Wednesday, October 10, 2018

"THẤT SƠN BẤT TỬ GIỮA LÒNG QUÊ HƯƠNG"

Nghĩ về tấm gương chiến đấu, hy sinh của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Ngô Thất Sơn (*)


Đọc lại những dòng tiểu sử của Anh hùng Ngô Thất Sơn, càng đọc chúng tôi càng cảm động, suy nghĩ nhiều về công lao những người đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do, hạnh phúc hôm nay. Họ là những người sẵn sàng hiến dâng cả thanh xuân, gạt đi nỗi buồn chia ly gia đình, tình nguyện dấng thân vào nơi ác liệt nhất, gian khổ nhất vì lý tưởng giải phóng quê hương, biết có thể hy sinh nhưng sẵn sàng chấp nhận, không bao giờ chùn gan, nhụt chí. Ngô Thất Sơn là một trong nhiều hình ảnh sinh động của một thế hệ đã sống, chiến đấu và hy sinh vì lý tưởng cao đẹp như vậy.
1. Ngô Thất Sơn tên thật là Trịnh Ngọc Ảnh, sinh năm 1919 tại xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Sau khi tốt nghiệp tiểu học, Trịnh Ngọc Ảnh được gia đình gửi sang Phnôm-pênh (Campuchia) tiếp tục đi học rồi làm thầy giáo bên nước bạn.
Sau sự biến ngày 9/3/1945 phát xít Nhật đảo chính Pháp trên toàn cõi Đông Dương, cuộc vận động nổi dậy cướp chính quyền của Mặt trận Việt Minh do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo phát triển rầm rộ, ảnh hưởng lan rộng đến kiều bào ta ở  nước bạn Campuchia, trong đó có thầy giáo Ngô Mảnh Gương (tức Trịnh Ngọc Ảnh).
Tổ quốc cất tiếng gọi, Ngô Mảnh Gương gạt hạnh phúc riêng tư, chia tay vợ trở về Sài Gòn gia nhập Mặt trận Việt Minh, hòa vào khí thế sôi sục chuẩn bị cướp chính quyền giành độc lập cho dân tộc. Với bầu nhiệt quyết của tuổi trẻ yêu nước, Ngô Mảnh Gương kịp góp phần nhỏ bé vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc trong cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 lịch sử.
Tài năng và nhiệt huyết cháy bỏng của Ngô Mảnh Gương gây được thiện cảm đối với lãnh đạo Xứ ủy Nam Kỳ, anh được Xứ ủy cử làm chỉ huy phó đoàn thân binh, phụ trách bảo vệ Xứ ủy và Ủy ban hành chính Nam Bộ. Tháng 11/1945, đồng chí Trần Văn Giàu và Phạm Ngọc Thạch được triệu tập ra Hà Nội, Ngô Mảnh Gương được giao trách nhiệm đi theo bảo vệ và giúp việc. Hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, Ngô Mảnh Gương vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Cũng từ đây, Ngô Mảnh Gương có bí danh Ngô Thất Sơn do các đồng chí lãnh đạo đặt cho vì cảm động trước tấm lòng của người con xa xứ luôn nhớ về quê hương Bảy Núi. Một bí danh ý nghĩa vừa động viên, vừa khích lệ người đảng viên trẻ vững vàng trên con đường đấu tranh, xứng đáng là đứa con của vùng Thất Sơn huyền thoại.
Năm 1946, đồng chí Trần Văn Giàu được Trung ương chỉ đạo dẫn đoàn công tác qua Thái Lan tìm cách mua sắm vũ khí chi viện cho cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Ngô Thất Sơn là thành viên đoàn công tác, đồng thời được giao nhiệm vụ bảo vệ đồng chí Trần Văn Giàu. Đoàn công tác sang Thái Lan liên hệ mua sắm vũ khí, tuyển mộ tân binh, mở lớp huấn luyện quân sự, lập ra đơn vị Bộ đội độc lập số 1 do Huỳnh Văn Vàng (Dương Tấn) làm chỉ huy trưởng, Ngô Thất Sơn làm chỉ huy phó, khẩn trương trở về Việt Nam chi viện chiến trường Nam Bộ.
Tháng 10/1946, Bộ đội độc lập số 1 về tới biên giới Tây Ninh. Bộ tư lệnh quân khu 7 tiếp nhận, cho đổi tên thành Bộ đội Hải ngoại 1 - Nam Bộ, cử Ngô Thất Sơn làm Chỉ huy trưởng, chọn rừng Cây Cầy thuộc xã Hòa Hội, huyện Châu Thành làm căn cứ, đứng chân hoạt động tại Tây Ninh.
Trong hai năm 1946 - 1947, trong vai trò chỉ huy, Ngô Thất Sơn đã góp công lớn làm thất bại âm mưu của thực dân Pháp trong việc kích động, gây thù hằn giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia. Đồng chí đã chỉ huy đơn vị đánh dẹp các cuộc tràn quân qua biên giới cướp bóc, hãm hiếp của ngụy quân Campuchia do thực dân Pháp cầm đầu, vừa chiến đấu bảo vệ nhân dân, bảo vệ căn cứ, vừa tuyên truyền giáo dục lính Campuchia hiểu rõ bản chất thâm hiểm của thực dân Pháp. Cũng trong thời gian này, Ngô Thất Sơn đã chọn trong đơn vị những chiến sĩ thông thạo tiếng Campuchia lập ra đội võ trang tuyên truyền (còn gọi là tuyên truyền xung phong) lấy tên là Bộ đội IsSarak, nhiệm vụ chủ yếu là giúp đồng bào hai bên biên giới thấy rõ âm mưu thâm độc của địch, đoàn kết chống kẻ thù chung. Những biện pháp khéo léo, mưu trí, sáng tạo của Ngô Thất Sơn giúp giữ ổn định vùng biên giới, củng cố và mở rộng vùng giải phóng Tây Ninh.
Tháng 9/1948, Bộ đội Hải Ngoại 1 - Nam Bộ được tăng cường thêm quân số (5 chi bộ) để thành lập Trung đoàn 305, Ngô Thất Sơn được cử làm Trung đoàn phó. Tháng 10/1948, Trung đoàn 305 đổi tên thành Bộ đội Sivotha - khu Đông Bắc Campuchia, do Ngô Thất Sơn làm chỉ huy. Đơn vị có nhiệm vụ giúp đỡ phong trào cách mạng Campuchia với tinh thần “giúp bạn như giúp mình”, góp phần thắt chặt tình đoàn kết gắn bó, tương trợ đối với phong trào cách mạng hai nước.
Dưới sự chỉ huy của Ngô Thất Sơn, Bộ đội Sivôtha đã có nhiều đóng góp, giúp đỡ chí tình đối với cách mạng Campuchia, nhất là trong công tác đào tạo cán bộ chính trị - quân sự, cũng như công tác tuyên truyền giác ngộ cách mạng. Với sự giúp đỡ chân thành, gần gũi như ruột thịt, Bộ đội Sivôtha và Ngô Thất Sơn có uy tín rất lớn trong lòng nhân dân Campuchia.
Đầu tháng 6/1949, địch huy động lực lượng lớn mở trận càn vào vùng giải phóng Tây Ninh, tập trung vào vùng biên giới thuộc huyện Châu Thành. Đang dự hội nghị, Ngô Thất Sơn xin phép bỏ dỡ cuộc họp về chỉ huy chiến đấu. Đồng chí đi cùng một cận vệ, một thư ký, trên đường về chẳng may bị địch bao vây. Trong lúc chống trả địch, bất ngờ người thư ký đưa tay đầu hàng và khuyên Ngô Thất Sơn khuất phục, không chần chừ, Ngô Thất Sơn kết liễu ngay tên phản bội bằng viên đạn cuối cùng định dành lại cho mình.
Ngô Thất Sơn trúng đạn bị thương, rồi sa vào tay giặc. Biết bắt được Ngô Thất Sơn, một cộng sản cỡ bự, chỉ huy Bộ đội Sivôtha, kẻ thù mừng rỡ ra lệnh rút quân kết thúc trận càn. Địch ra sức chiêu dụ Ngô Thất Sơn cộng tác với chúng, hứa hẹn cho giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia nếu đồng ý. Thế nhưng, Ngô Thất Sơn thẳng thừng từ chối, khẳng khái thà chết không làm tay sai.
Thực dân Pháp đưa Ngô Thất Sơn về khám Gia Định, rồi Phú Lợi, sau đó là Chí Hòa. Ở đâu, Ngô Thất Sơn cũng nổi bật khí khái anh hùng. Tại khám Chí Hòa, tên cai ngục người Pháp nghe tin Ngô Thất Sơn là tù cộng sản bất trị nên muốn ra oai, hắn tập hợp tù nhân rồi buôn lời miệt thị dân An Nam liền bị Ngô Thất Sơn cắt lời sỉ vả. Cai ngục trừng mắt, rút súng hăm dọa nếu hết ba tiếng đếm Ngô Thất Sơn không xin lỗi sẽ bắn. Nhưng vừa dứt hai tiếng đếm, Ngô Thất Sơn bước lên, tiến lại gần, cởi áo, ưỡn ngực đếm “et trois” (và ba). Tên cai ngục tái mặt, cất súng, dịu giọng nói với Ngô Thất Sơn bằng tiếng Pháp với nội dung: Đây là lần đầu tiên tôi gặp một người Việt dũng cảm như ông!
Biết không thể khuất phục người cộng sản kiên trung, thực dân Pháp chuyển Ngô Thất Sơn về khám Đức Hòa. Chiều ngày 10/11/1952, kẻ thù hèn nhát thủ tiêu Ngô Thất Sơn bằng loạt đạn từ phía sau lưng.
2. Ngô Thất Sơn là một trí thức yêu nước sâu sắc, một đảng viên kiên trung bất khuất, một chỉ huy gương mẫu và bản lĩnh, một cán bộ gần gũi và luôn nêu cao tinh thần đoàn kết trong sáng giữa Việt Nam và Campuchia. Ở đồng chí Ngô Thất Sơn toát lên hình ảnh cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong sáng tuyệt vời, tiêu biểu cho nhân cách của một người cộng sản.
Sinh ra ở An Giang, lớn lên trên đất bạn Campuchia, chiến đấu tại Tây Ninh, ở Ngô Thất Sơn quyện chặt một tình cảm đặc biệt. Đó là nỗi nhớ quê hương Bảy Núi - nơi chôn nhao cắt rốn và luôn tâm nguyện sống xứng đáng là đứa con được sinh ra từ vùng Thất Sơn huyền thoại; đó là sự cống hiến, gắn chặt tuổi xuân với Đảng bộ và Nhân dân Tây Ninh trong cuộc kháng chiến chống Pháp; đó còn là cảm tình sâu sắc với đất nước và nhân dân Campuchia, hết lòng hết sức giúp đỡ nhân dân và phong trào cách mạng Campuchia bằng tấm lòng chân thành, trong sáng. Ba mến yêu trong một hình hài, vì vậy có thể nói, Ngô Thất Sơn cùng là người con tiêu biểu của quê hương An Giang và quê hương Tây Ninh, đồng thời là người bạn, người đồng chí thân thiết của nhân dân và phong trào cách mạng Campuchia.
Từ một trí thức yêu nước trở thành một đảng viên cộng sản, Ngô Thất Sơn đã thể hiện nổi bật sự gắn bó mật thiết giữa lòng yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội. Về điểm này, những ai còn sống qua chiến tranh, sinh ra sau chiến tranh, hưởng hòa bình, độc lập, thống nhất hôm nay, dù chưa hay đã và đang đứng trong hàng ngũ của Đảng cần cùng nhau học tập, phấn đấu, từ suy nghĩ cho đến hành động.
Theo chúng tôi, cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Ngô Thất Sơn nổi bật lên mấy điểm:
Ở Ngô Thất Sơn có một Tình yêu Tổ quốc hết sức mãnh liệt. Năm Nhật đảo chính Pháp, cao trào kháng Nhật cứu nước đã dấy lên tình yêu ấy trong đồng bào người Việt sống trên đất Campuchia, nhiều người tự nguyện hồi hương, gia nhập Việt Minh, trong đó có Ngô Thất Sơn. Chính tình yêu Tổ quốc đã thúc dục Ngô Thất Sơn cương quyết trở về đất mẹ tham gia kháng chiến.
Ở Ngô Thất Sơn toát lên Phẩm chất cộng sản được rèn giũa trong gian khổ, lửa đỏ và máu tươi, giữ vững lời thề với lương tâm người cách mạng sẽ giữ trọn tất cả những gì cao quý nhất của một đảng viên, một người trí thức. Đối mặt với mọi cám dỗ, đứng trước họng súng kẻ thù vẫn kiên trung khẳng khái, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng. Đó là sự dấn thân một cách tự giác của một con người đã hiểu thế nào là lẽ sống có lý tưởng, là tư cách của một người cộng sản, rất yêu cuộc sống nhưng khi cần có thể nhẹ nhàng hy sinh.
Ở Ngô Thất Sơn có một vũ khí đó là Tri thức tạo nên sức mạnh trí tuệ, giúp khắc phục mọi khó khăn bằng sự hiểu biết, trí thông minh và khôn ngoan. Tri thức, văn hóa được tiếp thu trên ghế nhà trường lúc ở Việt Nam, cũng như trên đất nước Campuchia, thông thạo tiếng Pháp, nói tiếng Campuchia “chánh cống” là những yếu tố giúp Ngô Thất Sơn gần gũi, nắm được tâm lý, tình cảm, từ đó thuyết phục đồng bào người Việt cũng như người dân Campuchia từng bị Pháp kích động thù hằn trở lại đoàn kết xây dựng tình hữu nghị chống kẻ thù chung. Kiến thức quân sự tiếp thu ở Trường Võ bị Sơn Tây giúp Ngô Thất Sơn vững vàng, bản lĩnh trong vai trò chỉ huy, lập nên những chiến công xuất sắc bằng chiến thuật táo bạo, bất ngờ, thọc sâu, đánh hiểm khiến hàng ngũ địch hoang mang, sợ hãi.
Ở Ngô Thất Sơn còn có Tấm lòng thủy chung với mảnh đất đã sinh ra anh, với nơi anh lớn lên, và với vùng đất mà anh vào sinh ra tử. Quê hương An Giang luôn ngự trị trong tim, cuộc đời cách mạng gửi trọn trên mảnh đất Tây Ninh, tình cảm chân thành đối với nhân dân Campuchia như thắm vào máu thịt. Ngô Thất Sơn đã sống, cống hiến và xả thân cho tất cả bằng tấm lòng thủy chung với nơi đã sinh ra, cưu mang, nuôi dưỡng.
Tình yêu Tổ quốc, Phẩm chất cộng sản, Tri thức và Tấm lòng thủy trong luôn hiện diện trong suy nghĩ và hành động của Ngô Thất Sơn. Một con người có suy nghĩ và hành động như vậy là một con người cao quý, tên tuổi xứng đáng được các thế hệ tôn vinh.
Từ cuộc đời của Anh hùng Ngô Thất Sơn, thế hệ trẻ hôm nay thể hiện lòng biết ơn, sự ngưỡng mộ bằng suy nghĩ và hành động cao quý như Ngô Thất Sơn và thế hệ cha anh đi trước đã suy nghĩ và hành động. Trước đây, Bác Hồ đã từng nói với thanh niên: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”. Thực hiện lời dạy ấy, thế hệ cha anh đã hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của mình, trao lại cho chúng ta một Tổ quốc toàn vẹn để mong sao chúng ta xây dựng Tổ quốc ngày càng giàu mạnh.
Dân tộc được tự do, đất nước được giải phóng, Tổ quốc được thống nhất, hòa bình được lập lại. Vết thương chiến tranh cần tiếp tục hàn gắn, kinh tế cần tiếp tục phát triển, xã hội cần yên bình, nhân dân cần học tập và lao động. Đời sống nhân dân ta đã được cải thiện nhiều, song ở một bộ phận không nhỏ vẫn còn khó khăn, thiếu thốn. Sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng đã kịp thời mở ra con đường cho đất nước tiến lên, đem lại nhiều thành tựu quan trọng trong hơn 30 năm qua, bộ mặt và vị thế đất nước đã khởi sắc, điều kiện cho hội nhập và phát triển đang rộng mở.
Đất nước đang ở một giai đoạn mới của lịch sử, giai đoạn có nhiều cơ hội nhưng không ít thử thách lớn lao. Sự nghiệp giải phóng dân tộc qua hai cuộc kháng chiến đã vô cùng khó khăn và đã thắng lợi oanh liệt. Sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước còn khó khăn hơn rất nhiều, thành công hay thất bại, tiến lên hay thụt lùi, kết quả cuối cùng đòi đỏi toàn thể nhân dân ta, nhất là thanh niên phải phát huy cao nhất trí tuệ và tình cảm, ý chí và tài năng phục vụ xây dựng và phát triển đất nước.
Chắc chắn nhiều người, nhiều bạn trẻ sẽ tự hỏi phải suy nghĩ và hành động như thế nào trước nhiệm vụ nặng nề đưa đất nước vượt qua những thử thách lớn lao. Theo chúng tôi, bài học trước hết rút ra từ lịch sử, từ cuộc đời của Ngô Thất Sơn là phải biết giữ vững và phát huy tình yêu Tổ quốc. Đó là truyền thống, là sức mạnh chẳng những phải giữ vững, phát huy, mà còn phải thổi bùng tình yêu Tổ quốc trong thế hệ trẻ.
Tình yêu Tổ quốc là gì? Chúng tôi mượn đoạn văn đầy ý nghĩa của Edmondo De Amicis (1864 - 1908) trong tiểu thuyết “Những tấm lòng cao cả” đã giải bày thiết tha về tình yêu Tổ quốc. “Con sẽ cảm thấy nó, khi con trưởng thành, khi đi du lịch xa về, một buổi sáng, đứng tựa lan can tàu, con nhìn thấy, ở chân trời, những núi cao xanh của xứ sở con, lúc đó, con sẽ thấy trào lòng mãnh liệt dâng lệ cảm xúc đôi mắt con và con thốt lên tiếng lòng mừng rỡ. Con sẽ cảm thấy tình yêu Tổ quốc ở đất khách quê người, khi tâm hồn con thúc giục, xô đẩy con vào giữa đám người thản nhiên để tiến đến phía một người công nhân không quen biết với con, vừa chợt đi qua, nhưng đã thốt lên mấy tiếng của nước con. Con sẽ thấy tình yêu nước bởi lòng phẫn nộ đau đớn làm con đỏ mặt, khi con nghe một người ngoại quốc lăng mạ xứ sở con. Con sẽ cảm thấy tình yêu Tổ quốc mãnh liệt và kiêu hùng hơn, ngày nào một nước địch gây trận bão lửa, hăm dọa đất nước con…”.
Khi cảm nhận được những điều như vậy, chúng ta sẽ hiểu được “tiếng lòng” của Ngô Thất Sơn và biết bao anh hùng, liệt sĩ khác đã sẵn sàng hy sinh vì một tình yêu Tổ quốc mãnh liệt. Họ đã làm bừng lên khí thế dân tộc suốt 30 năm chống Pháp, chống Mỹ. Một dân tộc cũng như một con người, nếu đã gục đầu bó tay trước khó khăn và sự áp bức của quân thù đồng nghĩa tự chôn vùi cuộc sống và danh dự. Ngược lại, biết ngẩng cao đầu, kiên cường bất khuất sẽ vượt qua mọi thử thách, khắc phục mọi khó khăn, đánh tan mọi kẻ thù. Một con người cũng như một dân tộc, vĩ đại hay không, trước hết phải nói đến khí phách từ tình yêu Tổ quốc!
Bài học thứ hai là chúng ta cần có một vũ khí mang tính quyết định, đó là tri thức. Phải có sức mạnh của trí tuệ, chúng ta mới có thể khắc phục những yếu kém, nhược điểm để tiến lên, cạnh tranh với bạn bè quốc tế. Chúng ta đang sống trong thời đại của văn minh trí tuệ, tri thức đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển hoặc tụt hậu của mỗi dân tộc. Cho nên, tình yêu Tổ quốc phải đi đôi với tri thức, trí thông minh và sự khôn ngoan của con người Việt Nam. Ở điểm này, dân tộc ta có ưu điểm để vươn lên đó là đầu óc thông minh, truyền thống hiếu học và tư duy sáng tạo. Những ưu điểm này là điều kiện để thanh niên nước ta, trí thức Việt Nam chiếm lĩnh tri thức nhân loại và tạo nên những thành công ngoạn mục cho đất nước. Vấn đề là chúng ta và trước hết là thế hệ trẻ cần quyết tâm và phải hành động. Học sinh, sinh viên, trí thức trẻ cần có quyết tâm và hành động để trở thành lớp kế tục vừa hồng vừa chuyên; Nhà giáo, giảng viên, nhà khoa học cần có quyết tâm và hành động để giáo dục và đào tạo cho đất nước thành những con người kiệt xuất trong sáng tạo, độc lập trong suy nghĩ, tìm tòi và chiếm lĩnh, có kỹ năng và biết ứng dụng, chứ không phải tạo ra những cái thùng chứa mọi thứ kinh viện để xét thi đua, đạt danh hiệu.
Bài học kế tiếp là mỗi chúng ta cần có một tấm lòng thủy chung. Đó là mối quan hệ của cá nhân gắn bó với quê hương, làng xã, với Tổ quốc và thêm nữa là tình yêu thương đối với số phận của từng con người. Dù đi đâu, ở đâu, chốn quê hương vẫn là đẹp hơn cả. Một con người, trước hết phải nhớ đến cội nguồn mới nói đến giữ gìn bản sắc dân tộc. Đất nước dù còn khó khăn, chưa có được những phương tiện hiện đại nhất để học tập, thể hiện năng lực, nhưng mỗi chúng ta, với tình yêu Tổ quốc mãnh liệt hoàn toàn có thể phát huy điểm mạnh để bù vào những khó khăn trước mắt. Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, đặt bản thân lên trên, tìm đến những nơi hiện đại, tiện nghi, lương cao, phúc lợi nhiều để sống và làm việc thì quê hương - nơi sinh ra ta để lại cho ai? Những người đã và đang dốc tài năng trí tuệ cho sự phồn vinh của Tổ quốc và đời sống nhân dân, dù có ít đi tiện nghi, phúc lợi, họ vẫn là những người hạnh phúc nhất, đáng kính trọng nhất.
Cuối cùng, chúng ta cần truyền được lửa nhiệt tình cách mạng, xây dựng lý tưởng sống và tình yêu chủ nghĩa xã hội. Con người có lý tưởng sống đẹp, có thể nhỏ về cơ thể nhưng không hẳn nhỏ về tâm hồn, có thể nhỏ về vật chất nhưng không hẳn nhỏ bé về tinh thần. Mảnh đất Việt Nam tuy nhỏ lại hứng chịu nhiều thiên tai và địch họa, nhưng trong những thời khắc ngặt nghèo nhất, dân tộc Việt Nam đã vùng lên mạnh mẽ nhất, đứng trước cường địch chưa bao giờ gục mặt cúi đầu, nhỏ nhưng thắng lớn, yếu mà thắng mạnh.
Một điều chắc chắn là, đất nước chúng ta có phát triển bền vững hay không đều phụ thuộc vào thế hệ thanh niên hôm nay và ngày mai. Vì vậy, việc làm cần thiết nhất hiện nay là giáo dục tư tưởng cho thanh niên, phải làm sao để thanh niên có tiếng nói riêng của mình, có lý tưởng, có lòng tự tôn dân tộc, có động lực làm cho đất nước trở nên giàu mạnh, phát triển. Như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XI, một trong những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của công tác đoàn hiện nay là phải tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ. Đó là cách để giữ ngọn lửa nhiệt huyết luôn rực cháy trong các phong trào hành động cách mạng, để thanh niên không “nhạt Đảng, khô Đoàn”.
Truyền thống dân tộc, linh khí quốc gia có trong máu, trong tim mỗi chúng ta, đó chính là ngọn lửa nội sinh - sức mạnh nội sinh do ông cha truyền lại. “Ngọn lửa” ấy được hình thành, hun đúc từ hào khí nghìn năm, được Đảng và Bác Hồ kính yêu thổi bùng, thắp sáng soi đường, dẫn lối. Ngọn lửa ấy được truyền từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo thành mạch nguồn truyền thống liên tục, bền bỉ và càng tỏa sáng rực rỡ. Lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thời kỳ nào, dù trong điều kiện nào và hoàn cảnh nào cũng ghi đậm công lao, sự hy sinh xương máu, nhiệt huyết, cống hiến của đoàn viên thanh niên. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, lớp lớp thanh niên Việt Nam đã anh dũng xông pha, không tiếc máu xương, xả thân vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Với ngọn lửa nội sinh do cha anh thắp sáng truyền lại, tuổi trẻ hôm nay, trước những thời cơ, vận hội mới, trước những thử thách, khó khăn của đất nước trong thời kỳ đổi mới, hội nhập, mỗi người hãy tự mình “bật diêm” cùng thổi bùng thành ngọn lửa thời đại và tiếp lửa nhiệt tình cách mạng cho thế hệ đàn em, đưa đất nước vững vàng vượt sóng vươn ra biển lớn thành công.
Năm 1946, trước khi nhận nhiệm vụ lên đường sang Thái Lan, Ngô Thất Sơn may mắn được gặp và thưa chuyện với Bác Hồ. Bác nói: “Thất Sơn là bảy núi, cao như một ngọn núi đã là quý, bảy ngọn núi “Thất Sơn” thì phải là hơn người”. Lời Bác dạy thật sâu sắc, và Ngô Thất Sơn đã không phụ lòng kỳ vọng của Bác. “Thất Sơn” đã bất tử giữa lòng quê hương! Đọc lại tiểu sử cuộc đời Ngô Thất Sơn, may mắn được là thế hệ kế tục cũng sinh ra từ quê hương An Giang, cũng là một đảng viên cộng sản, chúng tôi tự thấy cần học tập ở bậc anh hùng những phẩm chất cao quý, trước hết là từ suy nghĩ được viết ra đây và kế đó là từ những hành động nhỏ trong công việc, học tập và sinh hoạt, mong sao xứng đáng với sự hy sinh của anh hùng Ngô Thất Sơn và biết bao anh hùng, liệt sĩ trên khắp quê hương.
Lê Phương Thanh
(*) Kỷ yếu Hội thảo khoa học Tấm gương chiến đấu và hy sinh của anh hùng Ngô Thất Sơn trong kháng chiến chống Pháp (1945 - 1975) tổ chức ngày 24/8/2018. 

No comments:

Post a Comment

Bài đăng nổi bật

HỌC TẬP VÀ NOI GƯƠNG BÁC TÔN LÀ VIỆC LÀM THIẾT THỰC TRONG HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH BÁC HỒ

Giữa lúc Đảng bộ và nhân dân An Giang đang đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ, chúng ta càng nhớ đến Bác Tôn...

Bài đăng phổ biến