và đối chiếu vào thực tiễn là không hề vô ích.
[11] Ở điểm này, ta thấy sự ảnh hưởng của triết học Aristotle lên Mill. Aristotle nói rằng, bên trong cái hạt có tiềm năng trở thành cái cây. Tiềm năng đó chỉ có thể trở thành hiện thực khi cái hạt được chăm bón dưỡng chất. Tuy nhiên, khác với Aristotle, Mill không tin vào tính tất định của tiềm năng ấy. Ông cho rằng con người có vô vàn những tiềm năng đa dạng không thể hình dung trước được.
[12] Bùi Văn Nam Sơn, ‘Đọc lại “BÀN VỀ TỰ DO” của John Stuart Mill’, website: tinhthankhaiminh.blogspot.com
[13] Vì Mill là triết gia công lợi nên ông sử dụng tính lợi ích trong nguyên tắc của mình. Các nhà triết học quyền tự nhiên sau này sửa chữ lợi ích của Mill thành quyền tự nhiên.
[14] Có lẽ tư tưởng của Mill đã phần nào hình thành các án lệ liên quan đến sự xung đột giữa tự do ngôn luận và tự do tôn giáo. Tòa án có xu hướng bảo vệ chỉ các ngôn luận có đóng góp vào công luận chung.
[15] Isaiah Berlin, ‘Tất định luận và tự do lựa chọn’, Nxb Tri Thức, Trang 215
[16] Isaiah Berlin, ‘Tất định luận và tự do lựa chọn’, Nxb Tri Thức, Trang 216
[17] Isaiah Berlin, ‘Tất định luận và tự do lựa chọn’, Nxb Tri Thức, Trang 270
[18] John Stuart Mill, ‘Bàn về tự do’, Nxb Tri Thức, Trang 44.

Nguồn: Blog Nguyen Huy Tu Quan.

No comments:

Post a Comment

Bài đăng nổi bật

HỌC TẬP VÀ NOI GƯƠNG BÁC TÔN LÀ VIỆC LÀM THIẾT THỰC TRONG HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH BÁC HỒ

Giữa lúc Đảng bộ và nhân dân An Giang đang đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ, chúng ta càng nhớ đến Bác Tôn...

Bài đăng phổ biến