Friday, October 5, 2018

SỨC SỐNG CHỦ NGHĨA MÁC TRONG THỜI ĐẠI CHÚNG TA


Sự sụp đổi của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu khiến chủ nghĩa xã hội hiện thực lâm vào khủng hoảng trầm trọng, kéo theo phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đứng trước những khó khăn và thử thách to lớn. Những câu hỏi đã đặt ra, và đến nay vẫn vậy dù đã cũ mà ai cũng nghe: Phải chăng chủ nghĩa Mác đã lỗi thời? Lý luận của Mác là một sai lầm? Chủ nghĩa Mác xa rời thực tế?...
Đâu là sự thật? Đâu là bản chất? Sức sống nào để một học thuyết ra đời hơn trăm bảy mươi năm có thể vượt qua nhiều thử thách, công kích, bôi nhọ của thế lực đối lập để tồn tại vững vàng? Giải thích như thế nào cho những câu hỏi ấy?
1. Chủ nghĩa Mác là gì? Có thể nói một cách ngắn nhất, chủ nghĩa Mác là học thuyết chỉ ra tính tất yếu về sự diệt vong của chủ nghĩa tư bản, cũng như sự  thắng lợi tất yếu của chủ nghĩa cộng sản mà giai đoạn đầu của nó là chủ nghĩa xã hội.
Những người cộng sản ngày nay, có thể nói một cách dứt khoát, chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa xã hội hay là chết. Đó không phải là một sự khẳng định cực đoan, mà là sự khẳng định đứng trên lập trường giai cấp, ý thức giai cấp và cái nhìn khoa học về một học thuyết chính trị - xã hội đã được tin tưởng, chứng minh, thực nghiệm, kiểm chứng bằng tiến trình lịch sử nhân loại.
Linh hồn và sức sống của chủ nghĩa Mác là thế giới quan, phương pháp luận, tinh thần phê phán, đổi mới và sáng tạo không ngừng. Những nguyên lý được chủ nghĩa Mác chỉ ra không chỉ đúng trong thế kỷ XIX, thế kỷ XX, mà còn đúng trong thế kỷ XXI và về sau nữa, vì đó là những quy luật tất yếu khách quan trong xã hội có giai cấp. Chính vì thế, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam luôn dựa trên lập trường, quan điểm, phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản, lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Sự kiên trì và những thành quả trong hơn 30 năm đổi mới, phát triển mang lại càng củng cố thêm cho sự kiên trì ấy.
Những người phê phán học thuyết Mác, muốn xóa bỏ toàn bộ sự phát triển của chủ nghĩa Mác - Lênin trong hơn một thế kỷ rưỡi qua luôn tập trung tách rời hoặc đối lập các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác với những người kế tục phát triển học thuyết này về sau. Họ không nhận thức được tính mở, tính sáng tạo và phát triển của chủ nghĩa Mác, cái làm nên giá trị và sức sống của chủ nghĩa Mác nằm ở sự thống nhất giữa tính mở, tính phát triển của hệ thống lý luận và tính ổn định của lập trường duy vật biện chứng, ý nghĩa phương pháp luận của nó.
Chủ nghĩa Mác không phải là một tín đều, nó là một khoa học, mà khoa học thì cần chứng minh và phát triển liên tục. Nếu quên điều này thì sẽ nhầm lẫn cái được chứng minh và cái cần được chứng minh. Nghĩa là, chủ nghĩa Mác đã được chứng minh và cùng cần được chứng minh, đây là nhiệm vụ của những người cộng sản kế tục sau này. Điều này, Mác - Ăngghen đã nhắc nhỡ: “…Phương pháp duy vật sẽ trở thành cái đối lập với nó nếu như nó không được xem như một kim chỉ nam trong công tác nghiên cứu lịch sử, mà lại được coi là một khuôn mẫu đúc sẵn theo đó người ta đẽo gọt những sự kiện lịch sử tùy theo ý muốn”[1].
Tính mở và phát triển của chủ nghĩa Mác thể hiện ở chỗ, nó luôn hướng về thực tiễn - xã hội và lịch sử, hướng về thời đại, hướng tới tương lai, chứ tuyệt nhiên không phải là thứ lý luận kinh viện. Quan điểm sáng tạo và phát triển không ngừng này được Mác bày tỏ một cách rõ ràng rằng: “triết học không hứa hẹn gì cả ngoài chân lý…, triết học không đòi hỏi tin tưởng vào các kết luận của nó, nó đòi hỏi kiểm nghiệm những điều hoài nghi”[2]
Toàn bộ hệ thống lý luận của chủ nghĩa Mác là một hệ thống mở và phát triển chứ không phải là cái “nhất thành bất biến”, do đó, trong nó hẳn có những hạn chế mang tính lịch sử cần phải bổ sung, phát triển thêm là điều tất yếu. Chính Mác và Ăngghen cũng nhiều lần nhấn mạnh lý luận của mình không phải là một thứ giáo điều để tuyệt đối tuân thủ hoặc áp dụng một cách máy móc. Cả Mác và Ăngghen đều nhấn mạnh việc mỗi một vấn đề phải có cách phân tích khác nhau chứ không có một giáo điều lý luận để áp dụng cho mọi sự vật hiện tượng. Từ góc độ này, chúng ta thấy rằng thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý chính là nguyên tắc nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin, và do đó, một người mác-xít chân chính bao giờ cũng phải gắn chặt lý luận với thực tiễn, dùng lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin để phân tích những vấn đề cụ thể do thực tiễn cuộc sống đặt ra. Như Lênin đã nói: “Bản chất và linh hồn sống của chủ nghĩa Mác là: phân tích cụ thể một tình hình cụ thể”.
Cần lưu ý phân biệt rõ, một vài quan điểm của Mác, Ăngghen, Lênin có thể lạc hậu so với thời đại ngày nay với việc cho rằng chủ nghĩa Mác đã lỗi thời. C.Mác là nhà bác học vĩ đại, một nhà tư tưởng thiên tài, nhưng ông cũng là sản phẩm của thời đại mình, do đó, ông vẫn bị quy định bởi chính những điều kiện lịch sử của thời đại mình nên không tránh khỏi những hạn chế nhất định. Những hạn chế nào đó trong học thuyết Mác là do lịch sử thời đại quy định, nhưng hạn chế nào đó tuyệt nhiên không làm giảm đi giá trị thế giới quan và phương pháp luận, giá trị dẫn đường và định hướng, cũng như bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác.
Không chỉ chúng ta sau này, mà chính bản thân Mác, Ăngghen cũng đã dũng cảm phê phán một vài luận điểm của mình lạc hậu so với biến chuyển của thời đại. Sự thẳng thắn, chân thành tự phê này càng làm cho tinh thần khoa học của Mác, Ăngghen thêm vĩ đại. Lấy ví dụ từ Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, với tinh thần khoa học nghiêm túc, sau 25 năm xuất bản, trong Lời tựa viết cho bản tiếng Đức xuất bản năm 1872, Ăngghen khẳng định: “Dù hoàn cảnh đã thay đổi nhiều trong hai mươi lăm năm qua, nhưng cho đến nay, xét về đại thể, những nguyên lý tổng quát trình bày trong “Tuyên ngôn” này vẫn còn hoàn toàn đúng. Ở đôi chỗ, vó một vài chi tiết cần phải xem lại. Chính ngay “Tuyên ngôn” cũng đã giải thích rõ rằng bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, việc áp dụng những nguyên lý đó cũng phải tùy theo hoàn cảnh lịch sử đương thời, và do đấy, không nên quá câu nệ vào những biện pháp cách mạng nêu ra ở cuối chương II. Đoạn này, ngày nay mà viết lại thì nhiều mặt, cũng phải viết khác đi. Vì đại công nghiệp đã đạt được những tiến bộ song song trong việc tự tổ chức thành chính đảng, do có những kinh nghiệm thực tiễn (…) Tuy nhiên, “Tuyên ngôn” là một tài liệu lịch sử mà chúng tôi không có quyền sửa lại. Có lẽ là trong một lần xuất bản, sẽ có một lời tựa để bổ sung vào khoảng trống từ năm 1847 đến nay”[3].
Phải thừa nhận, chủ nghĩa tư bản hiện nay chiếm địa vị chủ đạo trong quá trình toàn cầu hóa, nhưng chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn là công cụ lý luận sắc bén để chúng ta nhận thức những biến động mới của chủ nghĩa tư bản. Không chỉ chúng ta, mà những học giả tư sản, sau khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, đã tìm đọc lại bộ Tư bản - bộ sách kinh điển về kinh tế chính trị của Mác, phân tích mối quan hệ giữa hai thuộc tính của hàng hóa, quan hệ giữa nhà tư bản và lao động làm thuê trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, chỉ ra bản chất bóc lột giá trị thặng dư và hình thức biểu hiện của sự che dấu bóc lột giá trị thặng dư - lợi nhuận, bàn đến vấn đề cốt lõi - mâu thuẫn nội tại của chủ nghĩa tư bản… Một bộ sách chỉ ra “tử huyệt” của chế độ tư bản, khiến cho Mác bị thù oán, vu khống, boi nhọ thì nay chính những người căm tức C.Mác và học thuyết của ông lại phải tìm đọc, nghiền ngẫm. Bản thân những người phê phán chủ nghĩa Mác lại gắn chặt với chủ nghĩa Mác, những thay đổi để tiếp tục thích nghi tồn tại của chủ nghĩa tư bản không thể không nói nến nguyên nhân từ sự phê phán của chủ nghĩa Mác, từ những phê phán đó, giai cấp tư sản tìm thấy những điều cần phải thay đổi trong xã hội hiện đại.
Có thể nói, để tồn tại và vượt qua các cuộc khủng hoảng trong sự phát triển, chủ nghĩa tư bản đã luôn phải tự điều chỉnh để điều hòa mâu thuẫn giữa tính xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất với tính tư nhân tư bản chủ nghĩa của việc sở hữu tư liệu sản xuất - điều mà C.Mác đã chỉ rõ trong học thuyết của mình. Điều đó cho thấy, phát kiến vĩ đại của Mác luôn đúng, ngay cả khi chủ nghĩa tư bản hiện đại bước vào thời đại toàn cầu hóa và chịu sự tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, và do đó, càng có cơ sở để khẳng định bản chất khoa học và giá trị thời đại của chủ nghĩa Mác.
2. Thực tiễn cách mạng thế giới trong thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI đã kiểm chứng những luận điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin là hoàn toàn đúng đắn. Thế nhưng, các thế lực thù địch vẫn không ngừng công kích, xuyên tạc, bác bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin. Song thử hỏi, trong lịch sử nhân loại, có học thuyết nào có sức cổ vũ, thuyết phục hàng trăm dân tộc trên thế giới đứng lên đấu tranh xóa bỏ áp bức, bóc lột, đập tan xiềng xích nô lệ như học thuyết Mác - Lênin? “Sức hấp dẫn không gì cưỡng nổi đã lôi cuốn những người xã hội chủ nghĩa của tất cả các nước đi theo lý luận đó, chính là ở chỗ nó kết hợp tính chất khoa học chặt chẽ và cao độ (đó là đỉnh cao nhất của khoa học xã hội) với tinh thần cách mạng, và kết hợp không phải một cách ngẫu nhiên, không phải chỉ vì người sáng lập ra học thuyết ấy đã kết hợp trong bản thân mình những phẩm chất của nhà bác học và của nhà cách mạng, mà là kết hợp trong chính bản thân lý luận ấy, một sự kết hợp nội tại và khăng khít”[4].
Khi phân tích nguyên nhân, bài học dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, có nguyên nhân thuộc về chủ quan của các đảng cộng sản ở những nước đó đã mắc sai lầm nghiêm trọng khi vận dụng học thuyết Mác - Lênin một cách giáo điều, cứng nhắc, duy ý chí, nên dẫn đến hết sai lầm này đến sai lầm khác. Sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu và Liên Xô để lại tổn thất to lớn cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, nhưng đó chỉ là sự sụp đổ của mô hình xã hội chủ nghĩa cụ thể, chứ không vì thế mà làm thay đổi nội dung, tính chất của cả thời đại. Thời đại ngày nay vẫn là thời đại quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, mở đầu bằng Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917. Mặt khác, thực tiễn đau xót từ sự sụp đổ của Liên Xô và các nước Đông Âu xã hội chủ nghĩa càng minh chứng rằng cuộc đấu tranh giai cấp giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản trong thời đại ngày nay rất gay go, quyết liệt. Điều này đã được Đảng ta khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội: “Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co; song, loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử”.
Ngày nay, tuy chủ nghĩa xã hội còn gặp rất nhiều khó khăn, song chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn có ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống nhân loại, vẫn đứng vững trong cuộc đấu tranh của những người cộng sản và nhân dân lao động. Các nước xã hội chủ nghĩa hiện thời như Việt Nam, Trung Quốc, Cu Ba... vẫn đứng vững và phát triển trước sự tấn công hiểm độc của các thế lực thù địch là bằng chứng hùng hồn về sức sống hiện thực của chủ nghĩa Mác - Lênin, là nguồn cổ vũ to lớn cho cuộc đấu tranh vì lý tưởng xã hội chủ nghĩa cao đẹp của nhân loại. Đối với Việt Nam, sức sống của chủ nghĩa Mác - Lênin được thể hiện trong toàn bộ tiến trình vận động và phát triển của sự nghiệp cách mạng. Thực tiễn cách mạng trong suốt hơn 85 năm qua, đặc biệt là thành tựu của hơn 30 năm đổi mới càng củng cố vững chắc niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Chủ tịch hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn.
3. Làm thế nào để nhận thức đúng lý luận Mác - Lênin? Có nhiều phương pháp, nhưng trước hết, phải lấy lập trường vô sản, luôn giữ vững ý thức giai cấp khi nhận thức, mọi lý giải khoa học phải luôn đứng trên lợi ích của giai cấp vô sản.
Lý luận bao giờ cũng mang tính giai cấp, vì nó phục vụ cho một giai cấp nhất định. Không có lý luận phục vụ cho cả hai giai cấp đối kháng nhau, không có lý luận Mác - Lênin phục vụ cho giai cấp tư sản, ngược lại, không có lý luận tư sản phục vụ cho giai cấp vô sản, điều này là quá rõ ràng. Trong thực tiễn, điều này cũng có nghĩa, khi chúng ta thừa nhận để khai thác những ưu điểm của chủ nghĩa tư bản là sự tiếp thu, tận dụng những mặt tích cực của nó để phục vụ cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội chứ không phải ca tụng hoặc lờ đi những nhược điểm lỗi thời cố hữu của chủ nghĩa tư bản.
Mặt khác, nhận thức lý luận không thể đem bộ óc chủ quan của mình áp đặt vào mọi sự vận động của xã hội để sinh ra cái gọi là khoa học, mà khoa học bao giờ cũng được sản sinh ra từ nhận thức con người do phản ánh thực tại khách quan, tuân theo quy luật khách quan. Do đó, phải coi cơ sở của phương pháp nhận thức lý luận là những quy luật khách quan của tự nhiên và xã hội, quy luật vận động của vật chất.
Thứ nữa là, trong nhận thức, cần thấy được sự vật luôn vận động trong mối quan hệ không tách biệt nhau, hình thức vận động nào đó được thực hiện là do sự tác động qua lại của các hình thức vận động khác, do đó, sự vận động của sự vật có một vài hoặc nhiều mối quan hệ lẫn nhau, những quan hệ đó có thể mất đi rồi lại có nhiều mối quan hệ khác xuất hiện. Do đó, cần thấy được các mặt quan hệ của sự vận động, tìm những quan hệ nào là chủ yếu, quan hệ nào là thứ yếu để có thể nhận thức đầy đủ sự vận động của sự vật.
Nghiên cứu, nhận thức lý luận kết hợp với tìm hiểu đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, kiểm nghiệm trong thực tiễn, ba mặt này có mối liên hệ thống nhất nhưng đồng thời cũng có tính động lập tương đối của nó. Chính sách phải lấy lý luận làm tiền đề và cơ sở, sự khám phá về lý luận phải là tiền đề và điều kiện cơ bản làm cơ sở cho sự đổi mới trong hoạt động thực tiễn. Vì lẽ đó, lý luận Mác - Lênin phải giữ nhiệm vụ tiên phong khai sơn phá thạch, chứ không thể trở thành công cụ thuyết minh đơn thuần cho đường lối, chính sách. Cần nhận thức sâu sắc mối quan hệ giữa lý luận Mác - Lênin với đường lối, chính sách và thực tiễn của đất nước, nhất là vấn đề lý luận phải gắn liền với thực tiễn, liên hệ thực tiễn.
4. C.Mác là một thiên tài, nhưng Mác vẫn bị quy định bởi chính những điều kiện lịch sử của thời đại mình, và chúng ta không thể đòi hỏi Mác suy nghĩ thay cho chúng ta và thế hệ sau những vấn đề chưa đặt ra trong thời đại ông. Chính trong sự hình thành tư tưởng của Mác cũng là một quá trình phát triển, sáng tạo không ngừng, mỗi nguyên lý trong học thuyết của mình luôn được Mác bổ sung, phát triển qua sự tổng kết thực tiễn phong trào công nhân và thành tựu của khoa học đương thời. Ăngghen cũng vậy, cũng liên tục bổ sung, phát triển những nguyên lý của học thuyết Mác “vì đại công nghiệp đã đạt được những tiến bộ song song trong việc tự tổ chức thành chính đảng, do có những kinh nghiệm thực tiễn…”. Đến Lênin, xuất phát từ những điều kiện thực tiễn cụ thể của thời đại mình đã bổ sung, phát triển lý luận của Mác.
Nắm vững tinh thần ấy, Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã có những vận dụng hết sức sáng tạo, linh hoạt, đồng thời bổ sung nhiều luận điểm mới cho chủ nghĩa Mác phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Điều đó nói lên rằng, nghiên cứu và vận dụng, bổ sung và phát triển chủ nghĩa Mác phải dựa trên tinh thần biện chứng, linh hoạt, tùy vào điều kiện thực tiễn lịch sử cụ thể của mỗi quốc gia, dân tộc chứ không thể rập khuân, máy móc, giáo điều, xơ cứng. Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã cho thấy rằng, khi nào, ở đâu những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin được vận dụng đúng đắn, sáng tạo thì nơi đó, lúc đó cách mạng vượt qua được những thử thách để tiến lên. Ngược lại, nếu các nguyên lý ấy bị hiểu sai, vận dụng máy móc, giáo điều thì cách mạng gặp phải khó khăn, trở ngại.

Tất cả kiến thức lịch sử của thời đại chúng ta đã xác nhận sự đúng đắn, sức sống và tính thời sự của chủ nghĩa Mác - Lênin. Những lý luận cơ bản của Mác đã tạo thành nền tảng chính trị cho đường lối chiến lược của các đảng cộng sản, trong đó có Việt Nam. C.Mác đã yên nghĩ, đã rời xa chúng ta từ năm 1883, nhưng tư tưởng của ông vẫn sống mãi với nhân loại bởi bản chất khoa học, cách mạng và sáng tạo, hơn nữa lại được liên tục bổ sung, phát triển bở những người mác-xít chân chính.


LPT.

Đường Lập sưu tầm



[1] Mác - Ăngghen, Tuyển tập, t.6, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1984, tr.712.
[2] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.159.
[3]- C.Mác và Ph.Ăngghen, Sđd, t.18, tr.128.
[4]- V.I.Lênin. Toàn tập, t.1. Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, tr.421.

No comments:

Post a Comment

Bài đăng nổi bật

HỌC TẬP VÀ NOI GƯƠNG BÁC TÔN LÀ VIỆC LÀM THIẾT THỰC TRONG HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH BÁC HỒ

Giữa lúc Đảng bộ và nhân dân An Giang đang đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ, chúng ta càng nhớ đến Bác Tôn...

Bài đăng phổ biến