Sunday, October 14, 2018

ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN HUỲNH THỊ HƯỞNG

VANG MÃI LỜI CA VỀ NGƯỜI CON GÁI HỘI AN[1]


Lê Phương Thanh*

Chợ Mới không chỉ là “chiếc nôi cách mạng” của tỉnh An Giang, mà còn là xứ sở “địa linh nhân kiệt” với biết bao anh tài làm rạng danh vùng đất cù lao như: Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Hưởng, Võ Thành Trinh, Nguyễn Ngọc Trân, Trương Công Thận, Nguyễn Văn Hơn, Nguyễn Tuấn Khanh, Nguyễn Hoàng Việt, Nguyễn Văn Giàu, Nguyễn Hữu Khánh, Nguyễn Ngọc Bạch, Nguyễn Quang Sáng, Hoàng Hiệp, Anh Đức, Can Trường… và không thể không nhắc đến nữ anh hùng Huỳnh Thị Hưởng.
Huỳnh Thị Hưởng là biểu tượng của một thế hệ phụ nữ trung liệt tại Chợ Mới trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Một người con gái anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang, tràn đầy lạc quan cách cách mạng, không run sợ trước kẻ thù, tin vào chính nghĩa, tỏ rõ khí phách cho đến hơi thở sau cùng. Người con gái ấy, yêu cuộc sống trong từng hơi thở, nhưng lúc cần có thể hy sinh một cách bình thản đến lạ thường, dũng khí đối mặt cái chết khiến lòng người rung động, cảm phục.
Theo chân Bà Trưng, Bà Triệu,… Huỳnh Thị Hưởng ra đi không để lại kỷ vật gì dù là di ảnh, chỉ để lại tiếng thơm từ cuộc đời ngắn ngủi 20 xuân của chị, một cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, kiên trung.
Huỳnh Thị Hưởng (bí danh Sáu Hồng) sinh năm 1945 trong gia đình theo đạo Tứ ân Hiếu nghĩa ở ấp An Ninh, xã Hội An, quận Chợ Mới, tỉnh Long Xuyên (nay là huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang).
Hội An là mảnh đất giàu truyền thống, nhân dân sớm giác ngộ cách mạng, nổi dậy đấu tranh từ những ngày đầu Đảng mới thành lập, đây cũng là địa bàn được các đảng viên ở Cao Lãnh, Sa Đéc, Chợ Mới thường xuyên lui tới móc nối gây dựng cơ sở. Tháng 4/1930, chi bộ Hội An ra đời, đây là một trong những chi bộ Đảng được thành lập sớm ở quận Chợ Mới lúc bấy giờ. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Hội An xây dựng được căn cứ La Kết (còn gọi là thủ đô “Lake” của huyện Chợ Mới).
Sinh ra trong gia đình lấy “tứ ân” làm trọng, lại được bồi dưỡng lòng tự hào truyền thống trên mảnh đất anh hùng, Huỳnh Thị Hưởng sớm tỏ rõ khí phách, mới 8 tuổi đã cương quyết không chào cờ ba que vì cho rằng đó là cờ Việt gian bán nước, 15 tuổi tham gia cách mạng làm nhiệm vụ truyền tin, liên lạc, dẫn đường cho cô chú cán bộ…
Huỳnh Thị Hưởng thông minh, nhanh nhẹn, vui tính lại có duyên nên hoạt động ở đâu cũng gây được thiện cảm với quần chúng nhân dân, gia đình cơ sở rất mực thương yêu, tin tưởng. Mọi nhiệm vụ tổ chức giao chị đều hoàn thành xuất sắc, 18 tuổi đã vinh dự được kết nạp vào Đảng.
Từ đoàn thể Thanh niên đến Phụ nữ, công tác nào Huỳnh Thị Hưởng cũng xông xáo, tích cực. Khi làm Hội trưởng Phụ nữ xã Hội An, hàng đêm Huỳnh Thị Hưởng tập hợp chi em kéo đi san bờ chướng, cắt kẽm gai, nhổ trụ sắt bờ rào ấp chiến lược, góp phần phá hoại kế hoạch xây dựng hệ thống ấp chiến lược khoanh dân của địch những năm 1962 - 1963.
Là phụ nữ nhưng Huỳnh Thị Hưởng rất say mê hoạt động võ trang, tham gia tổ du kích mật của xã, làm nhiệm vụ diệt ác trừ gian. Chị có biệt tài bắn súng và gài trái (lựu đạn) rất nhanh, khi chiến đấu rất điềm tĩnh, gan dạ, vì vậy anh em du kích hết sức nể phục.
Thường có mặt trong lực lượng vũ trang, từng góp công qua nhiều trận đánh, Huỳnh Thị Hưởng được tổ chức đưa đi học khóa huấn luyện quân sự tại Núi Dài, sau đó phụ trách Xã đội trưởng. Năm 1965, Huỳnh Thị Hưởng được bổ sung chi ủy viên.
Những năm 1964 - 1965, căn cứ địa Hội An bị địch đánh phá, chiếm đóng, lực lượng cách mạng huyện Chợ Mới phải tạm lánh sang Lấp Vò, chọn khu vực Tòng Sơn làm căn cứ.
Không còn lực lượng cách mạng đứng chân, địa bàn xã Hội An bị địch kiểm soát nghiêm ngặt, điều kiện hoạt động rất khó khăn, nguy hiểm. Thế nhưng, Huỳnh Thị Hưởng vẫn đều đặn trở về hàng đêm để móc nối gây dựng cơ sở. Bà con ở mương Bà Phú (Hội An) còn nhớ mỗi khi mặt trời vừa khuất bóng là thấy Sáu Hồng xuất hiện.
Sáng 15/6/1965 (âm lịch), Thiếu tá Huỳnh Trung Hiếu chỉ huy 2 cánh quân hành quân qua ngọn Đất Sét và các mục tiêu ở mương Chùa, mương Kinh (xã Hội An Đông). Cánh chủ lực từ Đất Sét đánh thẳng vào Tòng Sơn do Trung úy Lê Văn Trót (thường gọi Mười Chót) chỉ huy. Do chênh lệch, lực lượng cách mạng huyện Chợ Mới rút sâu vào ngọn Mỹ An Hưng. Huỳnh Thị Hưởng vẫn trụ lại nhà cơ sở, quyết trả thù cho những đồng đội hy sinh.
Chiều cùng ngày, sau khi chiếm được mục tiêu, lính của Trung úy Trót gác súng nghỉ ngơi tại một khoảng đất trống thuộc phần đất của ông Tám Cát (nay là khu vực trước nhà ông Ba Lộc - gần chỗ hốt thuốc nam của ông Năm Bích - thuộc ấp An Bình, xã Mỹ An Hưng A). Bất ngờ, Huỳnh Thị Hưởng dùng khẩu Thompson hạ sát 4 tên, làm 6 tên khác bị thương. Sau khi giấu súng, chị cải trang và được người chú họ Huỳnh Văn Phiên (Chín Phiên) đưa qua sông về Hội An.
Bấy giờ, Bùi Văn Hoanh mới nhận chức Đại diện xã[2] Hội An, nhà gần bến đò Rạch Sâu, điên cuồng chống phá cách mạng. Chiều 15/6 (âm lịch), chính quyền xã Hội An chuẩn bị tổ chức cúng Kỳ yên đình Thần. Huỳnh Thị Hưởng nhận nhiệm vụ trà trộn đám đông diệt Đại diện Hoanh.
Huỳnh Thị Hưởng tay sách vỏ đệm đi thẳng ra bến đò Cái Tàu, đến khu vực Cầu Củi (cách vàm mương Bà Phú khoảng 100 mét) để gặp anh Nguyễn Văn Đồ (Năm Đồ) nhờ chở đến một gia đình cơ sở nhận vũ khí rồi lên đình Hội An.
Rủi thay, trên đường đi hai người gặp Nguyễn Văn Liềm (bán gạo ở chợ Cái Tàu, là người cùng xóm nên biết rõ về chị Hưởng), tên này mật báo cho Lê Hồng Thanh (Ba Sô) làm đồn trưởng ở chợ phục kích quanh nhà ông Nguyễn Văn Thành (Ba Kiêu) đón lỏng bắt Huỳnh Thị Hưởng.
Chị Hưởng và anh Năm Đồ cùng bị bắt, địch lục soát vỏ đệm nhưng không tìm thấy gì nên không thể khẳng định chị Hưởng là Việt Cộng. Nghe tin, một tên lính của Huỳnh Trung Hiếu đang ở chợ Cái Tàu liền tìm đến nhìn mặt: “Nó đó, hồi chiều con nầy nó bắn tụi tao”. Thế là, chị Hưởng và anh Năm Đồ bị đem trấn nước, tra khảo, rồi giam giữ trong đồn ở chợ Cái Tàu. Lúc bị giam chung, chị Hưởng căn dặn anh Năm Đồ cứ khai là không quen biết, chỉ cho chị quá giang xe để địch không thể khép tội.
 Sau nhiều ngày tra tấn, địch chuyển anh Năm Đồ lên quận để tiếp tục điều tra, sau lại anh đưa về Trung tâm cải huấn ở Long Xuyên giam giữ 6 tháng mới được thả ra.
Riêng phần chị Hưởng, dù bị địch đánh đập chết đi sống lại vẫn không khai báo cơ sở cách mạng. Đánh đập không kết quả, địch quay sang chiêu dụ, song vẫn không thể lay chuyển được chị.
Tề xã bất lực, chị Hưởng bị giao cho 4 tên cố vấn Mỹ từ quận lỵ Chợ Mới xuống tra khảo. Suốt 3 ngày, Huỳnh Thị Hưởng bị tra tấn dã man, cả người bê bết máu, mặt sưng húp, 10 đầu ngón tay bị đóng đinh máu chưa ngừng chảy, song chị vẫn không một lời khai báo.
Mấy tên cố vấn Mỹ lôi chị ra chợ Cái Tàu bắt chỉ mặt gia đình cơ sở, đồng thời cũng để khủng bố tinh thần quần chúng. Để trấn an quần chúng, chị Hưởng điềm tĩnh nói: “Bà con an tâm, tôi không khai báo gì, tôi có chết còn nhiều người khác làm cách mạng. Cách mạng nhất định sẽ thắng lợi”. Vừa dứt lời, chị bị tên cố vấn Mỹ đạp té lăn ra đất, rồi bị lôi về đồn tiếp tục tra tấn.
Biết không thể khuất phục được người con gái kiên trung, địch quyết định thủ tiêu Huỳnh Thị Hưởng để trả thù cho những binh lính của Huỳnh Trung Hiếu bị bắn chết và để chính quyền xã Mỹ An Hưng răn đe những gia đình có con em tham gia cách mạng.
Chiều 19/6/1965 (âm lịch), Huỳnh Thị Hưởng bị dẫn qua chùa Ông (Thanh Đức Cung) canh giữ. Đến tối, địch dẫn chị về phía dốc cầu đúc Cái Tàu Thượng rồi rẽ hướng sông cái chừng 40 mét. Tại đây, lính của Huỳnh Trung Hiếu chặt lá chuối tươi lót đầy một khơảng đất trống gần mé lộ ven rạch Cái Tàu (nay thuộc địa phận ấp An Ninh, xã Mỹ An Hưng A). Hai tên lính căng tay chị ra, Đại diện xã Mỹ An Hưng[3] gằn giọng hỏi: “Tao hỏi lần chót. Mầy có khai không?”.
Sau nhiều ngày bị tra tấn dã man, chị Hưởng dùng hơi sức còn lại hét lớn: “Đả đảo đế quốc Mỹ và bọn tay sai!”. Một nhát dao rọc dài từ miệng lên đến mang tai chị Hưởng. Hăng máu, Đại điện xã Mỹ An Hưng đâm thêm một nhát vào hang cua (gần cổ), cắt đứt cổ họng, máu bắn ra, rớt xuống phát ra tiếng lộp độp trên những tào lá chuối.
Sáng sớm, người dân thấy xác chị Hưởng nằm trên cầu đúc Cái Tàu. Đến trưa, ông Huỳnh Văn Đê - ba chị Hưởng - cùng với người nhà và hàng xóm đến đem xác chị về an táng tại vườn nhà.
Năm 1982, hài cốt chị Hưởng được quy tập cải táng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Chợ Mới. Năm 1985, chị Hưởng được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 1993, bia tưởng niệm Anh hùng Huỳnh Thị Hưởng được xây dựng (đối diện trụ sở công an xã). Năm 1995, trường Phổ thông trung học Hội An được đổi tên thành trường THPT Huỳnh Thị Hưởng. Ngoài ra, một Nhà trẻ ở Thành phố Long Xuyên và nhiều cung đường trong tỉnh An Giang cũng vinh dự được đặt tên Huỳnh Thị Hưởng.
Ít ai biết rằng, khi hay tin Huỳnh Thị Hưởng (Sáu Hồng) bị bắt, tất cả đồng đội, anh em chiến sĩ và gia đình cơ sở có liên hệ công tác không một ai di chuyển địa điểm để tạm lánh, vì luôn tin tưởng vào phẩm chất ở chị. Thực tế đã đúng như vậy, chị Hưởng không khai báo, dù nửa lời.
Khí phách và sự hy sinh anh dũng của Huỳnh Thị Hưởng đã dấy lên phong trào noi gương chiến đấu hết sức mạnh mẽ. Chi bộ Hội An từ vài đảng viên năm 1965 đã phát triển lên 38 đảng viên chỉ sau một thời gian ngắn, thanh niên hăng hái tòng quân giết giặc, có gần 20 tân binh được bổ sung vào bộ đội huyện, tỉnh, số đông thì gia nhập lực lượng du kích.
Nhớ về Huỳnh Thị Hưởng (Sáu Hồng), bà Lê Thị Nhan (cán bộ hưu trí, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy An Giang) - từng có thời gian gắn bó công tác, xúc động cho biết: Người liệt sĩ được tôn vinh anh hùng lực lượng vũ trang chỉ cần một hoặc vài hành động, đóng góp nổi bật được công nhận. Riêng đối với Sáu Hồng thì những hành động anh hùng, những đóng góp nổi bật không chỉ một vài lần mà được thể hiện xuyên suốt trong quá trình hoạt động cách mạng. Vì vậy, nếu có thể được thì phong tặng Sáu Hồng đến vài danh hiệu anh hùng vẫn hết sức xứng đáng.
Anh hùng Huỳnh Thị Hưởng mãi là tấm gương sáng cho các lớp thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Hội An, huyện Chợ Mới nói chung học tập noi theo, cống hiến sức mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang trên xứ sở được mệnh danh “chiếc nôi cách mạng” của tỉnh. Tên tuổi và sự nghiệp của chị mãi là niềm tự hào, được tôn vinh là một trong những hình mẫu tiêu biểu của phụ nữ Việt Nam: “ Vừa hiền, vừa dịu lại vừa tươi/ Mà lúc xông pha mạnh tuyệt vời/ Đánh giặc, lo nhà, xây dựng nước/ Đảm đang lừng lẫy bốn phương trời”.
Cảm phục trước tấm gương chiến đấu, hy sinh anh dũng của nữ anh hùng Huỳnh Thị Hưởng, soạn giả Huỳnh Khuẩn đã sáng tác bài vọng cổ mang tên NGƯỜI CON GÁI HỘI AN, trong đó có mấy câu xúc động:
Dòng sông con nước trôi lững lờ/ Mây chiều gợi nhớ thương về ai người con gái Hội An/ Chị đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho đời/ Ngàn năm ghi mãi tấm lòng người liệt sĩ/ Gương sáng cho đời sau/ Vẫn khắc ghi người nữ anh hùng…[2]./.

Nguồn: Kỷ yếu hội thảo khoa học "Tấm gương chiến đấu, hy sinh của Anh hùng liệt sĩ Huỳnh Thị Hưởng trong kháng chiến chống Mỹ", 2017. 

Tham khảo:
Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Chợ Mới (2010), Lịch sử Đảng bộ huyện Chợ Mới 1927 - 2010.
Đảng bộ xã Hội An (2005), Lịch sử Đảng bộ xã Hội An 1930 - 2005.
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Chợ Mới (2016), Chợ Mới và những tấm gương phụ nữ kiên trung, Nxb Văn hóa - Văn nghệ, Tp. Hồ Chí Minh.




[1] Hội An là một trong 4 xã ở huyện Chợ Mới được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
(*) Ths Triết, Hội viên Hội KHLS tỉnh An Giang.
[2] Đại diện xã là chức danh đứng đầu chính quyền cấp xã được gọi trong giai đoạn 1956 - 1966. Từ năm 1967 - 1971 gọi là Chủ tịch xã. Từ năm 1972 - 30/4/1975 gọi là Xã trưởng.
[3] Bấy giờ người dân hay gọi tên này là cảnh sát 9 ngón.

No comments:

Post a Comment

Bài đăng nổi bật

HỌC TẬP VÀ NOI GƯƠNG BÁC TÔN LÀ VIỆC LÀM THIẾT THỰC TRONG HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH BÁC HỒ

Giữa lúc Đảng bộ và nhân dân An Giang đang đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ, chúng ta càng nhớ đến Bác Tôn...

Bài đăng phổ biến