Tuesday, October 2, 2018

CẦN THƠ GÓP PHẦN TẠO NÊN BƯỚC NGOẶT CỦA CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC VỚI SỰ KIỆN TẾT MẬU THÂN (1968)

Lê Phương Thanh[*]



Don Oberdoifer - một nhà báo người Mỹ đã gọi “trận chiến của mọi trận chiến của cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai”[2] để mô tả sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968 gây chấn động người Mỹ, từ báo giới, chính trị gia, tướng lĩnh, binh lính cho đến thường dân lúc bấy giờ. Khi tin tức cuộc tấn công truyền đi với tốc độ nhanh gấp 30 vạn lần tốc độ viên đạn bắn ra từ họng súng của người chiến sĩ giải phóng - mà Don Oberdoifer gọi bằng hai từ Việt cộng, - chữ “TẾT” được dùng nguyên xi trên các mặt báo nước ngoài để diễn tả trọn vẹn sự bất ngời, choáng váng.
Trận chiến của mọi trận chiến…
Bộ đội Tiểu đoàn Tây Đô vượt sông tiến vào đánh chiếm thành phố Cần Thơ trong chiến dịch Tết Mậu Thân

Hòa cùng tiếng súng toàn miền Nam, cuộc tổng tấn công và nổi dậy của quân và dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là Cần Thơ (trung tâm đầu não của vùng 4 chiến thuật) đã làm Mỹ - Ngụy thêm hoảng loạn trong lúc chưa kịp định thần trước việc Huế, Sài Gòn và nhiều đô thị khác đang bị tấn công.

Tại Cần Thơ, các Tiểu đoàn chủ lực 307, 309, Tây Đô đồng loạt tấn công các vị trí quan trọng của địch trong nội thành: Bộ Tư lệnh vùng 4, Sở chỉ huy lực lượng quân trấn Cần Thơ, Trung tâm chỉ huy địa phương quân vùng 4, Đài Phát thanh, Cư xá tình báo và cố vấn Mỹ, Toàn lãnh sự Mỹ, sân bay Lộ Tẻ,… Đòn tấn công bất ngờ, mãnh liệt vào nội thành đã buộc Mỹ - Ngụy phải rút lực lượng từ các vùng ngoại vi về cứu nguy, bỏ ngõ vùng nông thôn. Nắm lấy thời cơ, lực lượng vũ trang tại chỗ đã hỗ trợ quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ nhiều nơi.
Bị tấn công đồng loạt ở nội thành cũng như vùng nông thôn, ban đầu địch lúng túng chống đỡ, nhưng sau đó nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, điều động lực lượng phản kích. Trong nội thành, ta và địch giằng co quyết liệt nhằm giành quyền kiểm soát các vị trí trọng yếu. Địch chiếm hẳn ưu thế về quân số, hỏa lực, nên từ đầu cuộc phản kích, dù bộ đội ta đã chiến đấu anh dũng, giành giật từng ngôi nhà, góc phố, con đường, gây cho địch nhiều tổn thất về sinh lực và phương tiện chiến tranh, song ta cũng bị tiêu hao nặng nề.
Trong 4 ngày đầu của cuộc tấn công (đợt 1), địch phản kích quyết liệt để giành lại những vị trí ta chiếm giữ trong nội thành. Đáng tiếc, khởi nghĩa đã không diễn ra trong nội thành như dự tính ban đầu. Mặt khác, đòn công kích quân sự của ta chưa đủ mạnh để làm chỗ dựa chắc chắn cho phong trào nổi dậy của quần chúng, sau khi đánh vào nội thành, bộ đội ta phải chuyển sang thế chống trả địch phản kích. Sau một thời gian chiếm giữ các vị trí, đánh lui nhiều đợt phản kích của địch, lực lượng chủ lực trong nội thành phải rút ra vùng ven (4-2-1968) để củng cố, giữ bàn đạp tiến công.
Tại vùng ven, cuộc chiến đấu chống phản kích kéo dài nhiều ngày và hết sức ác liệt. Lộ Vòng Cung, hành lang quan trọng phía tây thành phố Cần Thơ trở thành tuyến lửa giằng co quyết liệt giữa ta và địch. Ta từ ngoài đánh vào, quyết giữ tuyến Vòng Cung để giữ cửa ngõ cho các đơn vị tiến vào nội thành trong các đợt tấn công tiếp theo. Địch từ trong đánh ra, quyết kiểm soát Vòng Cung để tạo vùng đệm an toàn cho nội thành, ngăn lực lượng ta xâm nhập. Suốt 60 ngày đêm, đất Vòng Cung tan hoang vì bom đạn, phi pháo và chất độc hóa học của địch. Bám trụ đất Vòng Cung vô cùng gian khổ, hy sinh nhưng đồng bào luôn vững vàng ý chí, cây cối có thể không sống nổi nhưng người Vòng Cung quyết không bỏ đất, không bỏ rơi bộ đội. Bám đất trở thành khẩu hiệu anh dũng. Cuối cùng, bom đạn đã không thể đè bẹp được ý chí của quân và dân đất lửa Vòng Cung.
Trong đợt 1, quân và dân Cần Thơ đánh tiêu hao, diệt[3] gần 10.000 tên địch (có 1.500 tên Mỹ và chư hầu), phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh (có 150 máy bay các loại), diệt trên dưới 100 đồn bót, giải phóng 10 xã với trên 2 vạn dân[4].
Tổng tấn công và nổi dậy tiếp tục nổ ra 2 đợt nữa. Đợt 2 từ ngày 5-5 đến 15-6-1968. Đợt 3 từ ngày 17-8 đến 30-9-1968. Song, các mục tiêu tấn công vào đô thị từ đợt 2 không đạt được kết quả cao, lực lượng ta bị tiêu hao nặng từ đợt 1 nên khi đánh vào các mục tiêu ở thành phố, thị xã, thị trấn chủ yếu sử dụng pháo binh từ ngoài đánh vào, không còn lực lượng để đánh trực diện.
Tại vùng ven, trong cao điểm đợt 2 quân và dân Cần Thơ đã làm tròn nhiệm vụ căng kéo địch để chia lửa với mặt trận nội thành, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Nổi bật nhất là trận phục kích ở Cái Tắc - Tầm Vu ngày 25-5-1968, diệt 2 tiểu đoàn chủ lực ngụy, phá hủy 52 xe quân sự. Trận đánh có tác động thúc đẩy quân và dân các xã trong tỉnh nổi dậy bao vây, công phá 50 đồn, giải phóng thêm 2 xã và nhiều ấp[5].
Đợt 3 của cuộc tổng tấn công và nổi dậy ở Cần Thơ diễn ra lúc Mỹ - Ngụy đang đẩy mạnh triển khai kế hoạch bình định lấn chiếm, có lúc địch tập trung 11 tiểu đoàn để giữ thành phố. Dù vậy, Tiểu đoàn 307 và một bộ phận đặc công vẫn táo bạo tập kích sân bay Lộ Tẻ bằng lựu đạn và chất nổ, phá hủy 60 máy bay các loại[6], gây được tiếng vang lớn.
Có thể nói, tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân ở Cần Thơ là những đòn đánh rất táo bạo từ đợt 1, rất quyết tâm và kiên trì ở đợt 2 và đợt 3. Ở mặt trận nội thành, đòn tấn công vào các mục tiêu quan trọng ngay đầu não vùng 4 chiến thuật của địch tuy không kéo dài và không gây thiệt hại lớn về sinh lực, nếu so với mặt trận vùng ven thì chỉ là mũi kim so với ngọn giáo nhưng đó là mũi kim thọc ngay vào trái tim kẻ thù, khiến chúng choáng váng, hoang mang cực độ.
Tuy nhiên, quân và dân Cần Thơ đã chịu nhiều tổn thất vì phải đối đầu với kẻ thù đông về lực lượng, mạnh hơn và hiện đại hơn hẳn về vũ khí, phương tiện chiến đấu. Sau đợt 2, lực lượng vũ trang Cần Thơ chịu tổn thất lớn, nhất là lực lượng biệt động thành - những chiến sĩ thông thạo địa hình, tinh thần chiến đấu cao, đánh địch giỏi đã bị tiêu hao nặng. Sau 3 đợt tấn công, cả chủ lực, địa phương quân và du kích đều thiếu hụt nghiêm trọng, tổn thất quân số có đến phân nửa hoặc hơn ở các đơn vị. Tổn thất này làm cho lực của quân và dân Cần Thơ giảm sút nhiều, trong lúc ta cố gắng bổ sung thì địch tranh thủ bình định, lấn chiếm, kể cả một số trọng điểm vùng giải phóng và căn cứ của ta, làm cho thế của phong trào cách mạng Cần Thơ gặp nhiều khó khăn trong một vài năm sau.
Tổn thất do chênh lệch lực lượng và trang bị giữa ta và địch là khách quan. Song phải nhìn nhận rằng, tổn thất của quân và dân Cần Thơ còn xuất phát từ những chệch choạt trong hợp đồng tác chiến, nhất là do chuyển hướng chỉ đạo chiến lược chậm nên bị thiệt hại nặng,… trong đó có phần trách nhiệm của Khu. Lãnh đạo Khu nghe nhiều ý kiến từ bên dưới phản ánh, nhưng chưa mạnh dạn và kiên quyết báo cáo lên trên[7].
…tạo bước ngoặt quan trọng
Đã có rất nhiều nghiên cứu, đánh giá của giới khoa học, cả trong và ngoài nước về sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968. Theo đó có nhiều ý kiến trái chiều về bên thắng cuộc trong trận chiến của mọi trận chiến của cuộc chiến tranh Đông Dương này. Sỡ dĩ như vậy là do nhiều nguyên nhân, xuất phát từ quan điểm cá nhân của người nghiên cứu, từ cách tiếp cận, hoặc nguồn tư liệu còn hạn chế và chưa được thẩm định rõ ràng, quan trọng nhất là xuất phát từ quan điểm chính trị từ mỗi phía và yếu tố tình cảm chi phối…
Song, dù có đánh giá thế nào, một điều chắc chắn ai cũng tán đồng là lịch sử sẽ không bao giờ quên sự kiện Tết Mậu Thân 1968. Hơn nữa, về mặt khoa học, những nghiên cứu, nhận định, đánh giá, tranh luận về sự kiện này là cần thiết, góp phần làm rõ một sự kiện lịch sử “quan trọng nhất và phức tạp nhất của cuộc chiến tranh Việt Nam”[8], làm tăng tầm giá trị cột mốc trong lịch sử đấu tranh giải phóng của dân tộc Việt Nam, ghi dấu một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình 21 năm kháng chiến cứu nước của quân và dân hai miền dưới sự lãnh đạo của Đảng vì mục tiêu độc lập, tự do, thống nhất đất nước.
Có một điều, khi đánh giá về Tết Mậu Thân, hầu như không một sử gia người Mỹ và phương Tây nào chấp nhận rằng Mỹ thất bại về mặt quân sự. Đó là bởi vào dịp “TẾT”, binh lính Mỹ - Ngụy và chư hầu ở miền Nam Việt Nam có hơn 1 triệu 100 ngàn quân được trang bị hiện đại để đương đầu với 67.000[9] giải phóng quân được trang bị kém hơn nhiều. Sau những choáng váng ban đầu, Mỹ - Ngụy phản kích quyết liệt, giành lại quyền kiểm soát các đô thị, đẩy quân chủ lực ta ra các vùng ven. Dựa trên tương quan lực lượng“sự dịch chuyển làn ranh chiến tuyến” như vừa nêu, cộng với số liệu “đếm xác” mà tướng lĩnh Mỹ, quân đội Sài Gòn và các học giả phương Tây cho rằng Mỹ đã thắng trong sự kiện “TẾT”.
Tuy nhiên, có sự thiếu thuyết phục khi dựa trên các cơ sở đó để đánh giá.
Thứ nhất, Mậu Thân 1968 là lần đầu tiên trong nhiều năm chiến tranh, toàn bộ hệ thống phòng thủ đô thị của Mỹ - Ngụy bị ta tấn công, chọc thủng, biến hậu cứ an toàn của chúng thành chiến trường ác liệt. Dù chênh lệch về quân số, vũ khí, phương tiện chiến đấu là rất lớn, nhưng ta đã phá vỡ, làm rối loạn các tuyến phòng thủ đô thị kiên cố của địch, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực, đồng thời phá hủy nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh.
Cần Thơ là một điển hình, chủ lực quân của ta đánh thẳng vào các mục tiêu quân sự trọng yếu, đặc biệt là Bộ Tư lệnh vùng 4 chiến thuật, chiếm được một số nơi đã gây cú sốc lớn cho địch. Sân bay Lộ Tẻ nhiều lần bị đánh thiệt hại nặng. Cuộc vây hãm của ta tại nội thành Cần Thơ buộc địch phải điều lực lượng về ứng cứu đã tạo điều kiện cho địa bàn nông thôn vùng dậy giành chính quyền ở nhiều nơi trong đợt 1. Đó là một thất bại đầy cay đắng của địch, như Gabriel Kolko đã đánh giá trong Giải phẫu một cuộc chiến tranh: “một trong những bài học cay đắng nhất trong chiến đấu của Mỹ”[10]. Và để cứu nguy, địch dùng máy bay ném bom ngay trong nội thành Cần Thơ, bắn pháo bừa bãi, hủy diệt nhà cửa nằm trên đường Tạ Thu Thâu, khu Đại học Cần Thơ, khu Xáng Thổi, khu Đài Truyền Thanh… làm nhiều nhà cửa bị tiêu hủy, nhiều người chết và bị thương. Hóa ra, để “cứu” thành phố khỏi quân giải phóng thì cần phải ném bom hủy diệt nó, bất chấp thương vong của thường dân vô tội?
Thứ hai, chiến trường miền Nam Việt Nam không có một chiến tuyến hẳn hoi như trong hai cuộc chiến tranh thế giới hay chiến tranh Triều Tiên để áp dụng quan điểm “sự dịch chuyển lằn ranh chiến tuyến” phân định thắng bại. Trong dịp Tết Mậu Thân, việc địch đẩy chủ lực quân của ta ra vùng ven không tạo được ý nghĩa quyết định, bằng chứng là ta vẫn tạo ra áp lực rất lớn vào các đô thị, khiến Mỹ - Ngụy phải tiếp tục mở nhiều cuộc phản kích, bình định giải tỏa và phải chịu thêm nhiều tổn thất về sinh lực, phương tiện chiến tranh. Cuộc giáp chiến ác liệt ở tuyến lửa Vòng Cung - Cần Thơ là một điển hình tiêu biểu.
Thứ ba, quân đội Mỹ và Sài Gòn bấy giờ hô hào quân và dân miền Nam đã phải gánh chịu tổn thất rất nặng về nhân lực trong dịp Tết Mậu Thân. MACV (Bộ chỉ huy quân sự Mỹ) ở Sài Gòn công bố rằng cộng sản chết 40.000 người, ít nhất 3000 người bị bắt và khoảng 5000 người bị thương hoặc bị chết vì thương tích sau chiến dịch Tết Mậu Thân[11]. Riêng tập tài liệu Cuộc tổng công kích của Việt Cộng Mậu Thân 1968 (l’offensive générale des Việt cộng au Tết Mậu Thân 1968) do quân đội Sài Gòn phát hành năm 1969 viết, trong tháng 2 và tháng 3 năm 1968 phía cộng sản tử thương là 58.373 người, bị bắt là 9.461 người[12].
Cho rằng những số liệu “đếm xác” nêu trên là chính xác nghĩa là quân giải phóng đã mất gần 2/3 quân số (40.000/67.000) hoặc mất gần hết quân số (58.373/67.000) đã tung vào chiến dịch Tết Mậu Thân. Khó hiểu ở chỗ, nếu đối thủ đã tổn thất quân số nhiều đến vậy thì đầu tháng 3 năm 1968 tướng Westmoreland phải xin thêm 206.000 quân tăng viện để làm gì? Hay ở phạm vi hẹp hơn, nếu lực lượng Mỹ - Ngụy ở Cần Thơ đã thắng lớn khi tiêu diệt được rất nhiều quân giải phóng, đẩy giải phóng quân ra vùng ven thì có cần phải quy động đến 11 tiểu đoàn chỉ để giữ thành phố an toàn?
Nhiều nghịch lý trong chiến tranh Việt Nam bộc lộc sau sự kiện “TẾT” đã gây sự bất mãn trong công chúng Mỹ vì họ cho rằng đã bị lừa dối trắng trợn trong nhiều năm. Phong trào phản chiến trong lòng nước Mỹ bùng phát dữ dội, tiêu biểu là phong trào do tổ chức Sinh viên vì một xã hội dân chủ và tổ chức Cựu binh Việt Nam chống chiến tranh lôi kéo nhiều nhân vật có tiếng như Luthur King, John Kerry,… tham gia. Những cái chết phản chiến của Alixo Hec, Norman Morison, Roert La Pooc đã thúc dục những người có lương tri phản đối cuộc chiến tranh mất lương tri, phi đạo đức tại Việt Nam.
Chính quyền và quân đội Mỹ lúc đó đã thua một cách bi đát ngay tại “sân nhà” như Don Oberdoifer đã nói: “Cái trớ trêu của cuộc tiến công Tết là ở chỗ Cộng sản đã thua trên chiến trường nhưng đã thắng về chính trị trên nước Mỹ”[13]. Gabriel Kolko thì đưa ra một nhận định có phần cụ thể hơn: “Tác động quyết định nhất của cuộc tiến công Tết là làm rõ thực tế rằng Mỹ đang đương đầu với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng một cách tiềm tàng”[14]. Và để giải quyết cuộc khủng hoảng nghiêm trọng một cách tiềm tàng đó, ngày 31-3-1968, Tổng thống Johnson phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 đến vĩ tuyến 16, chấp nhận ngồi vào bàn hội nghị thương lượng.
Ngoài ra, còn nhiều sự thật bị che dấu đã bị phanh phui qua sự kiện “TẾT”. Đồng bằng sông Cửu Long - “vùng bình yên” nhất trong các vùng chiến thuật đã bị quân cách mạng tấn công vào 13/16 thị xã và nhiều huyện lỵ. Đặc biệt, cuộc tấn công vào Sở chỉ huy vùng 4 chiến thuật đóng tại Cần Thơ là tiếng sét chát chúa làm lộ rõ nhiều nghi vấn: làm sao một kẻ địch đang thua lại có thể tổ chức một cuộc tấn công táo bạo, mạnh mẽ như vậy?... Tại sao mà các đơn vị cộng sản lại có thể tiến đến những vị trí và thâm nhập vào các thành phố mà không hề có sự đánh động từ quân đội chính phủ và nhân dân?[15]. Quân và dân ta ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Cần Thơ nói riêng đã làm cho R. Disobri (Trưởng đoàn cố vấn quân sự Mỹ ở Đồng bằng sông Cửu Long) phải hối tiếc khi đã lỡ mạnh miệng tuyên bố với báo giới rằng lực lượng Việt cộng được “động viên kém và huấn luyện tồi”[16].
Rõ ràng, Mậu Thân 1968 đã tạo ra bước ngoặt then chốt. Một “thắng lợi quyết định” mà những hậu quả chính trị tạo ra làm cho thế chiến lược của địch bị đảo lộn và ngày càng lún sâu vào phòng ngự bị động… Địch đã bị hãm vào thế bị tiến công, bị bao vây về chiến lược trên toàn chiến trường, đặc biệt là trên mặt trận thành thị. Đó là thế thất bại của chiến tranh xâm lược[17]. Như vậy, để đánh giá thắng - bại của một chiến lược quân sự, điều chủ yếu là cần xem xét hiệu quả thực tế mang lại của chiến lược đó so với mục tiêu chiến lược đề ra ban đầu.
Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, sự thật là chừng nào bị thất bại về quân sự thì Mỹ mới chịu “xuống thang”. Ở một chiến trường mà từ đầu Mỹ muốn “đánh nhanh, rút nhanh” nhưng thực tế vô vọng là không thể thực hiện được. Ở một chiến trường mà lính Mỹ không thể nào phân biệt được đâu là nông dân, đâu là du kích nhưng cho đến trước khi sự kiện “TẾT” xảy ra, tướng lĩnh Mỹ vẫn lấy tiêu chí “đếm xác” để phân thắng bại, hô hào chiến tích và tại vùng 4 chiến thuật thì quân đội Nam Việt Nam hoàn toàn chiếm ưu thế[18]. Mỉa mai thay, việc “đếm xác” có khi tính luôn cả dân thường vô tội chết vì bom đạn Mỹ, và cái sự “hoàn toàn chiếm ưu thế” là việc tướng lĩnh và sĩ quan trốn miết trong nhà không dám ló mặt ra ngoài vào những ngày “TẾT” kinh hoàng.
Với Mậu Thân 1968, quân và dân miền Nam đã làm cho người Mỹ hiểu ra rằng một đất nước nhỏ bé như Việt Nam khi đã chấp nhận đương đầu với một cường quốc như Pháp hay Mỹ thì mỗi người Việt Nam yêu nước đều có chung ý chí “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”; hiểu ra vì sao Hồ Chí Minh lại khẳng định chắc nịch rằng dù phải chiến đấu 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa… cũng kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn. Và đặc biệt, với Tết Mậu Thân, người Mỹ hiểu vì sao thực dân Pháp đã thất bại thảm hại trước một dân tộc Việt Nam nhỏ bé.
Với quân và dân Cần Thơ, chỉ riêng cuộc tấn công táo bạo vào nội thành khiến cho Thiếu tướng Nguyễn Văn Mạnh (Tư lệnh vùng 4 chiến thuật) ở miết trong biệt thự được bao bọc bằng xe tăng, xe bọc thép, lính tráng và những hàng rào dây thép gai, không ló mặt ra ngoài[19] đủ làm cho dư luận trong nước và thế giới sáng tỏ “tướng lĩnh và quân đội Sài Gòn chiếm ưu thế hoàn toàn” ra sao. Một loạt các chiến công khác của đồng bào Cần Thơ trong Tết Mậu Thân 1968, nhất là tại đất lửa Vòng Cung đã góp phần tạo ra bước ngoặt quan trọng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, làm cho Tết Mậu Thân 1968 trở thành một sự kiện quan trọng mà lịch sử sẽ chẳng bao giờ quên được.
Đường Lập (sưu tầm).



[*] Thạc sĩ Triết học, Hội viên Hội KHLS tỉnh An Giang.
[2] Don Oberdoifer (1998), TẾT, Nxb Tổng hợp An Giang, tr78.
[3] Khái niệm “diệt” thời kỳ này được hiểu là “vừa chết vừa bị thương”.
[4] Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, tập II, Nxb Chính trị quốc gia - sự thật, Hà Nội, 2011, tr603.
[5] Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, tập II, Nxb Chính trị quốc gia - sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 634.
[6] Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, tập II, Nxb Chính trị quốc gia - sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 652.
[7] Tây Nam Bộ 30 năm kháng chiến 1945 - 1975, tr603-604.
[8] Gabriel Kolko (2003), Giải phẫu một cuộc chiến tranh, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.
[9] Số liệu dẫn theo Don Oberdoifer (1988), TẾT, Nxb Tổng hợp An Giang, tr78.
[10] Sđd, tr 287.
[11] Số liệu dẫn theo Don Oberdoifer (1988), Sđd, tr135.
[12] Tài liệu đã dẫn, tr67.
[13] Don Oberdoifer (1988), TẾT, Nxb Tổng hợp An Giang, tr180.
[14] Gabriel Kolko (2003), Giải phẫu một cuộc chiến tranh, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr337.
[15] Don Oberdoifer (1988), TẾT, Nxb Tổng hợp An Giang, tr95.
[16] Don Oberdoifer (1988), TẾT, Nxb Tổng hợp An Giang, tr93.
[17] Văn kiện Đảng: Toàn tập, tập 29, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr864.
[18] Don Oberdoifer (1988), TẾT, Nxb Tổng hợp An Giang, tr93.
[19] Don Oberdoifer (1988), TẾT, Nxb Tổng hợp An Giang, tr93.

No comments:

Post a Comment

Bài đăng nổi bật

HỌC TẬP VÀ NOI GƯƠNG BÁC TÔN LÀ VIỆC LÀM THIẾT THỰC TRONG HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH BÁC HỒ

Giữa lúc Đảng bộ và nhân dân An Giang đang đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ, chúng ta càng nhớ đến Bác Tôn...

Bài đăng phổ biến