Wednesday, October 3, 2018

HỌC TẬP CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN THEO TƯ TƯỞNG, TẤM GƯƠNG HỒ CHÍ MINH


Niềm vui sướng khi đọc được Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa (7/1920) qua báo Nhân đạo (L’Humanité), sau này được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhớ lại: Luận cương của V. I. Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”.
Trong hành trình tìm đường cứu nước, đi tìm một chân thuyết phù hợp làm vũ khí lý luận dẫn dường đấu tranh giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh đã tìm hiểu, nghiên cứu qua nhiều học thuyết chính trị - xã hội khác nhau, đến khi tiếp cận chủ nghĩa Mác-Lênin, Người đưa ra nhận xét: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin”. Từ đó, Người tin theo Lênin, tin vào Quốc tế thứ Ba, vì đã chỉ ra cho Người con đường đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc mình.
Được tiếp cận chủ nghĩa Mác-Lênin là một chuyện, song để vận dụng học thuyết ấy vào điều kiện cụ thể của đất nước là cả một quá trình dày công học tập, nghiên cứu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ chính kinh nghiệm học tập, nghiên cứu, vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin đã thể hiện tư tưởng của Người trên lĩnh vực này.
1. Hồ Chí Minh hướng về Cách mạng tháng Mười, đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, ban đầu bằng cảm tính tự nhiên, bằng sự ngưỡng mộ trong tâm tư của một người dân mất nước, Người nhớ lại: “Lúc bấy giờ, tôi ủng hộ Cách mạng tháng Mười chỉ là theo cảm tính tự nhiên…; tôi kính yêu Lênin vì Lênin là người yêu nước vĩ đại đã giải phóng cho đồng bào mình…; tôi tham gia Đảng xã hội Pháp vì họ tỏ ra đồng tình với tôi, với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức…”.
Tình cảm tự nhiên ấy là điều kiện thuận lợi trước hết để Hồ Chí Minh nhanh chóng tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin một cách chắc chắn, tin tưởng. Bởi vì, tự thân, Hồ Chí Minh đã xây dựng cho mình lửa nhiệt tình cách mạng làm động lực, mục đích trong việc học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin. Như sau này, trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập (1950) Người nêu lại quan điểm về xây dựng động lực, mục đích học tập khi đặt ra câu hỏi: Học để làm gì? và Người đã đúc kết lại rằng học là để làm việc, để phụng sự Tổ quốc và nhân dân, làm lợi cho dân, cho nước.
Động lực là vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến thái độ và hiệu quả học tập. Yếu tố nội lực giữ vai trò quyết định đối với sự tiến bộ của mỗi người. Nghĩa là, người học phải luôn nêu cao ý thức tự lực, tự cường, lấy tự học là chính để chiếm lĩnh tri thức chứ không trông chờ ỷ lại vào thầy. Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực về tự học, trong hoàn cảnh hoạt động lao khổ, thiếu thốn, có những lúc tù đày, Người luôn giữ ý thức không ngừng tự học, tự bồi dưỡng, trao dồi tri thức. Vì vậy, dù không được đào tạo bài bản, chính thống qua trường lớp nhưng vốn tri thức mà Hồ Chí Minh tích lũy được hết sức sâu sắc, toàn diện, uyên bác. Chính nhờ ý thức tự học không ngừng, học qua sách báo, qua bạn bè, Hồ Chí Minh đã tiếp cận với chủ nghĩa Mác-Lênin, nắm vững, am tường và vận dụng sáng tạo vào quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Từ tấm gương học tập của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ta thấy, để việc học tập các môn khoa học Mác-Lênin đạt kết quả, trước hết phải xây dựng được tình cảm cách mạng cho người học. Người dạy phải truyền được lửa nhiệt tình cách mạng, làm cho người học thấy được ý nghĩa, tác dụng của việc học lý luận đối với bản thân để có động lực, có thái độ học tập tích cực. Một khi làm được như vậy, người học nhất định sẽ tìm mọi cách để học, để tiếp thu, thấm nhuần dù cho khó khăn đến mấy. Tuy nhiên, việc này hiện nay chúng ta vẫn chưa thật sự làm được và làm thật hay.
Thiết nghĩ, để xây dựng được tình cảm cách mạng cho người học, giúp người học tự xác định động cơ học tập đúng đắn trong nghiên cứu, tiếp thu các môn khoa học Mác-Lênin, chúng ta cần giúp cho người học trả lời câu hỏi “Học để làm gì?” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đặt ra, cụ thể ở đây là Học các môn khoa học Mác-Lênin để làm gì?
- Thứ nhất, học để sửa chữa tư tưởng.
Theo Hồ Chí Minh, có hăng hái, nhiệt tình tham gia cách mạng là việc tốt, nhưng chưa đủ nếu tư tưởng chưa thật sự là tư tưởng cách mạng. Do đó, học tập chủ nghĩa Mác-Lênin trước nhất là để sửa chữa, uốn nắn tư tưởng cho đúng. Tư tưởng đúng hành động sẽ đúng, hành động đúng mới tránh được sai lầm, mới hoàn thành nhiệm vụ nhiệm vụ cách mạng được giao.
- Thứ hai, học để tu dưỡng đạo đức cách mạng.
Xuyên suốt tư tưởng Hồ Chí Minh không có sự học nào hơn sự học để làm người, giúp đời, phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Đó cũng chính là sự học của người cách mạng, của đạo đức xã hội chủ nghĩa, của những con người thấm nhuần lý tưởng cộng sản. Với người cách mạng, trước hết phải giác ngộ đạo đức cách mạng, phải có cái đức để đi đến cái trí, khi đã có cái trí thì cái đức chính là cái gốc để người cách mạng giữ vững được chủ nghĩa mình theo, lý tưởng mình chọn, con đường mình đi.
- Thứ ba, học để xây dựng niềm tin.
Theo Hồ Chí Minh, cán bộ là gốc của mọi công việc, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng, do đó, công tác giáo dục lý luận chính trị của Đảng tiên phong phải đạt được trình độ tiên phong, cần phải định hướng cho nhận thức tư tưởng, mục tiêu và con đường đi lên của dân tộc. Vì vậy, Người cho rằng: “Đảng muốn vững phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”[1]. Đảng viên, cán bộ là người dẫn dắt quần chúng, đem đường lối của Đảng giải thích cho quần chúng hiểu và thi hành, muốn làm tốt việc ấy, trước hết phải xây dựng niềm tin cho mình, tin vào đoàn thể, tin vào nhân dân, tin vào tương lai dân tộc, vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Có niềm tin hành động mới vững vàng, hăng hái, kiên quyết, đủ ý chí vượt khó hoàn thành nhiệm vụ.
- Thứ tư, học để hành.
Theo Hồ Chí Minh, học mà không hành là vô ích, hành mà không học thì không trôi chảy. Quan điểm này thể hiện tư duy biện chứng của Người về mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn. Thực tiễn là nguồn gốc, là cơ sở, là động lực của lý luận. Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn. Việc học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin phải nhằm đạt được mục đích học để hành, hành động đúng đường lối của Đảng, bởi vì đường lối của Đảng là sự quán triệt, vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.
2. Trong học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh sử dụng phép biện chứng duy vật và phương pháp nhận thức kiểu “đắc ý, vong ngôn” để tiếp thu, lĩnh hội tri thức hiệu quả nhất. Nghĩa là, điều quan trọng không phải là nội dung của các chỉ dẫn cụ thể, mà là ở phương pháp tiếp cận vấn đề, phải xuất phát từ thực tiễn lịch sử với thế giới quan duy vật đúng đắn.
Theo Hồ Chí Minh, việc học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin không phải là học thuộc lòng mà là học cái tinh thần, cái bản chất để nhận thức vấn đề, để áp dụng vào thực tiễn sinh động, xử lý các mối quan hệ với người, với việc, với bản thân mình.
Như vậy, học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin là để nắm được những nguyên lý, quy luật có tính khách quan, từ đó vận dụng vào việc giải quyết các nhiệm vụ cụ thể đặt ra của tình hình đất nước, địa phương, đơn vị chứ không phải học những kết luận sẵn có trong tác phẩm kinh điển. Quan điểm này được Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ trong bài diễn văn khai mạc lớp lý luận khóa I trường Nguyễn Ái Quốc: “Việc học tập lý luận chính trị không phải nhằm biến các đồng chí thành những người lý luận suông mà nhằm làm thế nào cho công tác của các đồng chí được tốt hơn, nghĩa là các đồng chí phải học tập tinh thần của chủ nghĩa Mác-Lênin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong cách mạng của chúng ta. Như thế học tập lý luận cốt để áp dụng vào thực tế”[2].
Học lý luận, có lý luận mà không đem ra thực hành là lý luận suông. Có lý luận mới hiểu được tình hình chính trị - xã hội, hiểu được tình hình mới có chủ trương, giải pháp đúng đắn, hiệu quả. Chủ tịch Hồ Chí Minh thấm nhuần một cách sâu sắc quan điểm lịch sử - cụ thể, bởi Người hiểu rõ, bản chất và linh hồn của chủ nghĩa Mác-Lênin chính là cung cấp cái phương pháp phân tích cụ thể một tình hình cụ thể. Chẳng hạn, khi bàn về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, Người cho rằng không thể giống Liên Xô, nên có thể đi con đường khác để tiến lên chủ nghĩa xã hội, khi có ý kiến cho rằng làm như vậy là trái với Liên Xô, Người đáp lại một cách điềm tĩnh, làm trái với Liên Xô cũng là mác-xít.
Sự thấm nhuần quan điểm lịch sử - cụ thể của Hồ Chí Minh còn thể hiện qua cách diễn giải những vấn đề lý luận có tính kinh điển. Trong những bài giảng về chủ nghĩa Mác-Lênin, Người rất ít dùng lối tầm chương tích cũ để giải thích, giải đáp một vấn đề nào đó. Như khi trả lời cho câu hỏi Cộng sản là gì? Người giải thích rất cụ thể, gần gũi: Cộng sản là nhà máy, ruộng đất đều là của chung; lao động cũng chung của toàn dân. Cộng sản là không có chế độ tư hữu, không có giai cấp áp bức bóc lột. Cộng sản là của cải đều là của chung, sức sản xuất rất cao, nhân dân lao động hoàn toàn được giải phóng và sống rất tự do, sung sướng… Đó chính là cái tinh thần, cái bản chất, cái sáng tạo ở Hồ Chí Minh trong việc học tập, nghiên cứu, vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin.
3. Đảng ta xác định lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Đất nước ngày càng đổi mới, hội nhập và phát triển cùng với những bước tiến của thế giới, càng phải củng cố nền tảng tư tưởng, xây dựng lập trường cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ. Trở về tư tưởng Hồ Chí Minh, thấm nhuần tư tưởng và tấm gương học tập của Người là việc làm quan trọng giúp nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập và nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin. Theo đó, cần quan tâm đến một số vấn đề có tính chất phương châm sau đây:
- Nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của việc học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin, cũng như công tác giáo dục lý luận chính trị nói chung, trước hết là trong cán bộ, đảng viên, hội viên các đoàn thể, cán bộ các ban, ngành chuyên môn.
- Gắn lý luận với thực tiễn, thực hiện phương phâm học đi đôi với hành. Ở mỗi lớp học, khóa học, các cơ sở đào tạo cần xây dựng kế hoạch gắn nội dung học tập với nghiên cứu thực tế để tiếp cận, khai thác kinh nghiêm thực tiễn ở các địa phương, đơn vị thông qua người học một cách hiệu quả, thiết thực.
- Bảo đảm sự thống nhất giữa tính đảng và tính khoa học trong giảng dạy. Thực hiện phương châm này, đòi hỏi những người làm công tác giảng dạy các môn khoa học Mác-Lênin không những vững vàng, sâu sắc về lý luận mà còn phải có quá trình hoạt động thực tiễn phong phú, thường xuyên cập nhật kiến thức mới, kiên quyết khắc phục lối “dạy chay” thoát ly thực tế.
- Đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giảng dạy. Các môn khoa học Mác-Lênin có tính trừu tượng và khái quát cao, do đó, trong quá trình giảng dạy phải chú ý kích thích người học đặt câu hỏi, tranh luận, tự khám phá, tự chiếm lĩnh tri thức dưới sự hướng dẫn, định hướng của người dạy. Để làm tốt điều ngày, những người làm công tác giảng dạy, một mặt, cần phải thiết kế nội dung bài giảng và phương pháp sư phạm tinh tế, phù hợp với từng đối tượng, hoặc nhóm đối tượng cụ thể. Mặt khác, người làm công tác giảng dạy phải có một nền tảng lý luận và vốn thực tiễn phong phú để dẫn dắt người học tư duy, kiểm nghiệm lý luận và nâng nhận thức lý luận lên tầm cao mới. Có như vậy, những người làm công tác giảng dạy các môn khoa học Mác-Lênin mới có thể thực hiện được mục tiêu “học để vận dụng chứ không phải học vì lý luận”[3] như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn.
Học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao năng lực tư duy lý luận, hình thành thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp nhận thức và hoạt động thực tiễn đúng đắn. Chủ nghĩa Mác-Lênin cho đến nay vẫn là học thuyết chân chính, chân chính và cách mạng nhất, vẫn là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam đúng đắn cho nhận thức và hoạt động thực tiễn. Tuy nhiên, hiệu quả của việc giảng dạy, học tập, nghiên cứu vẫn còn những vấn đề cần quan tâm. Vì vậy, các cấp ủy đảng, các nhà quản lý, những người làm công tác giảng dạy và những ai đã, đang và sẽ tiếp cận, học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin cần thấm nhuần tư tưởng, tấm gương Hồ Chí Minh trong lĩnh vực này để có những đổi mới về nội dung, phương pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng và củng cố nền tảng, lập trường tư tưởng cho toàn xã hội.

Phuong Thanh

Đường Lập sưu tầm



[1]- Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr383.
[2]- Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr289.
[3]- Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr289.

No comments:

Post a Comment

Bài đăng nổi bật

HỌC TẬP VÀ NOI GƯƠNG BÁC TÔN LÀ VIỆC LÀM THIẾT THỰC TRONG HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH BÁC HỒ

Giữa lúc Đảng bộ và nhân dân An Giang đang đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ, chúng ta càng nhớ đến Bác Tôn...

Bài đăng phổ biến