Wednesday, October 10, 2018

TA HỌC SỬ ĐỂ LÀM SỬ

mấy ý kiến về học sử của Phạm Hoàng Mỹ(*)


Tụng 1000 pho sử,
“Soạn 1000 cuốn sử,
“Không bằng làm một ngày lịch sử”


Là một bộ lạc ở bờ sông Dương Tử, quanh Động Đinh Hồ, tổ tiên ta phải lần xuống phương nam vì một lẽ: Muốn sống còn.
Chinh phục đất đai, rồi chinh phục lòng người bổn xứ, để đồng hóa, gây mầm quốc gia mà sức đè bẹp nặng nề, bền bỉ của hơn ngàn năm đô hộ của người láng giềng khổng lồ đông hơn, mạnh hơn, quỷ quyệt hơn, văn minh hơn, không chả cho tàn rụi. Rồi nào ngăn ngọn gió cuồng từ phương Bắc ào xuống, nào hất những luồng sóng dữ tự phương Nam tràn lên, để củng cố tinh thần tự chủ, để cũng vì lẽ muốn sống còn, mở mang bờ cõi về phương Nam, lại lần lần đồng hóa người Chàm, rồi đến một phần người Miên, quả dân tộc Việt ta có một sức sống phi thường.
Và non trăn năm xiềng xích Pháp mới đây, đối với hơn ngàn năm gông cùm Tàu từ thử xa xưa, có là bao!
Vì sức sống của dân tộc Việt vẫn khôn, vẫn mạnh, vẫn bền, vẫn cao từ bốn ngày năm.
*
Đã tự bốn ngàn năm, sức sống khôn ngoan ấy, đại diện là chim Lạc: đó là con chim khổng lồ thời tiền sử; mùa đông, biết trốn lạnh gắt gao, xuôi phương Nam tìm sáng ấm. “Chờ xuân về mà cùng về với xuân”.
Sức sống cao xa ấy, tượng trưng là chim Hồng: đó là loài ngỗng trời to lớn, xinh đẹp, mà sức bay cao và bay xa truyền tụng trong câu thơ: “Cánh Hồng một cất mây nghiêng”.
Nòi Việt thờ kính sức sống khôn ngoan, cao xa ấy, nên tự nhận mình là con Lạc cháu Hồng.
Sức sống hăng mạnh ấy, biểu hiệu là con Rồng: đó là con thú dị thường thời hỗn mang, đứng đầu tất cả loài vật, khi nằm im dưới nước sâu, lúc tung bay cùng vũ trụ, hoàn cảnh nào cũng sống được.
Và đã tự bốn ngàn năm, nàng Tiên là hình ảnh của sức sống thanh cao ấy, vì đó là một hình ảnh vô cùng thanh thoát, dị hiền, gợi cho thông thương mở rộng.
Giống Việt thờ kính sức sống hùng mạnh, thanh cao ấy, nên họ nhận mình là dòng dõi Rồng Tiên.
Thế thì, chúng ta là con cháu Lạc Hồng, là giòng giống Rồng Tiên, ấy là chúng ta luôn luôn đeo đuổi lý tưởng của ông cha để lại, bất cứ ở hoàn cảnh nào.
*
Nhưng nhìn lại sử nước nhà, ta thấy lòng mình tràn ngập biết bao là cảm xúc.
Ta khổ với đồng bào đã chịu muôn vàn tủi nhục, lầm than, những hồi bị người nước ngoài đô hộ hay cướp phá.
Ta buồn thời Nam Bắc phân tranh đã làm “người trong một nước” chẳng “thương nhau cùng”, làm cho dân điêu linh, nước chia rẽ.
Ta từng giận những Trần Ích Tắc, những Trần Thiện Bình, những Lê Chiêu Thống, vì chút lợi riêng mà đi rước quân nước ngoài về dày xéo quê hương.
Ta tiếc những bậc có tư tưởng mới, nuôi những hoài bão vĩ đại, như Hồ Quý Ly, như Nguyễn Huệ, như Nguyễn Trường Tộ mà thời thế hoặc cái chết khiến nước ta phải chịu thiệt thòi.
Ta hờn lớp sĩ phu đời Nguyễn trói mình trong cái học nô lệ, không chút thiết thực chẳng thấy chi xa, chỉ biết có một nước Tàu, đến nỗi nước mất nhà tan, dân khổ nhục…
Nhưng việc đã qua là việc không gì thay đổi được.
Ta có khổ, có buồn, có giận, có tiếc, có hờn… đến đâu thì lịch sử nước ta từ xưa đến ngày nay không vì thế mà thay chiều đổi hướng.
Vì đó là “Sử Chết”.
Nay, ta học sử nước nhà để biết cái dở, cái lầm của người xưa mà tránh, cái hay cái đẹp của người xưa mà theo, để thấy rõ công ơn của Tổ tiên đã dựng, đã giữ, đã mở nước, giao lại cho chúng ta những gia tài quý báu, để tìm hiểu những nguyên nhân của các biến cố lớn lao đã định sự thịnh suy của Tổ quốc, đặng ngẫm nghĩ, đặng chọn lựa, đặng hành động, sao cho đúng với câu: “hậu sanh khả úy” (kẻ đến sau đáng sợ).
*
Học “Sử Chết” ta không được quên rằng ta là người đang làm “Sử Sống”.
Ta học sử là để được như thế.
Vậy mỗi chúng ta phải luôn luôn cố gắng đem hết lòng, hết sức, hết tài mình hầu nước nhà vì chúng ta mà thêm những trang sử vẻ vang, cho không thẹn với tổ tiên và con cháu tự hào.
Ta học sử để mà làm sử.
Làm sử sao cho dân tộc được trường tồn, nòi giống được vinh quang, và góp phần vào công cuộc đem lại yên vui cho Nhân loại.
______________________
(*) Tựa đề đặt lại.

Đường Lập (sưu tầm)
Nguồn: Phạm Hoàng Mỹ, “Vài Ý Kiến về Học sử”, Tạp chí Bách Khoa, (01), 1957.

No comments:

Post a Comment

Bài đăng nổi bật

HỌC TẬP VÀ NOI GƯƠNG BÁC TÔN LÀ VIỆC LÀM THIẾT THỰC TRONG HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH BÁC HỒ

Giữa lúc Đảng bộ và nhân dân An Giang đang đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ, chúng ta càng nhớ đến Bác Tôn...

Bài đăng phổ biến