Friday, November 9, 2018

NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA TỔNG ĐỐC - TUẦN PHỦ LÊ ĐẠI CƯƠNG TRONG XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN VÀ ĐOÀN KẾT DÂN TỘC Ở AN GIANG 1832 - 1838

Tác giả: Trần Văn Đông, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh An Giang.


Lê Đại Cương (1771-1847) quê thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, sinh ra trong một gia tộc nhà nho nghèo, gặp lúc binh lửa can qua, lại sớm mồ côi cha mẹ, bằng con đường tự học và khổ luyện, ông đã trở thành một danh sĩ văn võ toàn tài và đem tài năng ra giúp nước.
Suốt hơn 40 năm làm quan dưới ba triều vua Nguyễn (Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị), ông đã ghi dấu ấn khắp hai miền Nam Bắc. Ông từng làm Quyền Tổng trấn Bắc Thành, Tổng đốc Sơn Tây - Hưng Hóa - Tuyên Quang, Thượng thư bộ Binh, Tổng đốc An Giang - Hà Tiên, Tuần phủ An Giang, Trấn Tây Tham tán Đại thần bảo hộ Chân Lạp, …
Lê Đại Cương được sử sách triều Nguyễn và các nhà nghiên cứu lịch sử sau này đánh giá là có nhiều công lao trong xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, nhất là ở vùng đất An Giang - Hà Tiên phía Tây Nam tổ quốc.Ông cầm quân đánh giặc Xiêm La, giữ yên bờ cõi nước ta và tham gia bảo vệ nền độc lập của nước Chân Lạp từ năm 1832 - 1838.
Trong nội dung bài viết này, tôi nêu lên những đóng góp của Lê Đại Cương từ năm 1832 - 1838 trong phát triển kinh tế - xã hội và đoàn kết dân tộc trên địa bàn tỉnh An Giang.
I. Lê Đại Cương trong xây dựng chính quyền ở vùng đất mới
Năm 1832, tỉnh An Giang được thành lập tách từ trấn Vĩnh Thanh. Đây là đất mới khai khẩn chưa đặng bao lâu, là vùng biên địa có nhiều dân tộc, là cửa ngỏ thông qua Chân Lạp, Xiêm La. Vua Minh Mạng đã chọn Lê Đại Cương
Qua lời phủ dụ trên đây, vua Minh Mạng rất coi trọng và đánh giá cao tài năng và kinh nghiệm của Lê Đại Cương trong quản lý và xây dựng chính quyền hai tỉnh An Giang và Hà Tiên mới vừa thành lập là vô cùng quan trọng trong chiến lược mở mang đất nước. Hơn nữa đây là vùng đất biên thùy giáp Chân Lạp và Xiêm La luôn bất ổn về chính trị, chiến tranh rình rập và sẵn sàng nổ ra bất cứ lúc nào.
Khi đến vùng đất mới An Giang, Tổng đốc Lê Đại Cương đã thực hiện nhiều vấn đề quan trọng và cấp bách như:
1. Củng cố đội ngũ quan lại
Ngoài các chức quan hiện có tại tỉnh An Giang, Lê Đại Cương đã xin triều đình bổ sung thêm những quan lại có khả năng thực thi nhiệm vụ tốt nhất chẳng những ở An Giang mà có khả năng giúp quản lý bảo hộ Chân Lạp. Yêu cầu này được vua Minh Mạng đồng ý. Điển hình là nhà vua cho Hồ Công Chỉ lĩnh chức Chủ sự Bộ Binh: “Cho Tư vụ thự Chủ sự là Hồ Công Chỉ làm Chủ sự bộ Binh, theo Tổng đốc và Tuần phủ An - Hà (An Giang- Hà Tiên) kiêm lĩnh Bảo hộ là Lê Đại Cương và Ngô Bá Nhân làm việc công thành Nam Vang. Hồ Công Chỉ, trước đây do chức thự Tư vụ làm việc ở Binh tào thành Gia Định cũ, nhân việc đưa người Xiêm gặp nạn về nước, do thám được tình hình nước ấy, biên chép rõ ràng. Vua sai vời về Kinh, hỏi lại.Chỉ tấu đối rất tường tận.Vua khen, liền cho thực thụ Tư vụ, thự Chủ sự và thưởng 15 lạng bạc. Đến bấy giờ lũ Lê Đại Cương cho Chỉ là người lanh lẹ, được việc lại am hiểu tình hình biên giới, xin bổ chức ấy”[2].
2. Huấn luyện quân đội
Nhiệm vụ huấn luyện quân đội, xây dựng đồn lũy luôn được Lê Đại Cương đặt lên hàng đầu. Ngay từ những ngày đầu tiên về nhận Tổng đốc An Hà, ông đã khảo sát toàn tuyến phòng thủ của hai tỉnh, đặc biệt trên kinh Vĩnh Tế, các đồn trên sông Tiền, sông Hậu,…và có những kiến nghị với triều đình gia cố thêm hoặc bỏ bớt những nơi không cần thiết nhằm tập trung quân những nơi cần thiết. Những đề xuất của Lê Đại Cương hầu như được vua Minh Mạng đồng ý cho thực hiện.
Điển hình như tháng 7-1834 cho xây ba đồn mới: đồn Vĩnh Tế, đồn Vĩnh Ngươn, đồn Châu Phú[3], hoặc đến tháng 6-1835, tỉnh An Giang có 11 thủ sở, Lê Đại Cương đề nghị giữ lại 06 thủ sở xung yếu: Tân Châu, An Lạc ở Tiền Giang, Châu Giang, Cường Thắng, Trấn Di ở Hậu Giang và Mỹ Thanh. Còn 05 thủ sở: Cường Thành, Cường Uy, Thuận Phiếm, Vĩnh Hùng và Trấn Giang đều bỏ. Vua y theo đề nghị[4].
Ngoài ra, Lê Đại Cương còn đề nghị về luân phiên thay đổi các đạo binh của tỉnh Gia Định, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên làm nhiệm vụ quốc tế ở Nam Vang nhằm duy trì sức chiến đấu của quân sĩ cũng như sản xuất tại nơi đóng quân. Đề nghị nàyhợp tình hợp lý, được các tỉnh và quân binh ủng hộ, vua Minh Mạng chấp thuận ngay. Đây là một chính sách khôn khéo hợp lòng dân. Từ đó, lý giải vì sao Lê Đại Cương trấn nhậm ở An Giang được nhiều năm như vậy vì theo vua Minh Mạng chủ trương cho các quan luân chuyển liên tục để tránh các vấn nạn xảy ra.
Cũng từ những ý tưởng thương quân dân nêu trên, Lê Đại Cương đã cho thuộc hạ chiêu tập được 10 đội quân Phiên đóng quân tạm tại đồn Châu Đốc, vua ưng cho và đặt tên là cơ An Biên.
3. Sửa chữa thành Châu Đốc
Khi vua Gia Long lên ngôi năm 1802, vùng đất An Giang thuộc trấn Vĩnh Thanh. Năm Gia Long thứ 15 (1817), thành Châu Đốc[5] được Lưu Phước Tường (trấn thủ Vĩnh Thanh) chỉ huy xây dựng đầu tiên, sau đó được tu bổ nhiều lần.Đây cũng là nơi làm việc của quan Thống chế Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại từ năm 1818 đến năm 1828, sau đó là quan bảo hộ Tuyên Trung Hầu Nguyễn Văn Tuyên. Năm 1832, tỉnh An Giang được thành lập, các cơ quan của tỉnh đều ở tại thành Châu Đốc.
Vào tháng 4-1834, Tuần phủ Lê Đại Cương vâng lệnh triều đình cho đắp lại thành Châu Đốc. Thành có chiều rộng 60 trượng, chiều dài 140 trượng, Lê Đại Cương cho cắt 80 trượng của chiều dài, thành còn lại hình vuông 60x60 trượng, mặt hướng ra bờ sông Châu Đốc. Và thành này tồn tại đến năm 1867 bị thực dân Pháp xâm chiếm và hủy thành sau đó.
4. Xây thành An Giang
Thành An Giang đã được chính sử nhà Nguyễn ghi chép khá rõ, nhất là trong Đại Nam thực lục: Chủ trương xây thành An Giang có từ tháng giêng năm 1833, địa điểm tại thôn Long Sơn (thị xã Tân Châu ngày nay).Tháng 3-1833, xây dựng tỉnh thành An Giang, Tổng đốc An - Hà là Lê Đại Cương, Tuần phủ An Giang là Ngô Bá Nhân tâu nói: “Chỗ đất thành mới, bên tả gần sông dài, đằng trước, đằng sau và bên hữu đều là rừng rậm. Trước phải chặt cây phát rừng, rồi mới có thể khởi công. Vả lại đằng trước và bên hữu nên đào thủy đạo để lấy đất đắp thành quách, nền hành cung, nhà kho, dinh thự và làm chỗ cho sau này nhân dân dựng nhà ở chung quanh. Nhưng công trình này khó khăn to lớn, xin mướn một phần ba dân ở 4 huyện Vĩnh An, Vĩnh Định, Đông Xuyên, Tây Xuyên thuộc bản hạt, và ½ dân huyện Vĩnh Bình thuộc Vĩnh Long và Kiến Đăng thuộc Định Tường góp sức cùng làm. Vua cho rằng: “Thời tiết đã muộn, nên xuống dụ bảo phải gia tâm đốc thúc làm nhanh, cho khỏi đến kỳ mưa lụt khó làm”[6].
Việc xây thành An Giang dự định trong vài tháng xong, nhưng phải dừng lại nửa chừng do nổi loạn của Lê Văn Khôi ở Gia Định và lan ra các tỉnh Nam kỳ.Việc này được ghi rõ: “Vua truyền dụ Tổng đốc An Hà Lê Đại Cương lập tức xét theo số binh và dân hiện đang làm việc xây thành, cấp khí giới tiền lương, vát lấy nhiều thuyền, đốc thúc quan quân, hương dõng thuận dòng xuôi xuống, hội quân Long Tường cùng đi đánh dẹp”[7]. Và rồi thành Châu Đốc (tỉnh An Giang) thất thủ, Lê Đại Cương bị cách chức Tổng đốc An Hà.Như vậy, thực tế thành An Giang có xây, nhưng bỏ dở giữa chừng rồi hoang phế. Hiện nay, địa điểm thành An Giang cũ là ngôi chùa Giồng Thành (Long Hưng Tự) được xếp hạng di tích quốc gia.
5. Xây thành Trấn Tây tháng 3-1835
Với tư cách là Tuần phủ An Giang kiêm Trấn Tây tham tán đại thần, Lê Đại Cương đã cùng quan Tướng quân Trương Minh Giảng chỉ huy xây thành Trấn Tây ở Nam Vang để ổn việc giúp đất nước Chân Lạp vừa trải qua cuộc chiến tranh xâm lược của quân Xiêm La.
6. Tổ chức nạo vét sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao
Tháng 3-1833, Tổng đốc An Hà Lê Đại Cương đề xuất nạo vét lại đoạn sông Tiền từ Tân Thành đến sông Hậu đoạn Châu Đốc dài hơn 3.800 trượng. Thời gian thực hiện trong tháng là xong. Về nhân lực lao động, ngoài dân An Giang, triều đình cho mướn thêm ½ dân 5 huyện Vĩnh Trị, Tân Minh, Bảo An thuộc Vĩnh Long và Kiến Hưng, Kiên Hòa thuộc Định Tường đến thi công. Khi chủ trương nạo vét lại các sôngnày, Lê Đại Cương phải đi thuyền khảo sát từ phủ Tân Thành (Sa Đéc hiện nay) đi qua sông Vàm Nao và ngược lên Châu Đốc.
Việc nạo vét sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Nao đã tạo điều kiện cho việc điều binh khi có chiến tranh và thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân.
7. Làm đường bộ
Tháng 8-1835, Tuần phủ An Giang Lê Đại Cương chỉ huy hoàn thành ba con đường bộ quan trọng của tỉnh là:
- Từ trạm Giang Phúc (Châu Đốc) đi Vĩnh Long dài 25.800 trượng.
- Từ Châu Đốc đi Hà Tiên dài 14.500 trượng.
- Từ Châu Đốc đi Trấn Tây dài 14.900 trượng.
Ba con đường làm xong đã thuận lợi nhiều mặt cho quan quân và nhân dân dễ dàng đi lại.
8. Chăm lo phát triển kinh tế- xã hội
Đây là một nội dung lớn với vai trò Tổng đốc rồi Tuần phủ An Giang suốt 06 năm trời Lê Đại Cương đã có những đề xuất tạo thuận lợi cho người dân được nhà vua chấp thuận như: Hỗ trợ dân nghèo; mua gạo giá cao thỏa thuận để dự trữ; bỏ lệ cấm bán gạo muối qua Trấn Tây- thông thương tự do;quy định ghe thuyền của An Giang và Trấn Tây sơn mùa lụt để phân biệt ghe thuyền các tỉnh; đề xuất đóng thuế một đầu ở Nam kỳ lục tỉnh (tránh đánh thuế nhiều lần gây thiệt hại cho dân, ...). Những việc làmcủa Tổng đốc Tuần phủ Lê Đại Cương - người đứng đầu tỉnh An Giang đã tác động rất lớn đến tâm lý người dân trong việc trồng lúa và buôn bán lúc bấy giờ.
9. Tham gia đo đạc địa bộ tỉnh An Giang năm 1836
Đến tháng 6-1836, nhà Nguyễn đo đạc xong địa bạ Nam Kỳ trong đó có tỉnh An Giang (An Giang làm trong 01 tháng), những người chỉ huy thực hiện công trình này đều được khen thưởng. Đây là công trình lớn của triều Nguyễn, qua đó, giúp chúng ta biết được về thực trạng đất đai, con người và các nội dung khácliên quan đến đất đai, địa bạ của tỉnh An Giang lúc bấy giờ. Lê Đại Cương với tư cách người đứng đầu tỉnhđã tích cực chỉ đạo thuộc quyền tham gia công tác đo đạc địa bộ tỉnh An Giang năm 1836.
10. Lập phủ Ba Xuyên
Phủ Ba Xuyên trước đây là phủ Ba Thắc, thường quan đầu phủ triều đình bố trí người Phiên quản lý.Tháng 7-1835, vua Minh Mạng quyết định đổi tên từ phủ Ba Thắc thành phủ Ba Xuyên trực thuộc tỉnh An Giang. Tuần phủ Lê Đại Cương trực tiếp điều hành phủ mới này, ông đã lập được mới 07 thôn với sổ đinh 116 người, sổ bộ điền 624 mẫu[8].
II. Đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia
1. Chống bạo loạn Lê Văn Khôi, đánh giặc ngoại xâm
Dấu ấn lớn nhất trong cuộc đời làm quan của Lê Đại Cương là để mất thành An Giang và Hà Tiên vào tháng 5-1833 do cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi. Ông bị cách chức Tổng đốc An Hà, nhưng với ý chí kiên cường ông đã vận dụng tài thao lược, tập hợp lại đạo binh mới do chính ông huấn luyện đồng thời phối hợp với hùng binh của triều đình đánh tan quân bạo loạn, chiếm lại thành An Giang ổn định tình hình. Từ An Giang, ông chỉ huy đạo binh tiến về giải vây thành Gia Định.
Cũng từ thời điểm này, Lê Đại Cương được lệnh của triều đình chỉ huy đạo quân đánh đuổi giặc Xiêm La đang xâm lược nước ta từ nhiều hướng. Với những thắng lợi liên tục, Lê Đại Cương và các tướng lĩnh khác đánh thắng giặc Xiêm nhiều trận, đẩy chúng về biên giới Chân Lạp – Xiêm La, giữ vũng toàn vẹn độc lập dân tộc, đồng thời giúp chính quyền Chân Lạp giải phóng ách xâm lược của giặc Xiêm La từ bao đời.
Do lập được nhiều chiến tích nên chỉ trong vòng 4 tháng cuối năm 1833, Lê Đại Cương được thăng 04 chức vụ liên tục: Binh bộ Viên ngoại lang kiêm Phó lãnh binh; Án sát sứ; Bố chính sứ kiêm Lãnh binh; Thự Tuần phủ An Giang. Đến giữa năm 1835, ông chính thức được bổ nhiệm Tuần phủ An Giang kiêm Trấn Tây tham tán đại thần.Chức vụ này được duy trì đến tháng 02-1838.
Khi nhớ về cuộc chiến tranh chống xâm lược Xiêm La nói trên, trong Lê thị gia phả Lê Đại Cương ghi nhận như sau: “Mùa xuân năm Minh Mạng thứ 14, vừa nhậm chức được 5 tháng thì Phiên thành (chỉ Gia Định) có loạn, giặc chiếm cứ lan tràn ra các tỉnh Định Biên, Long Tường, một mình tôi điều động binh thuyền chống cự ở vùng tiếp giới, thế giặc liều lĩnh điên cuồng, đành phải rút lui về Châu Đốc để chờ viện binh của triều đình. Một đêm binh sĩ tứ tán khó bề cố thủ. Tôi nghĩ, muốn dược chữ nhân thì việc sống chết phó cho trời, chi bằng lập kế sách thu hiệu quả về sau, giành lại các vùng đất bị mất. Tôi bèn dẫn mấymươi người tùy tùng lánh vào đất Chế Lăng của Cao Miên, chiêu tập thêm người Việt xiêu tán cùng người Miên, gần hai ngàn người quyết chí theo tôi. Tôi huấn luyện kỹ càng biến dân ô hợp thành đội quân chính quy, nuôi chí triêm cừu, cùng sống với họ như anh em. Đoạn theo đường Long Tường kéo binh về tỉnh An Giang, giao chiến với giặc tại Lô Tư, đánh vào Cẩm Đàm. May gặp quân triều ở đấy, giặc liều chết giữ côthành Gia Định. Tôi cùng các đạo quân ta chia các nẻo tấn công vào những nơi chúng chiếm cứ.
Cuộc đời đã trải qua của tôi chưa hề gặp sự gian hiểm nào như lúc này. Nhưng gánh nặng biên cương, sự thất bại ở góc trời Đông để mất thành An Giang trước đây tội không nhẹ….
Mùa Đông năm ấy (1833), giặc Xiêm La tiến đánh Cao Miên, vua Miên bỏ kinh thành Nam Vang mà chạy sang ta. Các đạo quân ta vâng lệnh đánh trả, tiến phát về Nam Vang bằng đường thủy.Riêng tôi vâng mệnh chặn giặc bằng đường bộ ở Quang Hóa. Tôi đưa quân vào rừng sâu đoạt địa thế hiểm yếu, bất chấp sơn lam chướng khí, chiến đấu ngoan cường, cùng các đạo quân khác quét giặc Xiêm về tận biên giới Xiêm La, thu hồi lại toàn bộ lãnh thổ Cao Miên…[9]
2. Tham gia bảo hộ Chân Lạp từ năm 1834-1838
Với chức trách Tuần phủ - người đứng đầu tỉnh An Giang và kiêm Trấn Tây tham tán đại thần, Lê Đại Cương đã làm tốt nhiệm vụ của mình là xây dựng tỉnh An Giang phát triển ngày ổn định vững mạnh sau chiến tranh loạn lạc, đồng thời làm nghĩa vụ quốc tế với quốc gia Chân Lạp.
Lê Đại Cương cùng với Tướng quân Trương Minh Giang giúp vua Chân Lạp củng cố bộ máy chính quyền các cấp, tuyển lựa người tài bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng ở các phủ, huyện; huấn luyện quân sĩ Chân Lạp; xây thành Trấn Tây; đo đạc địa bộ thành Trấn Tây; động viên binh sĩ và nhân dân thực hiện chính sách ngụ binh ư nông; giáo dục các phong tục tập quán tốt, bỏ các mê tín hủ lậu; xóa các rào cản thông thương để việc đi lại của nhân dân lục tỉnh lên Nam Vang thuận lợi.
Công tâm mà nhận xét, từ một quốc gia Chân Lạp biến đổi thành Trấn Tây thành- nhiệm vụ của những người đứng đầu ở vùng đất này muôn vàn khó khăn, trong đó có Lê Đại Cương. Ônglà nhân vật điển hình của chính quyền bảo hộ. Vì sự thất bại trong bảo hộ Trấn Tây, vua Minh Mạng cho rằng Lê Đại Cương bỏ quên nhiệm vụ nên cách chức ông làm gương. Nhưng rồi sau đó ba năm, vua Thiệu Trị ra lệnh rút toàn bộ quân đội ở Trấn Tây về thành An Giang, đến đổi Tướng quân Trương Minh Giảng buồn sanh bệnh rồi mất ở Châu Đốc tháng 7-1841.
III. Công tác đoàn kết dân tộc ở An Giang
Từ lâu đời, ở An Giang có nhiều thành phần dân tộc sinh sống cộng cư như: ngưởi Việt, Thủy Chân lạp, người Chăm, người Mã Lai, Ấn Độ,… Do đó, nhiệm vụ của những quan đầu tỉnh An Giang qua các thời kỳ luônđặt nặng công việc đoàn kết các dân tộc để xây dựng và phát triển đất nước. Đối với Lê Đại Cương cũng vậy, với vai trò Tổng đốc, Tuần phủ rồi Trấn Tây Tham tán đại thần ông đã vận dụng một cách tài tình trong đoàn kết dân tộc suốt 06 nămtrấn nhậm ở An Giang.
Qua tư liệu cho thấy các binh sĩ người dân tộc (Phiên, Man) dưới quyền đều hết lòng với ông, do ông xem họ như anh em. Đối với nhân dân các dân tộc ông thương yêu lo lắng, khi họ thiếu đói, ông đề xuất triều đình mua lúa gạo giá cao để dự trữ và phân phát hỗ trợ khi khó khăn; hướng dẫn người dân Trấn Tây thành sản xuất nông nghiệp; bố trí cho người Minh Hương ở theo từng làng buôn bán sinh sống, lập sổ bộ thu thuế quản lý hợp lý. Đối với dân tộc Chăm tập trung ở Châu Giang ông tạo điều kiện để họ tồn tại và phát triển, …
Tháng 7-1834, Đốc phủ quân thứ Nam Vang, Trương Minh Giảng và Lê Đại Cương tâu với vua kế hoạch giữ đất Phiên: “1. Chia đặt quan Phiên coi giữ những nơi trọng yếu; 2. Xem xét đất Phiên, thiết lập đồn trại; 3. Lựa lấy lính Phiên; 4. Lựa lấy thổ binh người Chàm (dòng dõi người Thuận Hoá), người Chà (dòng giống Chà Và cư trú đất Phiên); 5. Chỉnh đốn sửa sang đồ quân dụng cho nước Phiên (Sai kiếm sào tre và sắt sống để làm trường thương, đóng thuyền và luyện thuốc súng); 6. Chiêu tập cơ binh An Biên; 7. Khám xét các thuyền buôn ở Quảng Biên; 8. Kinh lý biên phòng tỉnh Hà Tiên. Vua đều cho làm đúng như lời đã kiến nghị[10].
Do làm tốt công tác đoàn kết dân tộc, Lê Đại Cương nhiều lần được vua khen thưởng.
IV. Một vài nhận xét nhân vật lịch sử Lê Đại Cương đối với An Giang
1. Với tư cách Tổng đốc đầu tiên tỉnh An - Hà mới thành lập, Lê Đại Cương chủ trì việc xây thành mới An Giang, chấn chỉnh quân đội, huấn luyện binh sĩ. Chủ trì khai mở đường thủy từ sông Tiền Giang ở Tân Thành thẳng đến sông Hậu Giang ở Châu Đốc. Chiêu mộ được 10 đội quân Phiên (Chân Lạp) được vua đặt tên là cơ An Biên. Tham gia tích cực trong chiến đấu chống tạo phản Lê Văn Khôi và quân xâm lược Xiêm La, bảo vệ vững chắc thành An Giang nói riêng, giữ vững độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam thời vua Minh Mạng.
2. Ngoài việc chăm lo an ninh, giữ gìn bờ cõi cho đất nước, Đốc- phủ Lê Đại Cương còn dốc lòng mở mang sản xuất, khuyếch trương kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, nâng cao đời sống của người dân An Giang và Nam kỳ lục tỉnh lúc bấy giờ.
3. Lê Đại Cương là người yêu nước, thương dân, nguyện sống hết mình vì nước vì dân, là một con người có ý chí sắt đá, kiên cường vượt qua bao chông gai cuộc đời quan trường. Ngày về hưu còn lại cái đòn khiêng của anh lính bị đày, nhưng ông đã vượt qua tất cả để đi lên.Đây là bài học thâm thúy nhất, tôi tâm đắc ở nơi ông sự chịu đựng, sự kiên nhẫn để sống ngẩng cao đầu khi về quê nhà trí sĩ ở tuổi 70.
4. Cuộc đời Lê Đại Cương là một biểu tượng về cái tài, cái tâm của kẻ sĩ, một cuộc đời mà biết bao người xưa nay phải khao khát, ngưỡng mộ. Những giá trị từ di sản và bài học lịch sử về thời kỳ Lê Đại Cương cũng như cuộc đời ông chứa đựng rất nhiều ý nghĩa cho hành trình đổi mới của xã hội, đất nước và con người Việt Nam hôm nay.
5. Lê Đại Cương với gần 40 năm quan trường ở hai miền Nam- Bắc đất nước, phụng sự ba triều Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, có 06 năm gắn bó với vùng đất An Giang, là người có nhiều đóng góp cho tỉnh An Giang sau khi thành lập tỉnh từ năm 1832- 1838.
 Để tưởng nhớtiền nhân có công với tỉnh, chính quyền tỉnh An Giang và thành phố Châu Đốc xem xét lấy tên ông đặt tên Tổng đốc Lê Đại Cương cho một con đường để xứng đáng với những công lao to lớn của ôngthuở trước. Qua đó, góp phần giáo dục lịch sử truyền thống tỉnh An Giang từ xưa đến nay.
Nguồn: vanhien.vn

CHÚ THÍCH:
[1] Đại Nam thực lục chính biên tập XI, Nxb Khoa học, Hà Nội - 1964, trang 253.
[2] Đại Nam thực lục tập XII, NNxb Khoa học, Hà Nội - 1965, trang 58
[3] Đại Nam thực lục tập XV, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội -1965, trang 38.
[4] Đại Nam thực lục tập XVI, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội -1966, trang 286.
[5] Đại Nam nhất thống chí tập 5, Nxb Thuận Hóa, Huế 1992, trang 165.
[6] Đại Nam thực lục tập XII, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội - 1965, trang 83.
[7] Đại Nam thực lục tập XII, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội - 1965, trang 241.
[8] Đại Nam thực lục tập XIX, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội -1968, trang 139.
[9] Lê Đại Cang và Lê thị gia phả, Nxb Dân Trí - 2011, trang 74 - 75.
[10] Đại Nam thực lục chính biên tập XV, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội - 1965, trang 110-113.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Đại Nam thực lục chính biên, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội từ 1965 -1970.
  2. Đại Nam Chính biên liệt truyện, Nxb Văn học - 2004.
  3. Minh Mệnh chính yếu, Nxb Thuận Hóa - 2010.
  4. Lê Đại Cang nhân cách bậc quốc sĩ, Nxb Hội Nhà văn - 2013.
  5. Lê Đại Cang và Lê thị gia phả, Nxb Dân Trí - 2011.
  6. Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn phần tỉnh An Giang, Nxb TP. Hồ Chí Minh - 1995.
  7. Nguyễn Q Thắng và Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb Văn hóa - 1999.
  8. Đại Nam nhất thống chí, Nxb Thuận Hóa, Huế - 1992.
  9. Cao Xuân Dục, Quốc triều sử toát yếu, Nxb Văn Học - 2002.

No comments:

Post a Comment

Bài đăng nổi bật

HỌC TẬP VÀ NOI GƯƠNG BÁC TÔN LÀ VIỆC LÀM THIẾT THỰC TRONG HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH BÁC HỒ

Giữa lúc Đảng bộ và nhân dân An Giang đang đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ, chúng ta càng nhớ đến Bác Tôn...

Bài đăng phổ biến