Friday, October 26, 2018

VĂN HÓA NGƯỜI HOA Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Tác giả: Vũ Lê.
Nguồn: http://www.vanhoahoc.vn


Người Hoa, bao gồm những người Việt gốc Hoa (theo chuẩn mực pháp lý) và Hoa kiều sống trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Nam Bộ. Trong tổng số hơn 700.000 người Hoa (thành phố Hồ Chí Minh hơn 500.000, các tỉnh thành Nam Bộ hơn 200.000) thì phần lớn là người Việt gốc Hoa, tức là những người Hoa đã nhập quốc tịch Việt Nam.
1. Quá trình người Hoa gia nhập vào cộng đồng dân tộc Việt Nam
Khác với giai đoạn Bắc thuộc và thời kỳ cổ trung đại khi mà các đế chế Trung Hoa xâm lược và tái đô hộ nước ta, người Hoa đến Sài Gòn - Gia Định (nay là TP. Hồ Chí Minh) và các tỉnh thành Nam Bộ muộn hơn. Bắt đầu từ thế kỷ XVII, gắn liền với sự kiện người Mãn Thanh lật đổ triều Minh ở Trung Quốc. Thời Bắc thuộc, người Hoa nói chung đến nước ta cùng với đội quân xâm lược và bộ máy thống trị của họ và dù "di thực", "di trú" hay bị lưu đầy cũng vẫn là người đi khai thác thuộc địa, mở mang đế chế. Giai đoạn thế kỷ XVII, người Hoa đến vùng Nam Bộ (trong đó có Sài Gòn - Gia Định) với thân phận "vong quốc", "vong thần" tìm kiếm đất sống cho mình. Có thể lấy hai trường hợp tiêu biểu sau đây làm minh chứng. Một là trường hợp của những người Minh Hương rời bỏ quê hương lánh nạn vì sự thống trị và đàn áp của triều đình Mãn Thanh đối với những người của vương triều cũ nhà Minh, hoặc những người có ý định "phản Thanh phục Minh". Đó là những "vong thần" nhà Minh như Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch đã mang theo 3.000 binh sĩ, gia thuộc, tuỳ tùng cùng 50 chiến thuyền xin làm bề tôi của chúa Nguyễn ở Đàng Trong của nước ta. Trần Thượng Xuyên được chúa Nguyễn cho cư trú ở Bàn Lân (Biên Hoà), Đông Phố (Gia Định), Dương Ngạn Địch được cư trú ở tại Mỹ Tho và các vùng lân cận. Họ đến Nam Bộ cùng người Việt và người Khơme (đã định cư trước đó) khai mở ra các thành phố, làng mạc, trong đó có thành phố Sài Gòn - Gia Định. Đến năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh được chúa Nguyễn sai dựng hai dinh Trấn Biên, Phiên Trấn và thi hành chính sách Việt hóa người Hoa. Ông cho người Hoa ở Phiên Trấn lập Minh Hương xã và người Hoa ở Trấn Biên lập Thanh Hà xã và ghi vào sổ hộ tịch như các vùng hành chính của người Việt. Người Hoa ở hai trấn này được hưởng quyền lợi và nghĩa vụ như người Việt và trở thành người dân nước Việt từ đó. Sau hơn một trăm năm, những người Hoa ở Thanh Hà xã lại từ Cù Lao Phố (Nông Nại Đại Phố) về chung sống, làm ăn với người Hoa Minh Hương xã, lập nên Sài Gòn (Chợ Lớn ngày nay).
Hai là trường hợp của Mạc Cửu, vì bất bình với chính sách cai trị của nhà Thanh nên ông đã rời bỏ quê hương tìm đến vùng đất hoang vu, vô chủ - Mang Khảm cực tây Nam Bộ để sinh sống. Không giống như các "vong thần" Trần Thượng Xuyên, Trương Ngạn Địch đến xin làm bề tôi chúa Nguyễn, ông đến mảnh đất này tạo dựng giang sơn riêng cho mình. Trong quá trình khai mở nơi sinh sống, ông đã giao lưu với người Việt, nói tiếng Việt, lấy vợ người Việt. Năm 1704 mảnh đất của ông bị quân Xiêm xâm lược và ông bị cầm tù. Đến năm 1714, trước âm mưu thôn tính của triều đình Xiêm và để bảo vệ mảnh đất của mình ông đã xin sáp nhập vào giang sơn Đại Việt. Với chính sách Nhu viễn nhân (Cứu người phương xa), chúa Nguyễn đã chấp nhận, từ đó Hà Tiên, Phú Quốc trở thành mảnh đất tận cùng của Nam Bộ. Chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho Mạc Cửu chức Tổng trấn Hà Tiên cai quản, khai thác đất ấy, con cháu nối đời được kế vị quyền, chức của ông.
Những thế kỷ XVIII-XX, người Hoa vẫn tiếp tục đến cư trú và sinh sống tại các tỉnh Nam Bộ, đặc biệt là khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn. Từ cuối thế kỷ XIX, khi Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp và từ sau khi chính phủ Pháp và triều đình Mãn Thanh ký các hiệp định Hoà ước 1885 và Thương ước 1886, Việt Nam trở thành nơi tiêu thụ hàng hóa của Pháp và các nước phương Tây, là nơi sản xuất lúa gạo lớn nhất vùng Đông Nam Á, người Hoa đến Sài Gòn - Gia Định ngày càng đông hơn. Họ được chính quyền thuộc địa cho hưởng những chính sách ưu đãi trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp và buôn bán lúa gạo.
Trên đây là các giai đoạn và các phương thức hội nhập chính của người Hoa vào cộng đồng dân cư Nam Bộ và Sài Gòn - Gia Định trong quá trình lịch sử 4 thế kỷ qua. Tính chất của sự hội nhập là "hoà bình", "tự nguyện" vừa do nguyên nhân chính trị, vừa do nguyên nhân kinh tế của họ. Đồng thời chủ nhân của đất Nam Bộ là người Việt đã có tấm lòng bao dung, tinh thần nghĩa hiệp để tiếp nhận họ. Các chúa Nguyễn coi họ như người Việt, có chính sách cởi mở đối với sinh hoạt kinh tế, xã hội và văn hóa của người Hoa. Do vậy, người Hoa ở Nam Bộ, nhất là khu Sài Gòn - Chợ Lớn đã liên kết thành một cộng đồng xã hội đặc thù với một cơ cấu kinh tế - xã hội - văn hóa khá bền vững. Đến nay, cộng đồng người Hoa đã trở thành một bộ phận dân cư ổn định, có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội của TP. Hồ Chí Minh nói riêng và vùng Nam Bộ nói chung.
2. Vài nét về văn hóa người Hoa
Từ nền cảnh lịch sử đó, người Hoa và văn hóa người Hoa được bảo tồn, phát triển và hoà nhập vào văn hóa vùng Nam Bộ (trong đó có Sài Gòn - Chợ Lớn) đã đóng góp cho sự phát triển văn hóa ở vùng đất mới, tạo nên đặc trưng văn hóa vùng ở đây. Dấu ấn văn hóa người Hoa khá đậm nét trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, tôn giáo, nghệ thuật.
Người Hoa đã cùng người Việt, người Khơme làm thay đổi không chỉ cảnh quan cư địa, đời sống vật chất mà cả đời sống tinh thần của vùng Nam Bộ và Sài Gòn - Chợ Lớn.
Về văn hóa cảnh quan: Người Hoa đến đây cùng với người Việt đã làm biến đổi vùng đất hoang sơ chỉ có nước mênh mông (như sứ giả nhà Nguyên trên đường đến Cao Miên đã ghi lại) thành một vùng đất phì nhiêu, trù phú lịch sử đã ghi nhận sự đóng góp của cha con Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích tại vùng đất cực tây Nam Bộ là rất to lớn. Cha con ông đã biến vùng Mang Khảm hoang vu thành một Hà Tiên thơ mộng, biết tô đẹp Thập cảnh Hà Tiên bằng sự khai phá của con người.
Tại Sài Gòn - Chợ Lớn, nơi người Hoa tập trung sinh sống, họ đã tạo nên một trung tâm đô thị sầm uất, một China Town như cách gọi báo chí nước ngoài trước năm 1975. Khu vực Chợ Lớn với những đường giao thông thuỷ bộ thuận lợi, nối liền khu trung tâm buôn bán qua kênh Bến Nghé đến Cảng Nhà Rồng, trung tâm của TP. Hồ Chí Minh và từ đó toả đi các tỉnh tây Nam Bộ. Những dãy phố, chợ búa, cửa hàng, cửa hiệu và cơ sở sản xuất, buôn bán tấp nập - đó là công sức tạo dựng của người Hoa.
Về văn hóa sản xuất: các ngành nghề cổ truyền, những tri thức về sản xuất, kinh doanh của người Hoa đã mang vào Nam Bộ, Sài Gòn - Chợ Lớn. Những người thợ thủ công tài hoa khi di cư vào nước ta đã chuyển tải các ngành sản xuất gốm xứ, gạch ngói, dệt vải, dệt lụa, thuộc da, làm giấy, bút mực và nghề in, lúc đầu họ giữ bí quyết nghề nghiệp, nhưng sau do yêu cầu của sản xuất, họ đã chuyển giao công nghệ. Đến nay nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ ở TP. Hồ Chí Minh và vùng Nam Bộ đã trở thành sản phẩm của sự giao thoa văn hóa Hoa - Việt.
Các nhà buôn người Hoa cũng như những người thợ thủ công đã đem đến mảnh đất Nam Bộ và Sài Gòn - Chợ Lớn sự nhanh nhạy, khôn ngoan trong việc kinh doanh buôn bán, không chỉ góp phần thúc đẩy sản xuất ở đây mà còn truyền lan phương thức kinh doanh đến một bộ phận cư dân người Việt.
Về văn hóa cộng đồng: Do điều kiện sinh sống của người Hoa ở vùng đất mới, nên ý thức cộng đồng luôn luôn được đề cao, được củng cố. Tinh thần cố kết cộng đồng: gia đình, họ tộc, đồng hương, đồng nghiệp đặc biệt được quan tâm giữ gìn như một giá trị thiêng. Lòng biết ơn, tinh thần nghĩa hiệp đùm bọc lẫn nhau và ý chí quyết lập nghiệp là những giá trị được cộng đồng người Hoa hết sức nâng niu, trân trọng. Chính nhờ các giá trị văn hóa, ý thức cộng đồng đã giúp cho người Hoa tồn tại như một nhóm xã hội đặc thù, vừa hoà nhập với các cộng đồng khác, vừa giữ được những đặc điểm riêng có tính ưu trội của mình.
Về văn hóa tinh thần: Người Hoa đến vùng Nam Bộ và Sài Gòn - Chợ Lớn mang theo một nền văn hóa đã phát triển phong phú, đa dạng và đặc sắc.
Trước hết là văn hóa tín ngưỡng, tâm linh với việc thờ cúng rất nhiều nhân thần và nhiên thần, hai hệ thống thần linh đã ăn sâu vào tâm thức của họ. Về nhân thần có những thánh nhân được tôn thờ và truyền tụng trong đời sống tinh thần của cộng đồng như Quan Công, Bao Công, Bổn Đầu Công, Bà Thiên Hậu, Quan Âm Bồ Tát… Về nhiên thần cũng có rất nhiều biểu tượng thiêng liêng được tôn thờ như Ngọc Hoàng - Thượng Đế, Thổ Công - Táo Quân, Thần Tài, Phật Di Lặc… Các công trình kiến trúc tôn giáo, tâm linh uy nghi được dựng lên: Miếu Thiên Hậu (Hội quán Tuệ Thành), Chùa Ông (Hội quán Nghĩa An), Nhị Phủ Miếu (Chùa Ông Bổn), Quỳnh Phủ Hội quán, Hội quán Sùng Chính và Chùa Quan Âm (Hội quán Ôn Lăng). Cùng với các nghi lễ trong những ngày tết: Nguyên Đán, Nguyên Tiêu, Thanh Minh, Hàn Thực, Đoan Ngọ, Trung Nguyên, Thượng Nguyên… làm cho đời sống tâm linh của người Hoa vừa thiêng liêng vừa huyền ảo nhưng vẫn gắn với đời sống nhân sinh của con người. Có người cho rằng: Thông qua hệ thống tín ngưỡng, tâm linh và các tục lệ, lễ thức nhân cách và tâm lý người Hoa được hình thành, góp phần củng cố các quan hệ gia đình, ý thức cộng đồng hướng tới những ước vọng về một cuộc sống an sinh, bền vững.
Văn hóa nghệ thuật của người Hoa cũng hết sức phong phú với các loại hình dân ca, dân vũ và các loại nhạc cụ đặc sắc. Dân ca có các làn điệu hát Quảng, hát Tiều, dân vũ có múa lân - sư - rồng và dàn nhạc có nhạc Xã… làm tăng thêm tính đa dạng văn hóa Nam Bộ và Sài Gòn - Chợ Lớn.
Về tri thức, học vấn văn chương không ai không biết đến vị đại khoa đầu tiên của đất phương Nam thời Nguyễn đó là một người Việt gốc Hoa - Phan Thanh Giản (đỗ tiến sỹ năm 1826). Các danh nhân Nam Bộ như Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tĩnh, Lê Quang Định đều là người Việt gốc Hoa. Trịnh Hoài Đức không chỉ là một trong "Gia Định tam gia thi" mà còn là một nhà nghiên cứu văn hóa với bộ sách nổi tiếng Gia Định thành thông chí. Mạc Thiên Tích thành lập một hội Tao Đàn tại cực Nam của đất nước - Chiêu Anh Các. Ông đã thu hút được 25 nhà thơ người Hoa và 5 nhà thơ người Việt để lại 130 bài thơ ca ngợi cảnh đẹp của Hà Tiên. Nội dung thơ văn Chiêu Anh Các, ngoài niềm tự hào về "quê hương" thơ mộng của mình, các tác giả còn thể hiện tinh thần yêu nước Việt Nam mà họ đã góp công xây dựng:
3. Văn hóa người Hoa với sự phát triển kinh tế
Có tài liệu nghiên cứu về người Hoa ở Đông Nam Á đã viết: "Mặc dù họ (người Hoa) chỉ là người di cư ở khu vực, nhưng không phóng đại mà nói rằng kinh tế các nước Đông Nam Á sẽ không phát triển được nếu không có người Hoa". Ở Việt Nam nói chung, ở TP. Hồ Chí Minh và Nam Bộ nói riêng không hoàn toàn như vậy, song cũng không thể phủ nhận vai trò và tiềm năng kinh tế của người Hoa. Tiềm năng ấy được thể hiện ở nhiều phương diện:
- Năng lực sản xuất, kinh doanh, người Hoa phần lớn sống tập trung trong các đô thị (thành phố, thị xã, thị trấn) hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ là chủ yếu. Hiện nay đất nước ta đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Những kinh nghiệm kinh doanh, buôn bán, những tri thức truyền thống, công nghệ truyền thống của người Hoa là tiềm lực văn hóa lớn góp phần vào quá trình đó. Năng lực văn hóa kinh doanh của người Hoa không chỉ thúc đẩy kinh tế phát triển mà còn có sức lan toả trong cộng đồng dân cư ở TP. Hồ Chí Minh và Nam Bộ, tạo ra nguồn lực cho kinh tế.
- Sự sáng tạo, nhạy cảm, vốn tri thức của người Hoa trong kinh tế rất cần cho việc tiếp thu công nghệ mới đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của công nghiệp và nền kinh tế thị trường. Vấn đề tiếp thu và sử dụng các công nghệ mới đòi hỏi một trình độ tri thức cao, một sự khéo léo, cần cù phù hợp với tiềm năng văn hóa sẵn có của người Hoa. Kinh nghiệm làm ăn, buôn bán, cả sự "khôn ngoan" là thế mạnh của người Hoa trong kinh tế thị trường, đó cũng là một tiềm lực văn hóa, cần được cộng đồng phát huy. Điểm qua một vài doanh nghiệp nổi tiếng của người Hoa như Kinh Đô, Bitis, Thái Tuấn, Minh Long… chúng ta thấy ngay được sự năng động sáng tạo và dũng cảm của họ. Chẳng hạn, một yếu tố rất quan trọng làm nên một ấn tượng Minh Long I trên thị trường thế giới là ở sự sáng tạo gắn với văn hóa truyền thống dân tộc, doanh nghiệp đã sản xuất hàng loạt sản phẩm có in hoa văn hình Chim Lạc, Thiếu nữ Việt Nam, phong cảnh, phong tục sinh hoạt văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam, gây hứng thú với khách quốc tế, thu hút được thị trường.
- Quan hệ kinh tế gắn liền với chữ "tín" cũng là một tiềm năng phát triển kinh tế của người Hoa ở TP. Hồ Chí Minh và Nam Bộ. Từ quan hệ thân tộc, đồng hương giữa người Hoa với nhau dẫn đến quan hệ kinh tế của họ dựa trên giá trị của chữ tín là nét độc đáo của người Hoa trong sản xuất, kinh doanh buôn bán. Đây là sức mạnh văn hóa của người Hoa giúp cho họ liên kết lại, hợp tác với nhau để phát triển kinh tế.
Chữ tín và tinh thần cộng đồng của người Hoa còn là tinh thần đạo đức trong kinh tế thị trường bảo đảm cho sự liên doanh, liên kết trung thực và chân tình. Những vốn quí văn hóa đó nếu biết phát huy sẽ tạo ra sức mạnh, liên kết kinh tế giữa người Hoa với nhau tại TP. Hồ Chí Minh và Nam Bộ, giữa người Hoa ở Việt Nam với người Hoa sống ở các nước Đông Nam Á và trên toàn thế giới (trong đó có Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông…), giữa người Hoa với hàng ngàn doanh nghiệp người Hoa từ các nước, các khu vực Xingapo, Đài Loan, Hồng Kông, Malaixia đầu tư vào TP. Hồ Chí Minh và Nam Bộ hiện nay.
- Tính chất hỗn dung, hay đa dạng, trong văn hóa kinh doanh là một nét độc đáo cần được phát huy. Điểm nổi bật trong hoạt động kinh doanh của người Hoa là họ biết kết hợp các yếu tố nội tại với các yếu tố bên ngoài trên tất cả các phương tiện, kết hợp giữa sản xuất công nghiệp, nội thương, ngân hàng, dịch vụ thông tin và giao thông vận tải. Sự kết hợp đó đã tạo ra phương thức kinh doanh đa phương giữa các mối quan hệ kinh tế trong nước và quốc tế, phù hợp với một nền sản xuất công nghiệp. Đặc trưng văn hóa kinh doanh của người Hoa mang tính hiện đại phù hợp với nền kinh tế thị trường toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh chóng của sản xuất, khoa học công nghiệp hiện nay.
- Tinh thần thiết thực hướng tới lợi ích kinh tế, ý thức tự khẳng định của người Hoa cần được xem như bài học cho nhiều cộng đồng dân cư tại TP. Hồ Chí Minh và đặc biệt là ở miền Tây Nam Bộ.
4. Văn hóa người Hoa với sự phát triển văn hóa xã hội
Sự tác động của văn hóa người Hoa đến đời sống tinh thần cộng đồng dân cư TP. Hồ Chí Minh và Nam Bộ diễn ra rất phong phú trên nhiều lĩnh vực.
Trước hết trên lĩnh vực sáng tạo và hưởng thụ các sản phẩm và giá trị văn hóa nghệ thuật: Trong lịch sử, sự giao lưu, tiếp biến văn hóa Việt - Hoa - Khơme đã làm cho đời sống tinh thần của cộng đồng cư dân ở đây vừa phong phú vừa đa dạng và mang sắc thái văn hóa vùng đặc sắc. Văn hóa người Hoa có sự đóng góp hết sức to lớn và ngày nay càng được chú ý hơn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và Nam Bộ.
Tại TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là các quận có đông người Hoa sinh sống đã dấy lên các hoạt động bảo tồn, phát huy vốn văn hóa nghệ thuật dân gian của người Hoa. Thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa, người Hoa cùng chính quyền, các tổ chức xã hội đã khôi phục các di sản văn hóa nghệ thuật độc đáo như múa lân - sư - rồng, múa võ, ném pháo, hát dân ca tiếng Hoa (hát Quảng, hát Tiều). Chỉ riêng quận 5 TP. Hồ Chí Minh đã thành lập được 17 câu lạc bộ, đội, nhóm văn nghệ, 13 đội múa lân - sư - rồng và tổ chức hàng chục lần hội diễn, hội thi tiếng hát Hoa. Các hoạt động văn nghệ không chỉ phục vụ nhu cầu cần sáng tạo, hưởng thụ và tự biểu hiện của người dân ở đây mà còn góp phần vào sự giao lưu văn hóa trong khu vực và cả với nước ngoài.
Trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa với ý thức cộng đồng cao, người Hoa đã quan tâm đến sự đoàn kết dân tộc, đoàn kết cộng đồng, xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; đặc biệt chú ý đến các hoạt động văn hóa tinh thần, văn hóa thể chất, tổ chức các loại hình câu lạc như câu lạc bộ nhiếp ảnh, câu lạc bộ mỹ thuật, câu lạc bộ ca nhạc tiếng Hoa, câu lạc bộ cầu lông, dưỡng sinh, thể hình.v.v…; tổ chức các buổi liên hoan nghệ thuật quần chúng, các lễ hội dân gian (như lễ hội Trống Đồng, lễ hội Phương Nam, lễ hội Đèn Hoa…). Tại nhiều cơ sở, người Hoa đã đóng góp tiền của, công sức vào xây dựng các thiết chế văn hóa, mua sắm các trang thiết bị cho hoạt động văn hóa, tổ chức các dịch vụ văn hóa, đào tạo và tài trợ cho các diễn viên, các hạt nhân văn hóa. Chẳng hạn ở quận 5, TP. Hồ Chí Minh người Hoa đã đầu tư xây dựng công viên nước Đại Thế Giới 25 tỷ, sân khấu Xiếc cá heo 15 tỷ, nâng cấp rạp Đồng Tháp 4 tỷ, nhà hàng Cát Tường 2,5 tỷ hay nhà sách Trung Đức 500 triệu, trong khi vốn của nhà nước đầu tư không nhiều.
Văn hóa người Hoa góp phần mở rộng giao lưu văn hóa trong khu vực Nam Bộ, TP. Hồ Chí Minh và với thế giới. Do điều kiện kinh tế cho phép và sự ham thích các hoạt động sáng tạo nghệ thuật và ý thức giao lưu văn hóa mà nhiều câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật của người Hoa ở TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức giao lưu sáng tạo với các tỉnh trong vùng, với cả nước và với nước ngoài. Điển hình như Câu lạc bộ Nhiếp ảnh đã giao lưu với các tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Bình Thuận và Huế, Hà Nội và hai lần tổ chức đăng cai Hội nghị Liên đoàn nhiếp ảnh Châu á (năm 1995 và 2000). Đoàn múa lân - sư - rồng Nhơn Nghĩa Đường thành phố Hồ Chí Minh nhiều lần ra nước ngoài giao lưu, thi đấu được người Hoa và nhân dân các nước mến mộ.
Một nét đẹp văn hóa mà người Hoa đã phát huy trong đời sống cộng đồng dân tộc Việt Nam là truyền thống yêu nước, đoàn kết dân tộc phấn đấu cho sự độc lập thống nhất và phồn vinh của Tổ quốc Việt Nam. Trước đây người Hoa ở TP. Hồ Chí Minh và Nam Bộ đã sát cánh cùng nhân dân cả nước và đồng bào miền Nam đấu tranh bất khuất để giành lại độc lập dân tộc và non sông thống nhất. Trong sự nghiệp vẻ vang đó có sự đóng góp xương máu của 218 liệt sỹ người Hoa với những tấm gương oanh liệt như Quách Thị Trang, Trần Bội Cơ, Mạnh Kiến Hùng, Trần Khai Nguyên… và sự hy sinh người thân của 3 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ngày nay, người Hoa đã và đang đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hồ Chí Minh và Nam Bộ.
Có thể nói, văn hóa người Hoa với những giá trị ưu trội của nó có vai trò to lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hồ Chí Minh và Nam Bộ nói riêng, cả nước nói chung. Việc nghiên cứu văn hóa người Hoa và giải pháp phát huy vai trò của nó là một vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn.
Bài đăng trên Tạp chí Văn hóa nghệ thuật (Số 12/2004).

No comments:

Post a Comment

Bài đăng nổi bật

HỌC TẬP VÀ NOI GƯƠNG BÁC TÔN LÀ VIỆC LÀM THIẾT THỰC TRONG HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH BÁC HỒ

Giữa lúc Đảng bộ và nhân dân An Giang đang đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ, chúng ta càng nhớ đến Bác Tôn...

Bài đăng phổ biến