Friday, November 9, 2018

CÔNG LAO ĐÓNG GÓP VỀ QUÂN SỰ CỦA TỔNG ĐỐC AN - HÀ LÊ ĐẠI CƯƠNG

Tác giả: ThS. Dương Thị Ngọc Thu, Học viện Chính trị khu vực IV.


Lê Đại Cương là một danh sĩ văn võ song toàn; một nhân vật trí tuệ xuất chúng và đa tài. Cuộc đời làm quan của ông đã đóng góp trên nhiều lĩnh vực như: chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao,… nhưng nổi bật là về quân sự.
Tượng thờ cúng Lê Đại Cang (hay còn gọi là Lê Đại Cương) tại quê hương ông làng Luật Chánh, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước (Bình Định)
Sự nghiệp quân sự của ông khi làm Tổng đốc An - Hà kiêm lĩnh ấn “bảo hộ Chân Lạp quốc” cũng gặp nhiều thăng trầm, vinh quang, cay đắng. Ông từng được phong thưởng quan tước nhiều lần, nhưng cũng nhiều lần bị cách chức. Có lúc Ông được phong làm Tổng đốc, Bố chánh sứ An Giang, Trấn Tây Tham tán Đại thần,… Có lúc bị cách chức xuống làm “đoái tỳ binh võng tiền quân hiệu lực” (khi xông trận phải luôn là quân đi đầu để lập công chuộc tội) và bị cách, phái theo quân thứ Hải Đông hiệu lực. Tuy bị cách chức nhưng không nãn lòng, Ông đã tập hợp tàn quân, tuyển thêm binh lính xây dựng một đội quân mạnh phối hợp với viện binh triều đình đánh dẹp cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi. Ông cũng có công lớn trong việc đánh đuổi quân Xiêm, loạn đảng người Cao Miên bảo vệ vùng đất An Giang nói riêng vùng biên giới phía Nam nói chung.
Nhâm Thìn, năm Minh Mệnh thứ 13 (1832), tháng 11, “Dùng nguyên Tổng đốc Sơn - Hưng - Tuyên là Lê Đại Cương làm Tổng đốc An - Hà, kiêm lĩnh ấn “bảo hộ Chân Lạp quốc”. Đại Cương đến trước bệ, bái biệt. Vua gọi đến trước mặt dụ rằng: “An Giang là tỉnh mới đặt, trong thì trấn thủ, vỗ về nước Phiên (đây chỉ nước Chân Lạp), ngoài thì khống chế nước Xiêm, sự thể rất quan trọng. Ngươi nay cai trị đất ấy, phàm những việc quân, dân, trọng đại cùng thành trì và kho tàng đều nên hết sức lo liệu để phu phỉ ý ta mong ngươi làm được thành công”[1]. Như vậy, Vua đã giao cho Ông giữ chức Tổng đốc An - Hà, kiêm lĩnh ấn “bảo hộ Chân Lạp quốc” là công việc vô cùng trọng đại để bảo vệ vùng biên giới phía Nam.
Quý Tỵ, năm Minh Mệnh thứ 14 (1833), tháng giêng, Để giữ gìn an ninh tốt hơn, Lê Đại Cương cùng Nguyễn Văn Quế xin triều đình cho thêm kinh binh. “Tổng đốc An -Biên Nguyễn Văn Quế, Tổng đốc An - Hà Lê Đại Cương cùng ký tâu lên nói: “Hai tỉnh Phiên An, An Giang, nơi thì xe thuyền tụ họp, nơi thì địa thế xung yếu, cần phải có nhiều quân để đóng giữ. Thế mà cơ binh thuộc tỉnh phần nhiều chưa tập luyện thành thạo! Vậy xin lượng cấp cho mỗi tỉnh 1 vệ Kinh binh đến thú, mỗi năm một lần thay đổi, để lúc hoãn lúc cấp có quân nanh vuốt giúp đỡ”. Vua dụ bảo: “Sau này, nếu cần phái thêm quân đến thì ta sẽ ban chỉ điều khiển ngay, nào có muộn gì”[2].
Tháng 3, Lê Đại Cương tiến cử với Vua cho Hồ Công Chỉ lĩnh chức Chủ sự Bộ Binh. Vua cho và khen thưởng ông là người lanh lẹn, được việc lại hiểu tình hình biên giới. “Cho Tư vụ thự Chủ sự là Hồ Công Chỉ làm Chủ sự Bộ Binh, theo Tổng đốc và Tuần phủ An - Hà Lê kiêm lĩnh bảo hộ là Đại Cương và Ngô Bá Nhân làm việc công thành Nam Vang. Hồ Công Chỉ trước đây do chức thự Tư vụ làm việc ở Binh tào thành Gia Định cũ, nhân việc đưa người Xiêm gặp nạn về nước, do thám được tình hình nước ấy, biên chép rõ ràng”[3].
Tổng đốc An - Hà, kiêm lĩnh bảo hộ Lê Đại Cương và Ngô Bá Nhân tâu nói: “Bọn Thiều Ma là bộ thuộc của thần Ốc Nha Cố ở nước Chân Lạp từ ở Bắc Tầm Bôn trốn về, bị người xét hỏi bắt được, nó nói: Nghe nói tướng Xiêm là Phi Nhã Chất Tri, đem 3000 quân ra Sốc Châm Nặc gần địa giới Bắc Tầm Bôn”. Bây giờ nhân dịp Chân Lạp có tiết thưởng xuân, thần đã phái quân thuyền đi trấn áp rồi”[4].
Tổng đốc An - Hà, Lê Đại Cương, Tuần phủ An Giang và Ngô Bá Nhân tâu nói: “Ốc Nha Bồ Nô Sơn Liêm Mộc ở phủ Chân Niêm, chiêu mộ được 10 đội quân Phiên, xin đặt cho tên cơ binh, ban chức hàm và họ tên, đợi sau khi tỉnh thành dời đi nơi khác, sẽ cho cứ đóng giữ đồn Châu Đốc”. Vua ưng cho…“Đại Cương lại xin trích lấy 50 người là lính trong 3 đội Cường bộ, An bộ và Hùng bộ trước đây để đặt dưới quyền sai phái của vua Chân Lạp (3 đội đều là người Kinh, năm trước nước Chân Lạp mộ làm lính ứng trực chạy trạm; gần đây, dồn làm 3 đội Ngũ, Lục, Thất thuộc cơ An Giang). Vua cho rằng 3 đội quân ây số ghạch còn thiếu; xuống mộ sai dụ them cho đủ số, rồi sai 2 đội cho vua Phiên, còn một đội để lại ở tỉnh, rồi châm chước cho thay phiên nhau. Ngạch lính vẫn thuộc trong số quân cơ An Giang”[5].
Cũng trong tháng 3, Theo tin thám được Ông nghi là quân Xiêm định tiến đánh nên phái binh đến thành Nam Vang trấn áp. Tổng đốc An - Hà Lê Đại Cương tâu nói: “Quốc vương Chân Lạp là Nặc Chân báo rằng thám thấy tướng Xiêm là Phi Nhã Chất Tri đóng quân ở Sóc Tà Nặc, đưa hịch hiệu triệu dân phủ Bắc Tầm Bôn, cùng với Ốc Nha Cố phân phái việc quân. Hắn lại sai đắp đồn ở phủ Lô Khu Vật. Thần lấy làm ngờ lắm, đã phái 300 biền quân đến thành Nam Vang trấn áp, để cho yên lòng thần dân nước Phiên”. Vua phê bảo rằng: “tình hình Chân Lạp do thám được chưa chắc đã thực. Ngươi chịu trọng trách ở biên khổ, phải xem xét cho kỹ, tùy cơ điều khiển thế nào, cốt cho trúng khớp. Nếu có thực, lập tức tâu lên”[6].
Tháng 4, Tổng đốc An - Hà Lê Đại Cương, Tuần phủ An Giang là Ngô Bá Nhân tâu xin dồn bổ các lính ở đồn điền cũ vào 4 cơ thuộc tỉnh là An nghị tả, An nghị hữu, An nghị tiền, An nghị hậu, đặt mỗi cơ 1 phó quản cơ, lấy các nguyên Chánh phó trưởng chi bổ làm Cai đội thí sai, Phó quản cơ. Vua y cho”[7].
Tháng 5, Lê Đại Cương đề phòng biên giới bị xâm lược nên ông lo xây đắp thành tỉnh An Giang và lấy đồn làm phủ lỵ để được hùng tráng. “Nay công việc làm thành tuy mới tạm ổn, nhưng thế cục đã thành, cơ chỉ đã định. Phàm đường lối trong ngoài ra vào cùng với chợ búa, phố xá đều đã dự vạch ra trước, để cho người ta biết đến đấy ở, sớm thành nơi vui vẻ. nếu lại trở về Châu Đốc, sợ rằng dân mới tụ hợp sẽ lại tản mát nơi khác. Thần đã đem số tre chặt rồi rào giậu bốn mặt, tạm làm cái thành bằng tre, và tạm thời dựng nhà kho, công đường và nhà làm việc để tiện cho việc dọn đến ở. Còn toà hành cung dựng ở Châu Đốc trước, thì gỗ xà lim còn dùng được, nên dỡ mang về Tân Thành để xây dựng. Lại nữa, huyện Tây Xuyên là kiêm lý của phú Tuy Biên, chính Châu Đốc ở trong đại hạt ấy. Vậy, xin lấy đồn ấy dùng làm phủ lỵ để cho sự ở được hùng tráng. Vua đều nghe theo”[8].
Tháng 6, Nhà vua ra lệnh cho Lê Đại Cương hợp sức đánh dẹp cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi: “Truyền dụ Tổng đốc An - Hà Lê Đại Cương lập tức xét theo số binh và dân hiện đang làm việc xây thành, cấp cho khí giới, tiền, lương, vát lấy nhiều thuyền, đốc thúc quan quân, hương dõng thuận dòng, xuôi xuống, hội với quan quân Long - Tường cùng đi đánh dẹp. Rồi, nhà vua còn cấp cho Lê Đại Cương kính thiên lý: “Sai thị vệ mang cấp cho Phan Văn Thúy, Trương Minh Giảng, Lê Đại Cương và Lê Phúc Bảo mỗi người 1 chiếc thiên lý kính”[9].
Tổng đốc An - Hà Lê Đại Cương, tâu nói: “Khi mới nghe tin Phiên An có giặc gây biến, thần đã phái Lãnh binh Lê Văn Tường đem binh thuyền hội với quan quân 2 tỉnh Vĩnh Long, Định Tường tiến đánh. Sau đó hỏi ra biết rằng tướng giặc là Lê Văn Khôi tụ họp bè đảng, chiếm giữ tỉnh thành, giết hại Nguyễn Văn Quế và Bạch Xuân Nguyên, thần trước đã phi tư cho thự bọn ấy nhân khi sơ hở, lén lút trổi dậy, một khi có quân đến đánh, thế tất phải do đường rừng tìm về đất cũ, hoặc nhân Phiên An có nhiều thuyền, sẽ do đường biển lủi trốn. Thần lại phi tư cho hai tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, tỉnh nào cũng ngăn chặn các đường thủy bộ hiểm yếu. Lại sợ phía đầu rừng đạo Quang Hóa, cả Nam lẫn Bắc đều đi qua được, nên nghĩ cũng phi sức cho viên quản đạo Quang Hóa nghiêm chặn lối ấy. Rồi liệu gọi các biền binh ở hạt lân cận đang hạ ban nghỉ ngơi, ủy cho đóng giữ Tân Thành và theo 2 ty Bố, Án, giữ đồn Châu Đốc. Lịa phi sức cho Hà Tiên cũng phòng bị sẵn. Rồi chính mình đem Phó lãnh binh Vũ Văn Thường dẫn đại đội binh thuyền đến gần tiếp ứng” Vua phê bảo rằng: “Nhận được sớ tấu, ta biết ngươi đã có chuẩn bị trước và đem quân đi đánh dẹp, cơ hội chính là hay. Ta ngày ngày mong tin thắng trận”[10].
Quân của Lê Văn Khôi chiếm được tỉnh thành Định Tường “Tổng đốc An - Hà Lê Đại Cương ở Định Tường nghe tin, lập tức dẫn đại đội binh thuyền lui về phía song Ba Lầy (thuộc huyện Kiến Đăng, giáp đầu tỉnh An Giang). Binh và dân giữ Định Tường, đều xao xuyến, chạy trốn hết. Phúc Bảo ngồi một chiếc thuyền, lui đậu ở bến sông ngoài thành, bị quân giặc đuổi đến bức bách phải chạy về Vĩnh Long trước”. “Lê Đại Cương, Lê Phúc Bảo đều làm tớ tâu xin chịu tội”[11].
Tháng 8,“Giặc đã lấy được Định Tường, đốc suất thuyền quân tiến đến đậu ở sông Đồi Giang (thuộc tỉnh Vĩnh Long, giáp đầu địa giới An Giang), Tổng đốc Lê Đại Cương đánh nhau, bị thua, lui về An Giang”[12].
“Án sát tỉnh An Giang là Bùi Văn Lý lấy lại được hai tỉnh An Giang - Hà Tiên. Trước đây, Tổng đốc Lê Đại Cương đánh nhau với giặc bị thua, rút về tỉnh lỵ (tức là đồn bảo Châu Đốc) quân đều tan tác cả, bèn thương lượng giao cho Bố chính Nguyễn Văn Bỉnh cùng với Lý vẫn cứ ở lại phòng hộ, còn mình thì đi Nam Vang, điều động lính phiên đến cứu”. “Một mình Thái Công Triều còn ở An Giang, mưu toan việc quy thuận. Lại mật báo cho Lê Đại Cương chóng đem quân về tiếp ứng… Lê Đại Cương cũng từ Chế Lăng quay về, trước hết đem chém Trần Hiệu Trung và các tên phạm là đầu mục giặc mà sau đó tiếp tục bắt được. Rồi quyền phái Binh bộ Chủ sự thừa biện Nam Vang thành biên vụ là Hồ Công Chỉ và phó quản cơ cơ An Giang là Nguyễn Văn Tây đến tỉnh Hà Tiên làm công việc ở tỉnh. Lại cho rằng Mạc Công Du vốn được nhân dân xứ ấy mến phục, bèn tạm quyền lưu lại ở tỉnh lỵ để trấn tỉnh [nhân tâm]”[13]. Lê Văn Khôi chiếm cứ tỉnh thành và tiến đến giáp với tỉnh An Giang. Ông điều động binh thuyền chống cự ở vùng tiếp giới. Một đêm, binh sĩ tứ tán khó bề cố thủ. Ông cùng mấy mươi người tùy tùng lánh vào đất Chế Lăng của Cao Miên, chiêu tập thêm những dân sống lưu vong gần hai ngàn người hưởng ứng. Biến dân ô hợp thành quân đội chính quy, nuôi chí triêm cừu, sống như con em rồi thì theo đường Long Tường kéo binh về tỉnh An Giang. Đến hạt Gia Định giao chiến với giặc tại Lò Tư, đánh vào cẩm Đàm may gặp quân triều ở đấy. Giặc liều chết cố giữ thành, quân chia các nẻo tấn công vào những nơi chúng chiếm cứ.
Lê Đại Cương bị cách chức, từ Tổng đốc xuống làm lính đánh trận lập công. “Đến như Lê Đại Cương là một quan to, có nhiệm vụ giữ bờ cõi, trước đây, trận đánh ở Lật Giang, không tức thì đến cứu, lại dẫn quân về trước, đã là nhút nhát rồi. Đến khi quân giặc tới nơi, lại không cố chết giữ lấy thành trì, chỉ lo trốn xa, đến lúc nghe thấy người ta lấy lại được tỉnh lỵ, bấy giờ mới ló đầu ra! Xét dấu vết của hắn đã làm rất là ươn hèn đớn kém! Chuẩn cho lập tức cách chức, bắt làm lính ở nơi quân ngũ đua sức làm việc để chuộc tội; đợi khi việc yên rồi, sẽ xuống chỉ dụ quyết định”[14]. Thất bại và bị cách chức lần này Lê Đại Cương cho rằng: “Cuộc đời đã trãi qua của tôi chưa hề gặp sự gian hiểm như lúc này. Nhưng gánh nặng biên cương, sự thất bại ở góc trời Đông, để mất thành An Giang tội không nhẹ. Thánh chỉ đến cách chức tôi, nhưng cho“Đái lãnh binh dõng, quân tiền hiệu lực” (lãnh binh dõng ra trận phải đi trước lập công chuộc tội)”[15]. Bị cách chức lần này của ông cũng giống như Nguyễn Công Trứ. Nguyễn Công Trứ có lúc làm Tổng Đốc rồi bị cách tuột làm lính thú. Còn ông từ Tổng đốc bị cách, làm lính đánh trận lập công. Dù trong hoàn cảnh nào, ông vẫn không hề nản lòng trong nhiệm vụ phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân.
Tháng 9, Bình khấu đạo tướng quân là Trần Văn Năng, Tham tán là Lê Đăng Doanh ở quân thứ Gia Định tâu xin: “Tạm quyền cấp cho viên quan bị cách chức là Lê Đại Cương vẫn quản lĩnh binh võng dưới quyền được ở trong quân để đua sức làm việc. Vua ưng cho”[16].
Tháng 10, Lê Đại Cương bị Vua quở trách do Khâm phái Hộ bộ Tả thị lang Đặng Chương từ quân thứ Gia Định về Kinh tâu: “Đồ đảng giặc trong thành, ngày nọ có họp thành đến hơn 100 tên, đi ra ngoài thành, tìm kiếm vật liệu. Binh dõng do Lê Đại Cương đốc suất ở địa phận tấn sở chỉ chém được 1 đầu và đâm bị thương 5,6 đứa mà thôi”. “Vậy, truyền chỉ ban quở các Tướng quân và các Tham tán. Lại truyền chỉ nghiêm quở Lê Đại Cương: Từ nay bọn giặc còn dám đi ra, tất nên nghiêm sức cho các tướng, biền binh, đang ở các đồn tấn sở tại phải hết sức đón đánh, dẫu dưới làn tên đạn tơi bời cũng không quản ngại. Cốt sao giặc phải đến một đứa thì giết chết một đứa, không cho trốn thoát, tất có hậu thưởng. Nếu cứ bất lực mãi, dung túng cho giặc muốn đi đâu tùy ý thì khó trốn được lỗi ấy”[17].
Quân lính của Lê Văn Khôi liều chết ra khỏi thành chiến đấu, quan quân bắt và chém không được nhiều, mà mình lại bị thương và chết đến hơn trăm, thế là lợi bất cập hại! “Lê Đại Cương, Vũ Phi Giám có nhiệm vụ chia giữ đồn tấn đều bị gián 2 cấp”[18].
Tháng 12, lời dụ của Vua Minh Mạng đề cập đến việc dẹp đánh Lê Văn Khôi và cho biết Lê Đại Cương đã được gia ơn và phục chức “Thái Công Triều và Lê Đại Cương đã được gia ơn khai phục và nhận nhiệm dụng rồi”[19].
Giáp Ngọ, năm Minh Mệnh thứ 15 (1834), tháng 3, Trương Minh Giảng, Lê Đại Cương ở quân thứ Nam Vang, phòng ngự địa đầu biên giới và tâu với Vua: “Tỉnh An Giang mới lập, đất rộng, người ít, lại ở vào nơi xung yếu giữa hai ngả đường Hà Tiên - Nam Vang, binh lửa mới yên, thành trì chưa vững, công việc chính là lúc đương bận rộn. Vậy mà các cơ binh thuộc tỉnh, phần nhiều bỏ trốn, hiện số không còn được bao nhiêu, sợ khi động đụng không đủ người. Những lính đồn điền khi trước, dồn lại thành đội ngũ, cho lệ thuộc hạt khác như hai cơ Định thắng Tả, Hữu và thủy cơ Biên Hòa, đều là người thổ trước trong hạt [An Giang]. Nay xin rút về cho theo tỉnh sai phái để tự phòng thủ lấy” Vua phê: “Đó cũng là việc cần kịp cho trước mắt. Cho làm theo điều thỉnh cầu”[20].
“Thự Tuần phủ An Giang là Lê Đại Cương mật tâu trù tính việc ngoài biên: Xin làm đồn trại nơi Nhu Viễn Đàng thành Nam Vang, phái quan binh trú thủ, làm kế giữ về sau. Lại từ đàng Quang Hóa trở lên giáp Cự Giang, nhiều chỗ không khoán cày được, nên cho những người Chàm (là người Chiêm Thành) bị tội đồ lưu lại xứ Ân Khu và xứ Xâm Bô tới ở đó khai khẩn. Ngài cho”[21].
Tháng 4, quân Xiêm lại động binh uy hiếp Chân Lạp, Lê Đại Cương tâu Vua xin đem quân đánh giữ. “Tổng đốc Trương Minh Giảng, thự phủ Lê Đại Cương ở quân thứ Nam Vang, tâu nói: Dân ta có người từ nước Xiêm trốn về, khi qua Biển Hồ, nghe tiếng súng gần Phủ Lật. Cứ theo chúng nói, thì người Xiêm quả đã động binh, muốn uy hiếp Chân Lạp. Bọn thần hiện đã chỉnh đốn binh thuyền tiến lên để tùy cơ đánh, giữ”[22].
Tháng 5, “Tổng đốc Trương Minh Giảng, Thự phủ Lê Đại Cương ở quân thứ Nam Vang tiến quân đến bến sông thuộc phủ Long Tôn. Giặc Xiêm, các đường thủy, bộ ở mật Vi Xà và Trúc Đồn (đầu đất Xiêm, tiếp giáp cuối địa giới Chân Lạp) nghe quân ta đến, đều bắn sung ra hiệu cho nhau rút lui. Bọn Giảng bèn liệu để lại 300 biền binh đóng vụng ở Xà Năng để làm thanh thế cho đồn Tịnh Biên. Lại sai người Phiên lập ở đấy một tấn sở lớn để phòng thủ. Rồi trở về Nam Vang, đem việc tâu lên”[23].
Tháng 6, Ông được thăng Tham tri bộ Binh, Tuần phủ An Giang, được Minh Mạng giao đưa Vua Cao Miên từ Việt Nam về nước, lưu lại Nam Vang lo việc bảo hộ Cao Miên. “Thăng Bố chính, thự lý Tuần phủ An Giang là Lê Đại Cương, lên làm Tham tri bộ binh, làm Tuần phủ An Giang”[24].
Tháng 7, Đốc, phủ quân thứ Nam Vang, Trương Minh Giảng và Lê Đại Cương tâu với Vua việc phòng giữ về sau, cả thảy 8 điều. Vua đều y cho. “1) Chia đặt quan phiên coi giữ những nơi trọng yếu. Chọn lấy người trội trong các quan Phiên. 2) Xem xét đất phiên thiết lập đồn trại. 3) Lựa lấy lính Phiên. 4) Lựa lấy thổ binh người Chàm. 5)Chỉnh đốn sửa sang đồ quân dụng cho nước Phiên. 6) Chiêu tập cơ binh An Biên. 7) Khám xét các thuyền buôn ở Quảng Biên. 8) Kinh lý biên phòng tỉnh Hà Tiên”[25].
Tháng 8, tiếp tục công việc ở Nam Vang: Trương Minh Giảng và Lê Đại Cương tâu nói: “Nước Phiên mới bắt đầu sửa sang, công việc còn bề bộn. Hai phủ Quảng Biên, Khai Biên đã đặt án phủ sứ, nhưng chưa có lai lịch. Vậy xin đặt ty thừa biện ở thành Nam Vang, 1 chánh cửu phẩm thư lại và 10 vị nhập lưu thư lại, hợp hai phủ Quảng Biên, Khai Biên làm một nha, đặt 1 lại mục và 6 thông lại. Lại xin kế tiếp cấp lương tháng cho những hương dõng đóng giữ thành Nam Vang, đợi các tỉnh Vĩnh Long, Định Tường và An Giang xong việc tuyển lính, sẽ tư đi lấy người thay đổi. Vua đều y theo”[26].
Tháng 11, “Trương Minh Giảng và Lê Đại Cương, đốc, phủ ở quân thứ Nam Vang, tâu xin trích lấy những biền binh ở quân thứ Gia Định để đi đóng giữ An Giang và cho xuống thuyền, diễn tập thủy chiến; những cơ binh mới tuyển được lưu lại, đều cho kế tiếp cấp lương tháng. Vua dụ bảo: Về biền binh trú phòng, quân thứ Gia Định đã phái đi rồi; còn việc tập thủy chiến và việc giản binh lưu lại, điều chuẩn cho như lời đã xin, cốt nên để tâm xếp đặt, cho được chỉnh đốn, để vững mạnh việc biên phòng, xứng đáng với trách nhiệm đã giao cho”[27].
Tháng 12, “Vua Chân Lạp là Nặc Chân chết. Bọn Tổng đốc Trương Minh Giảng, Tuần phủ Lê Đại Cương ở quân thứ Nam Vang tâu lên. Vua dụ: Trương Minh Giảng và Lê Đại Cương quyền làm việc nước Chân Lạp. Phàm những việc lớn như tổ chức binh phòng, cất đặt quan lại, đều phải bẩm rõ để xử trí, không được trái lệnh vượt quyền. Còn những việc nhỏ nhặt tầm thường, cho được hội bàn cùng các quan Phiên mà làm”[28].
 Ất Vị, năm Minh Mệnh thứ 16 (1835), Chân Lạp được Vua Minh Mạng đổi làm Trấn Tây Thành chia ra phủ, huyện.
Tháng giêng, “Sai Tuần phủ An Giang Lê Đại Cương hiệp cùng Tổng Đốc Trương Minh Giảng, kiêm lĩnh ấn bảo hộ nước Chân Lạp”[29].
Tháng 3, Quan bảo hộ ở thành Trấn Tây là Trương Minh Giảng, Lê Đại Cương tâu: “Ở phía nam Cầm Bông Trắc Đà trông qua thấy phía bắc có binh Xiêm đi tuần, nghe vua Chân Lạp mất, Xiêm khiến ông Run đem 300 quân tới Vũng Cần  Sư đóng với người tướng nước Xiêm. Chúng thần thiết tưởng người Xiêm chưa dám làm gì, chẳng qua đem tên Nặc Ông Run làm mồi, dò xem người Chân Lạp thế nào mà thôi. Chúng thần đã sức tên Thi Kê phải phòng bị cho nghiêm ngặt, lại xét các quan Chân Lạp có tên Nhâm Vu là người siêng giỏi, sai phái đắc lực, xin cho nó qua hiệp với bọn Trà Long và La Kiên quyền giữ quốc ấn hội đồng coi việc Chân Lạp. Ngài cho”[30].
Tháng 6, “Lãnh chức bảo hộ là bọn Trương Minh Giảng và Lê Đại Cương ở thành Trấn Tây đem địa đồ thuộc thành và ngoài biên cương thành ấy dâng lên. Vua mở xem, thấy vẽ đường xá, hình thế, rõ rang dễ coi, ban khen. Chuẩn cho xét viên quan Phiên nào đã chỉ dẫn để vẽ thì thưởng cho đồ dung quần áo…”[31].
Tháng 7, Lê Đại Cương được “quyền lĩnh ấn Tổng đốc quan phòng tỉnh An - Hà”[32].
Tháng 10, “Cho quan Tuần phủ An Giang là Lê Đại Cương làm Tham tán Đại thần, nhưng lãnh tuần phủ”[33]. Lê Đại Cương làm Tham tán đại thần và được Vua nhiều lần ban khen làm tốt chức trách điều hành Trấn Tây Thành.
Bính Thân, năm Minh Mệnh thứ 17 (1836), lúc này Lê Đại Cương 65 tuổi. Ông xin Vua cho về hưu, nhưng Vua Minh Mạng không cho, châu phê “Lão đương ích tráng” và dụ gắng sức ở lại làm việc. Tiếp tục làm Tuần phủ An Giang kiêm Trấn Tây Tham tán Đại thần. Vì vậy, Ông tiếp tục trấn thị ở thành Trấn Tây, không chỉ lo việc quân mà còn lo cả việc dân, tích trữ lương thực nuôi quân, đảm bảo an ninh ở vùng đất này.
Đinh Dậu, năm Minh Mệnh thứ 18 (1837), tháng 3, Vua Minh Mạng mật dụ cho Tham tán Lê Đại Cương và tướng quân Trương Minh Giảng thu phục, cảm hoá dân Chân Lạp. Lời dụ viết: “Thành Trấn Tây là nơi trọng yếu ở biên cương, trẫm thương dân như một, muốn khiến dân phiên sớm nhiễm phong tục người Kinh, đều muốn thấm nhuần đức hoá nhà vua, lũ ngươi mình đảm đương gánh nặng, từ trước đến nay tuyên dương đức ý, người phiên đã vui theo giáo hoá chưa? Tình trạng thế nào? Xét xem súc man các phủ, đã nên đổi đặt danh hiệu xã thôn? Cùng các sự việc, việc gì đổi định mà lòng dân phiên đều thoả thuận, nên cứ thực tâu lên, việc nào còn quen tục cũ chưa tiện đổi ngay, không hại thì tạm để theo cũ, nên làm thế nào yên ủi dạy dỗ, khiến cho chúng chịu ảnh hưởng ngày càng cảm hoá mà không tự biết, mới là cách tốt dùng thói Kinh biến hoá thói man rợ, nên khéo xét mà làm”[34].
Mậu Tuất, năm Minh Mệnh thứ 19 (1838), tháng giêng, “Án phủ là Phạm Ngọc Oánh, Hiệp lý là Đoàn Đức Giảng ở đạo Hải Đông phái vận lương thực, đạn dược đến quân thứ, khi đến đường rừng Ca Thi bị giặp cướp mất, biền binh gián hoặc có người bị thương, bị chết, quan thành ấy là bọn Đoàn Văn Phú đem việc tâu lên”[35]. Vua truyền chỉ quở mắng Lê Đại Cương và Trương Minh Giảng.
Tháng hai, Lê Đại Cương có tội, bị cách, phái theo quân thứ Hải Đông hiệu lực. “Tuần phủ An Giang sung làm Tham tán Trấn Tây là Lê Đại Cương có tội bị miễn chức, cho quyền hộ Tổng đốc Long Tường là Dương Văn Phong đổi lĩnh Tuần phủ An Giang, sung làm Tham tán đại thần ở thành Trấn Tây”. Vua vụ rằng: “Lê Đại Cương trước làm Tổng đốc An Hà, có tội bị cách nhiều lần, được khởi phục đến chức tuần phủ An Giang, lại uỷ cho giữ chức Tham tán ở Trấn Tây, long trọng biết chường nào? Chính phải trình bày mưu mô để chuộc lỗi trước. Thế mà từ trước đến nay, ở thành đã lâu ngày, mà công việc ở ngoài biên, nên chăng chỉ theo người. Nay dân Man không yên, quấy rối ở biên giới, lại sợ việc, sợ khó nhọc,… chuẩn cho cách chức, cho làm thuộc viên thành Trấn Tây, phái đi theo quân thứ ở Hải Đông làm việc chuộc tội”[36]. Loạn người Cao Miên nổi lên ở Hải Đông, Khai Miên, thổ binh Cao Miên ở đây theo loạn đảng, Lê Đại Cương bị quy tội “khinh nhờn”, bị cách chức tuần phủ An Giang, kiêm trấn tây tham tán đại thần, phải theo quân thứ Hải Đông hiệu lực. Trương Minh Giảng cũng bị quy tội bao che cho Lê Đại Cương cũng bị khiển trách. Tại đạo Trà Di, quân thứ Hải Đông, Lê Đại Cương đã đứng ra huấn luyện quân đội ở đây từ yếu thành mạnh, có sức chiến đấu cao, rồi đem quân kéo tới hợp với binh triều của Trương Minh Giảng, Dương Văn Phong đánh dẹp loạn đảng và giặc Xiêm.
Tháng 3, Trương Minh Giảng và Dương Văn Phong đem tình hình đánh giặc tâu với Vua Minh Mạng mong vua cho Lê Đại Cương đoái công chuột tội nhưng Vua không bằng lòng, có truyền rằng: “Đại cương bị tội cách lưu, sao dám tự tôn mình là Đại tướng? Chẳng sợ phép nước, chẳng kể công luận. Vậy Đại Cương phải tội trảm giam hậu (xử vào tội giảo, nhưng cho giam lại chờ xét xử sau) Trương Minh Giảng gián xuống làm binh bộ thượng thư, còn Dương Văn Phong gián ba cấp”[37].
Lê Đại Cương còn bị Vua ra lệnh bắt xích ngay giải về Kinh, giao cho bộ Hình nghiêm nghị. “Lê Đại Cương xuất thân hèn mọn, có công lao đã từng cất làm Tổng đốc An - Hà, ơn nước sâu nặng biết bao, thế mà trước đây Nam Kỳ có việc biến động cùng với Lê Phúc Bảo cùng đem đại binh tiến đánh, chưa thấy giặc mà chạy, toàn quân chết hết, bèn bỏ thành trốn, không lấy bờ cõi làm lo nghĩ, tội ấy đã không tha giết, tạm nghĩ trong lúc dùng quân nên cho tự sữa đổi, đặc ân cho gián cách, chưa bao lâu lại được khôi phục, làm đến chức Trấn Tây Tham tán đại thần, lại kiêm Tuần phủ An Giang, thế mà không biết tuyên dương đức hoá để đến nổi người Thổ nổi lên như ong quấy rối, điềm nhiên không biết xét làm việc để lo cho vua cha, pháp luật không thể tha được, bèn cách chức, phát đến trại quân gán sức chuột tội, chính phải cầm khí giới đi trước xông lên giết giặc, vẫn chưa thể báo được mãi mai, lại nghiễm nhiên theo địa vị đại tướng, tuỳ ý phóng túng chỉ bảo. Kìa như triều đình thưởng người có công, phạt người có tội, pháp kỹ rõ ràng, đã phải cách chức làm lính thì thân mình còn có quan chức gì sao được bừa bãi như thế. Không ngờ một kẻ già yếu không có tài lại dám trên không sợ phép nước, dưới không nghĩ công luận, quá đến như thế, nếu không trị tội sao tỏ được hình pháp. Lê Đại Cương phải bắt xích ngay giải về kinh, Giao cho bộ hình nghiêm nghị”[38]. Đây là biến cố lớn trong cuộc đời của Lê Đại Cương. Một tấm lòng luôn vì dân, vì nước, nhưng cuối đời phải chịu tội “trảm giam hậu”. Đây cũng là tấn bi kịch chung cho những người tài giỏi.
Bảng Âm lịch và Dương lịch về đóng góp quân sự của Tổng đốc An - Hà
Lê Đại Cương từ năm 1832 - 1838
Âm lịch
Dương lịch
Đóng góp về quân sự của Tổng đốc An - Hà Lê Đại Cương từ năm 1832 - 1838
Nhâm Thìn
1832
Tháng 11, Lê Đại Cương làm Tổng đốc An - Hà kiêm lĩnh ấn “bảo hộ Chân Lạp quốc”.
Quý Tỵ
1833
- Tháng giêng, để giữ gìn an ninh tốt hơn, Lê Đại Cương cùng Nguyễn Văn Quế xin triều đình cho thêm kinh binh.    
- Tháng 3, Lê Đại Cương tiến cử với Vua cho Hồ Công Chỉ lĩnh chức Chủ sự Bộ Binh. Cũng trong tháng 3, Theo tin thám được Ông nghi là quân Xiêm định tiến đánh nên phái binh đến thành Nam Vang trấn áp.
- Tháng 4, Tổng đốc An - Hà Lê Đại Cương, Tuần phủ An Giang là Ngô Bá Nhân tâu xin dồn bổ các lính ở đồn điền cũ vào 4 cơ thuộc tỉnh là An nghị tả, An nghị hữu, An nghị tiền, An nghị hậu, đặt mỗi cơ 1 phó quản cơ, lấy các nguyên Chánh phó trưởng chi bổ làm Cai đội thí sai, Phó quản cơ. Vua y cho.
- Tháng 5, Lê Đại Cương đề phòng biên giới bị xâm lược nên ông lo xây đắp thành tỉnh An Giang và lấy đồn làm phủ lỵ để được hùng tráng.
- Tháng 6, Nhà vua ra lệnh cho Lê Đại Cương hợp sức đánh dẹp cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi
 - Quân của Lê Văn Khôi chiếm được tỉnh thành Định Tường “Tổng đốc An - Hà Lê Đại Cương ở Định Tường nghe tin, lập tức dẫn đại đội binh thuyền lui về phía song Ba Lầy (thuộc huyện Kiến Đăng, giáp đầu tỉnh An Giang). Binh và dân giữ Định Tường, đều xao xuyến, chạy trốn hết. Phúc Bảo ngồi một chiếc thuyền, lui đậu ở bến sông ngoài thành, bị quân giặc đuổi đến bức bách phải chạy về Vĩnh Long trước”. “Lê Đại Cương, Lê Phúc Bảo đều làm tớ tâu xin chịu tội.
- Tháng 8, Lê Đại Cương bị cách chức, từ Tổng đốc xuống làm lính đánh trận lập công.
- Tháng 9, Bình khấu đạo tướng quân là Trần Văn Năng, Tham tán là Lê Đăng Doanh ở quân thứ Gia Định tâu xin: “Tạm quyền cấp cho viên quan bị cách chức là Lê Đại Cương vẫn quản lĩnh binh võng dưới quyền được ở trong quân để đua sức làm việc. Vua ưng cho.
- Tháng 10, Quân lính của Lê Văn Khôi liều chết ra khỏi thành chiến đấu, quan quân bắt và chém không được nhiều, mà mình lại bị thương và chết đến hơn trăm, thế là lợi bất cập hại! “Lê Đại Cương, Vũ Phi Giám có nhiệm vụ chia giữ đồn tấn đều bị gián 2 cấp.
- Tháng 12, Lê Đại Cương được phục chức.
Giáp Ngọ
1834
- Tháng 3, quân Xiêm lại động binh uy hiếp Chân Lạp, quân của Lê Đại Cương phối hợp với quân của Trương Minh Giảng đánh đuổi quân Xiêm ra khỏi Cao Miên.
- Tháng 4, Quân Xiêm lại động binh uy hiếp Chân Lạp, Lê Đại Cương tâu Vua xin đem quân đánh giữ.
-Tháng 5, “Tổng đốc Trương Minh Giảng, Thự phủ Lê Đại Cương ở quân thứ Nam Vang tiến quân đến bến sông thuộc phủ Long Tôn. Giặc Xiêm, các đường thủy, bộ ở mật Vi Xà và Trúc Đồn (đầu đất Xiêm, tiếp giáp cuối địa giới Chân Lạp) nghe quân ta đến, đều bắn sung ra hiệu cho nhau rút lui. Bọn Giảng bèn liệu để lại 300 biền binh đóng vụng ở Xà Năng để làm thanh thế cho đồn Tịnh Biên. Lại sai người Phiên lập ở đấy một tấn sở lớn để phòng thủ. Rồi trở về Nam Vang, đem việc tâu lên”.
- Tháng 6, ông được thăng Tham tri bộ Binh, Tuần phủ An Giang.
- Tháng 7, Trương Minh Giảng và Lê Đại Cương tâu với Vua việc phòng giữ về sau, cả thảy 8 điều. Vua đều y cho.
- Tháng 8, Ông tiếp tục công việc ở Nam Vang.
- Tháng 11, Trương Minh Giảng và Lê Đại Cương, đốc, phủ ở quân thứ Nam Vang, tâu xin trích lấy những biền binh ở quân thứ Gia Định để đi đóng giữ An Giang và cho xuống thuyền, diễn tập thủy chiến; những cơ binh mới tuyển được lưu lại, đều cho kế tiếp cấp lương tháng.
- Tháng 12, Vua Chân Lạp là Nặc Chân chết. Vua cho Trương Minh Giảng và Lê Đại Cương quyền làm việc nước Chân Lạp nhưng không được trái lệnh vượt quyền.
Ất Vị
1835
 - Tháng giêng, Tuần phủ An Giang Lê Đại Cương hiệp cùng Tổng Đốc Trương Minh Giảng, kiêm lĩnh ấn bảo hộ nước Chân Lạp.
- Tháng 6, “Lãnh chức bảo hộ là bọn Trương Minh Giảng và Lê Đại Cương ở thành Trấn Tây đem địa đồ thuộc thành và ngoài biên cương thành ấy dâng lên. Vua mở xem, thấy vẽ đường xá, hình thế, rõ rang dễ coi, ban khen.
- Tháng 7, Lê Đại Cương được quyền lĩnh ấn Tổng đốc quan phòng tỉnh An Giang - Hà Tiên.
- Tháng 10, Tuần phủ An Giang là Lê Đại Cương làm Tham tán Đại thần, nhưng lãnh tuần phủ.
Bính Thân
1836
 - Ông tiếp tục trấn thị ở thành Trấn Tây, không chỉ lo việc quân mà còn lo cả việc dân, tích trữ lương thực nuôi quân, đảm bảo an ninh ở vùng đất này.
Đinh Dậu
1837
- Tháng 3, Lê Đại Cương nhận mật dụ của Vua Minh Mạng về thu phục, cảm hoá dân Chân Lạp.
Mậu Tuất
1838
 - Tháng 2, Lê Đại Cương có tội, bị cách, phái theo quân thứ Hải Đông hiệu lực.
 - Tháng 3, Lê Đại Cương chịu tội trảm giam hậu.
Lê Đại Cương là một danh tướng luôn hết lòng vì dân, vì nước. Ông nổi tiếng là một kẻ sĩ liêm chính, cương trực, một tấm gương “tôi trung, con hiếu”. Khi làm Tổng đốc An - Hà kiêm lĩnh ấn “bảo hộ Chân Lạp quốc”, Ông Tham gia đánh giặc lập nhiều chiến công như: đánh dẹp cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi, đánh đuổi quân Xiêm, loạn đảng người Cao Miên bảo vệ vùng đất An Giang. Sự góp công của Lê Đại Cương cùng với hệ thống các chính sách tương đối toàn diện của nhà Nguyễn đã tạo nên sức mạnh và nguồn lực tổng hợp hỗ trợ cho công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ ở Nam Bộ, tạo nên sức mạnh quân sự đánh bại các đội quân xâm lược. “Lê Đại Cương được sử sách triều Nguyễn đánh giá là có nhiều công lao trong xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước dưới thời vua Minh Mạng, nhất là trên mảnh đất biên viễn phương Nam, nơi ông từng cầm binh đánh giặc ngoại xâm Xiêm La, giữ yên bờ cõi nước ta và bảo vệ nền độc lập của nước Chân Lạp”[39]. Với những công lao đóng góp cùng với tài năng và đức độ của Ông cho phép chúng ta khẳng định: Lê Đại Cương là một danh nhân, một bậc quốc sĩ, là một nhân vật lịch sử sáng giá để lại cho hậu thế ngày sau noi theo.
Nguồn: vanhien.vn
______________________________ 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Đại Cương (2011), “Lê thị gia phả”, Nxb Dân Trí, Hà Nội.
2. Cao Xuân Dục (2005), “Đại Nam chính biên liệt truyện, Tập 5” (Bản dịch của Quốc sử quán triều Nguyễn), Nxb. Văn học.
3. Cao Xuân Dục (1998), “Quốc triều chính biên toát yếu”, Nxb Thuận Hoá - Huế.
4. Cao Xuân Dục (2002), “Quốc triều sử toát yếu, Tập 3” (Bản dịch của Quốc sử quán triều Nguyễn và Hoàng Văn Lâu), Nxb. Văn học.
5. Quốc sử quán triều Nguyễn (2013), “Đại Nam nhất thống chí, Tập 1”, Nxb Thuận Hóa.
6. Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), “Đại Nam thực lục, Tập 3”, Nxb Giáo dục.
7. Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục, Tập 4, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
8. Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), “Đại Nam thực lục, Tập 5”, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
9. Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), “Đại Nam thực lục, Tập 6”, Nxb Giáo dục.
10. Đặng Hoài Dũng (2016), Lê Đại cương vị Tổng đốc An Hà đầu tiên, Truy cập từ ttp://thuvienangiang.com/tintucchitiet.php?id=410&ncm=25&cm=76, ngày cập nhật 12/5/2016.
[1] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), “Đại Nam thực lục, Tập 3”, Nxb Giáo dục, tr. 426-427
[2] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), “Đại Nam thực lục, Tập 3”, Nxb Giáo dục, tr. 466-467
[3] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), “Đại Nam thực lục, Tập 3”, Nxb Giáo dục, tr. 487
[4] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), “Đại Nam thực lục, Tập 3”, Nxb Giáo dục, tr. 490
[5] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), “Đại Nam thực lục, Tập 3”, Nxb Giáo dục, tr. 504-505
[6] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), “Đại Nam thực lục, Tập 3”, Nxb Giáo dục, tr. 516
[7] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), “Đại Nam thực lục, Tập 3”, Nxb Giáo dục, tr. 532
[8] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), “Đại Nam thực lục, Tập 3”, Nxb Giáo dục, tr. 583-584
[9] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập 3, Nxb Giáo dục, tr. 601-603
[10] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập 3, Nxb Giáo dục, tr. 606-607
[11] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập 3, Nxb Giáo dục, tr. 625
[12] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập 3, Nxb Giáo dục, tr. 700
[13] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập 3, Nxb Giáo dục, tr. 707-708
[14] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), “Đại Nam thực lục, Tập 3”, Nxb Giáo dục, tr. 708
[15] Lê Đại Cương (2011), “Lê thị gia phả”, Nxb Dân Trí, Hà Nội, tr. 75
[16] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), “Đại Nam thực lục, Tập 3”, Nxb Giáo dục, tr. 755
[17] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), “Đại Nam thực lục, Tập 3”, Nxb Giáo dục, tr. 844
[18] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), “Đại Nam thực lục, Tập 3”, Nxb Giáo dục, tr. 851
[19] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), “Đại Nam thực lục, Tập 3”, Nxb Giáo dục, tr. 945
[20] Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), “Đại Nam thực lục, Tập 4”, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr. 134
[21] Cao Xuân Dục (2002), “Quốc triều sử toát yếu, Tập 3”, Nxb. Văn học. tr. 226
[22] Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), “Đại Nam thực lục, Tập 4”, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr. 172
[23] Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), “Đại Nam thực lục, Tập 4”, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr. 182
[24] Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), “Đại Nam thực lục, Tập 4”, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr. 253
[25] Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), “Đại Nam thực lục, Tập 4”, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr. 297-299
[26] Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), “Đại Nam thực lục, Tập 4”, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr. 336
[27] Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), “Đại Nam thực lục, Tập 4”, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr. 420
[28] Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), “Đại Nam thực lục, Tập 4”, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr. 475
[29] Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), “Đại Nam thực lục, Tập 4”, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr. 493
[30] Cao Xuân Dục (2002), “Quốc triều sử toát yếu, Tập 3”, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 245
[31] Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), “Đại Nam thực lục”, Tập 4, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr. 701
[32] Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), “Đại Nam thực lục”, Tập 5, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr. 141
[33] Cao Xuân Dục (2002), “Quốc triều sử toát yếu, Tập 3”, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 255
[34] Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), “Đại Nam thực lục, Tập 5”, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr. 58
[35] Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), “Đại Nam thực lục, Tập 5”, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.238-239
[36] Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), “Đại Nam thực lục, Tập 5”, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.259
[37] Cao Xuân Dục (1998), “Quốc triều chính biên toát yếu”, Nxb. Thuận Hoá - Huế, tr. 291-292
[38] Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), “Đại Nam thực lục, Tập 5”, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.298
[39] Lê Đại Cương (2011), “Lê thị gia phả”, Nxb Dân Trí, Hà Nội, tr. 5-6.

No comments:

Post a Comment

Bài đăng nổi bật

HỌC TẬP VÀ NOI GƯƠNG BÁC TÔN LÀ VIỆC LÀM THIẾT THỰC TRONG HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH BÁC HỒ

Giữa lúc Đảng bộ và nhân dân An Giang đang đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ, chúng ta càng nhớ đến Bác Tôn...

Bài đăng phổ biến