Friday, November 9, 2018

DẤU ẤN TỔNG ĐỐC AN - HÀ LÊ ĐẠI CƯƠNG TRÊN ĐẤT AN GIANG VÀ NAM KỲ

Tác giả: ThS. Võ Thành Hùng, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ.


1. Mở đầu
Với 76 tuổi, có 40 năm dấn thân chốn quan trường, trải qua 3 triều vua: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, hoạt động của Lê Đại Cương diễn ra trên cả nước, rất đa dạng và cũng rất thăng trầm, nhưng qua tìm hiểu thân thế, sự nghiệp, tài năng, đức độ của ông, trong đó có công rất lớn của ông trên vùng đất An Giang và Nam Kỳ, cho phép chúng ta khẳng định Lê Đại Cương là một Nho tướng, một danh nhân, một bậc đại trượng phu tài hoa, nhưng cũng đầy gian lao. Nhưng tựu chung lại ở Lê Đại Cương vẫn là một con người yêu nước, thương dân theo cách rất riêng của mình.
Tuy thời gian trên đất An Giang & Nam Kỳ không nhiều, nhưng ông đã để lại nhiều công trạng, tạo ra một dấu ấn riêng của mình trên vùng đất An Giang &Nam Bộ.
2. Nội dung
2.1. Vài nét về tiểu sử
Sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, tại thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Lại sớm mồ côi cha lẫn mẹ, thuở thiếu thời lại gặp phải chiến tranh loạn lạc, Lê Đại Cương không có điều kiện đi học, phải khổ học và tự học tại nhà. Đến năm 16 tuổi (1787) ông mới được theo học Nguyễn Tử Nghiễm (giữ chức Thị giảng học sĩ triều Tây Sơn). Sau đó được học với Đặng Đức Siêu - một danh sĩ của Bình Định lúc bấy giờ. Trong vòng sáu năm quên ăn, quên ngủ để dùi mài kinh sử”, nên khi tham gia chốn quan trường, Lê Đại Cương được đánh giá là người có tài về văn học. Năm 1802, sau khi Gia Long lên ngôi, Lê Đại Cương được Nguyễn Huỳnh Đức tiến cử và được bổ nhiệm làm Tri huyện huyện Tuy Viễn, tỉnh Bình Định. Lúc đó ông đã 31 tuổi, từ đó 40 năm dấn thân chốn quan trườnghoạt động của Lê Đại Cương diễn ra trên cả nước, rất đa dạng và cũng rất thăng trầm. Đến tháng 10/1842, ở tuổi 71, thự Bố chính sứ Lê Đại Cương mới được nghỉ hưu. Năm 1847, sau 5 năm nghỉ hưu, biên soạn “Lê thị gia phả” để lại cho con cháu, Lê Đại Cương bệnh và mất tại quê nhà, hưởng thọ 76 tuổi.
2.2. Tổng đốc An Hà Lê Đại Cương trên vùng đất Nam Kỳ
Tháng 9 năm 1824, Lê Đại Cương, được điều vào làm Cai bạ Vĩnh Thanh (Vĩnh Long); Tháng 5 năm 1825 ông về Quảng Nam do sông đào Vĩnh Điện bị sụt lở...lỡ mất cơ duyên với vùng đất Nam Bộ.
Tháng 11/1832, sau khi lập Nam Kỳ Lục tỉnh, vua Minh Mạng bổ nhiệm Lê Đại Cương làm Tổng đốc An - Hà kiêm lĩnh ấn “Bảo hộ Chân Lạp quốc”, đã đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời làm quan của Lê Đại Cương. Sau 10 năm “tung hoành, ngang dọc” trên mọi mặt trận của đời sống xã hội thời đầu Minh Mạng ở đất Bắc, viên quan sinh trưởng ở miền Trung Lê Đại Cương đã chuyển hướng vào “tung hoành, ngang dọc” trên mảnh đất mới ở cực Nam Tổ quốc. Rõ ràng, Lê Đại Cương là vị Tổng đốc An - Hà đầu tiên. Việc Minh Mạng giao chức vụ Tổng đốc An - Hà kiêm lĩnh ấn “Bảo hộ Chân Lạp quốc”cho Lê Đại Cương chứng tỏ ông có đầy đủ uy tín và năng lực của một vị quan từng trải trong Nam, ngoài Bắc, từng đảm nhiệm nhiều trọng trách, được vua tin cậy. Tuy nhiên đây là thử thách to lớn nhất với ông trong cuộc đời quan trường.
Thời gian làm Tổng đốc An - Hà, kiêm lĩnh ấn “Bảo hộ Chân Lạp quốc” (từ 11- 1832 đến tháng 7 năm 1841). Trong sách Đại Nam thực lục có nhiều trang ghi chép về Lê Đại Cương.
Ở bài viết này, chúng tôi chỉ tìm hiểu về một số lãnh vực như: Quản lý, xây dựng tỉnh thành An Giang, quân sự, ngoại giao và lòng yêu thương dân, yêu nước....của Lê Đại Cương trên đất An Giang & Nam Kỳ mà thôi, cụ thể:
* Công lao xây dựng An Giang
 Tháng 11 năm 1832, “Dùng nguyên Tổng đốc Sơn - Hưng - Tuyên là Lê Đại Cương làm Tổng đốc An - Hà kiêm lĩnh ấn “Bảo hộ Chân Lạp quốc”. Vua gọi và dụ rằng: “An Giang là tỉnh mới đặt, trong thì trấn thủ, vỗ về nước Phiên [Đại Nam thực lục (ĐNTL), Tập Một, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr.820], ngoài thì khống chế nước Xiêm, sự thể rất quan trọng. Ngươi nay cai trị đất ấy, phàm những việc quân, dân, trọng đại cùng thành trì và kho tàng đều nên hết sức lo liệu để phu phỉ ý ta mong ngươi làm được thành công” [Đại Nam thực lục, Tập Ba, sđd, tr.426-427].
Với một tinh thần nhiệt huyết, năng nổ tháng 3 -1833, Lê Đại Cương cho xây dựng tỉnh - thành An Giang. Tổng đốc An - Hà là Lê Đại Cương, Tuần phủ An Giang là Ngô Bá Nhân tâu nói: “Chỗ đất thành mới, bên tả gần sông dài, đằng trước, đằng sau và bên hữu đều là rừng rậm. Trước phải chặt cây phát rừng, rồi mới có thể khởi công. Vả lại đằng trước và bên hữu nên đào thủy đạo để lấy đất đắp thành quách, nền hành cung, nhà kho, dinh thự và làm chỗ cho sau này nhân dân dựng nhà ở chung quanh. Nhưng công trình này khó khăn to lớn, xin mướn một phần ba dân ở 4 huyện Vĩnh An, Vĩnh Định, Đông Xuyên, Tây Xuyên thuộc bản hạt, và một phần hai dân 2 huyện Vĩnh Bình thuộc Vĩnh Long và Kiến Đăng thuộc Định Tường góp sức cùng làm. Vua cho rằng : “Thời tiết đã muộn, nên xuống dụ bảo phải gia tâm đốc thúc làm nhanh, cho khỏi đến kỳ mưa lụt khó làm”. Lũ Lê Đại Cương lại bàn khai thủy đạo từ sông Tiền Giang ở Tân Thành thẳng đến sông Hậu Giang ở Châu Đốc hơn 3.800 trượng; xin mướn thêm một phần hai dân 5 huyện Vĩnh Trị, Tân Minh, Bảo An thuộc Vĩnh Long và Kiến Hưng, Kiên Hòa thuộc Định Tường đến làm việc”. Vua chuẩn y”[Đại Nam thực lục, Tập Ba, sđd, tr.503].
Tháng 5- 1833, “Lê Đại Cương, Tổng đốc An - Hà, tâu nói:Việc sửa đắp thành mới An Giang đã dần dần xong. Duy còn đường thủy đạo hiện đương khai đào một đoạn giáp Hậu Giang dài hơn 1.050 trượng. Nay đương mưa luôn, việc làm ruộng đang cần, vậy những dân các huyện hiện đương làm việc ở đó, hễ ngày nào xong thì xin cho họ về ngay để làm ăn. Đến như cái hào dưới chân thành và các đoạn sông đào chưa khai, xin chờ đến chính mùa đông khô ráo, hãy theo thứ tự mà làm. Vả lại, nay công việc làm thành tuy mới tạm ổn, nhưng thế cục đã thành, cơ chỉ đã định. Phàm đường lối trong ngoài ra vào cùng với chợ búa phố xá đều đã dự vạch ra trước, để cho người ta biết đến đấy ở, sớm thành nơi vui vẻ. Nếu lại trở về Châu Đốc, sợ rằng dân mới tụ họp sẽ lại tản mát nơi khác. Thần đã đem số tre chặt rồi rào giậu 4 mặt, tạm làm cái thành bằng tre, và tạm thời dựng nhà kho, công đường và nhà làm việc để tiện việc dọn đến ở. Còn tòa hành cung dựng ở Châu Đốc trước, thì gỗ lim còn dùng được, nên dỡ mang về Tân Thành để xây dựng. Lại nữa, huyện Tây Xuyên là kiêm lý của phủ Tuy Biên, chính Châu Đốc ở trong địa hạt ấy. Vậy, xin lấy đồn ấy dùng làm phủ lỵ để cho sự ở được hùng tráng. Vua đều nghe theo”[Đại Nam thực lục, Tập Ba, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr.583-584].
Trước khi tiến hành xây dựng thành An Giang, ông đã đích thân đo đạc và chỉ đạo việc vẽ thành và lên kế hoạch chi tiết xây dựng thành An Giang. Với ông thì luôn trăn trở nghĩ địa thế đồn Châu Đốc (do Trấn thủ Vĩnh Thanh Lưu Phước Tường chủ trì xây dựng năm 1815), [Hiện nay, nơi đây là Doanh trại bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang], hiện thời lúc đó quá chật hẹp, chưa được tiện lợi để bảo vệ bờ cõi, đầu năm Quý Tỵ (1833) vua Minh Mạng thứ 14 đã ban lệnh cho Tổng đốc An Hà là Lê Đại Cương và Tuần phủ An Giang là Ngô Bá Nhân chọn địa điểm khác để xây dựng thành trì.
Sau khi lựa được đất Long Sơn (trước đây thuộc Tân Châu Bảo) là nơi ở về thượng du, địa thế cao ráo, qua lại tiếp ứng, thiệt là chỗ hình thế hiểm trở, bèn đem việc ấy tâu lên, được nhà vua chấp thuận [Quốc triều chính biên toát yếu (tr. 200) và Đại Nam thực lục (tập 3, trang 469 và 503)]. Vào năm 1831 niên hiệu Minh Mạng 12[ Đại Nam nhất thống chí, tỉnh An Giang, trang 178], vua Minh Mạng cho triệt phá thành (đồn) Châu Đốc cũ (1815), xây dựng thành Châu Đốc mới theo hình bát quái, ở phía đông đồn Châu Đốc cũ, còn công trình ở Long Sơn thì bị bỏ dở dang (hào thành chỉ đào được một số đoạn và chưa xây một viên đá hay viên gạch nào)? Việc xây thành mới An Giang là nơi để quản lý hành chính, chấn chỉnh quân sự, luyện tập binh lính tại đây.
Tuy nhiên, so sánh giữa đất khu vực Châu Đốc và Long Sơn (Tân Châu) thì mỗi nơi đều có vị trí đắc địa, trên núi, dưới sông có nhiều ngả, giáp biên giới...
Chủ trì khai mở đường thủy từ sông Tiền Giang ở Tân Thành thẳng đến sông Hậu Giang ở Châu Đốc dài hơn 3000 trượng. Với ý chí quyết tâm và sự quyết đoán của mình ông đã chỉ huy đào thành công con đường thủy này, không chỉ phục vụ tưới tiêu, rửa phèn, phục vụ cho cuộc sống của người dân mà còn là con đường giao thông huyết mạch trong vùng. Đồng thời còn trở thành lá chắn phòng thủ của quốc phòng - an nhinh bảo vệ tổ quốc.
Ngoài ra, ông còn chỉ đạo việc khai hoang phục hóa, mở rộng đất đai cương thổ và tổ chức làm kinh tế nông nghiệp, buôn bán giao thương cũng phát triển, các “cảng sông”, “cửa khẩu” qua lại hai nước Việt – Chân Lạp cũng được quan tâm. Nhìn chung với cương vị Tổng đốc An - Hà, Lê Đại Cương đã nắm bắt nhanh tình hình, đặc biệt hiểu lòng dân và những suy nghĩ của họ, một vị Tổng đốc lấy dân làm gốc, bất luận trong hoàn cảnh nào cũng tin dân, yêu mến dân, bênh vực họ, quan tâm đến từng chuyện nhỏ nhặt như: “Nay đương mưa luôn, việc làm ruộng đang cần, vậy những dân các huyện hiện đương làm việc ở đó, hễ ngày nào xong thì xin cho họ về ngay để làm ăn...”, ”[Đại Nam thực lục, Tập Ba, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr.584]. Một vị tướng uyển chuyển linh hoạt công việc theo lịch vụ sản xuất và nắm vững thời tiết.
Có thể nói Lê Đại Cương rất am hiểu về văn hóa, phong tục đất An Giang & Nam Kỳ, cho nên mọi việc ông đưa ra đều hợp với lòng dân ở vùng đất này và chính Vua Minh Mạng nhiều lần nghe và thuận lời tấu của ông.
* Bảo hộ Chân Lạp quốc với tinh thần giữ gìn tình đoàn kết các dân tộc anh, em và công việc đối ngoại
Thời Minh Mạng, sau khi phá được quân Xiêm, Tướng Trương Minh Giảng và tham tán Lê Đại Cương lập đồn đóng quân ở gần Nam Vang để bảo hộ Chân Lạp.[Trần Trọng Kim (1971), Việt Nam sử lược 2, Sài Gòn: Trung tâm Học liệu Xuất bản thuộc Bộ Giáo dục].Tổng đốc Lê Đại Cương lại có trách nhiệm trong việc bảo hộ Chân Lạp quốc, nên thông thạo hết cả tình hình biên giới, nước Chân Lạp. Lê Đại Cương và Ngô Bá Nhân phàm những việc có quan hệ đến mềm dẻo để lấy lòng thuộc quốc, đề phòng chế ngự nước láng giềng nên cùng lòng bàn bạc làm đúng sự cơ, không khinh suất, luôn giữ thể diện, uy danh của người dân nước Việt nên ông luôn nghiêm lệnh và ngăn cấm thuộc viên, thân thích lính tráng sách nhiễu dân tộc Man (Khmer).
Tháng Giêng năm 1833, tên phản thần nước Chân Lạp là Ốc Nha Cố ở Bắc Tầm Bôn, cầu viện quân Xiêm sang khuấy rối cướp bóc phủ Phủ Lật. Vua Chân Lạp là Nặc Chân sai quân đi bắt. Ốc Nha Cố lại trốn đi. Nặc Chân đem việc đó báo cho Tổng đốc An Giang kiêm lĩnh bảo hộ là Lê Đại Cương, Ngô Bá Nhân cho rằng việc ấy có quan hệ đến biên giới, chưa nên vội động binh đao, hãy nên sai đưa thư nhờ nước Xiêm bắt trị cho và trách hỏi viên phủ mục phủ Bắc Tầm Bôn về cớ chứa chấp kẻ phản thần; đợi xem hắn xử trí ra sao, rồi sau sẽ làm cho thỏa đáng. Sớ tâu lên, Vua phê bảo: “...Lũ ngươi làm thế, phải lắm !”[Đại Nam thực lục, Tập Ba, sđd, tr.461-462].
Tháng 7 - 1834, Đốc, phủ quân thứ Nam Vang, Trương Minh Giảng và Lê Đại Cương, tâu với vua kế hoạch giữ đất Phiên, với 8 vấn đề mang tầm chiến lược, rất sâu sắc như: (1)“Chia đặt quan Phiên coi giữ những nơi trọng yếu. Chọn lấy người trội trong các quan Phiên để giao quyền binh...thảy đều đốc suất những kẻ thuộc hạ, đem quân vào đồn, theo từng địa hạt mà phòng ngự”. (2) Xem xét đất Phiên, thiết lập đồn trại với 4 chỗ rất quan trọng: Phủ Lật là xung yếu nhất, thứ đến Bông Xui, tiếp đến Khai Biên, Quang Biên và cuối cùng là Sơn Phủ...,(3) Lựa lấy lính Phiên (Tuỳ theo số dân các phủ nhiều hay ít, liệu trích lấy 1 phần 3 hoặc 1 phần lấy 2, phân phái đóng giữ, (4) Lựa lấy thổ binh người Chàm (dòng dõi người Thuận Hoá), người Chà (dòng giống Chà Và cư trú đất Phiên).  Sai họ chiêu tập cho đủ số, để phòng khi có việc sẽ trưng dụng. Còn việc chia cấp ruộng đất bỏ không cho mọi người để ở và trồng cấy sẽ tiếp tục làm sau)...(5) Chỉnh đốn sửa sang đồ quân dụng cho nước Phiên. (Sai kiếm sào tre và sắt sống để làm trường thương, đóng thuyền và luyện thuốc súng). (6) Chiêu tập cơ binh An Biên. (Cơ An Biên lệ thuộc tỉnh An Giang, điều động lấy 500 dân Phiên phủ Chân Chiêm sung vào tập cơ binh..).(7) Khám xét các thuyền buôn ở Quảng Biên. (Cửa biển Cần Bột thuộc phủ Quảng Biên, nếu có thuyền buôn của người nhà Thanh chở hàng hoá vào cảng thì nên báo cho tỉnh Hà Tiên xét thực tình hình, tuỳ việc mà làm, nếu người nhiều hàng ít, thì đuổi đi).(8) Kinh lý biên phòng tỉnh Hà Tiên. (Luỹ dài Phù Dung ở Hà Tiên và pháo đài Kim Dữ hiện đã sửa sang thêm, lại đem cấp cho dầu mỡ để dùng vào việc tu bổ thuyền mành. Về số biền binh đi thú, xin do quân thứ Gia Định trích lấy 1, 2 vệ, 500 người, để giúp toàn lực vào việc đó)...Những lời tâu trên “Vua đều cho làm đúng như lời đã kiến nghị”.”[ĐNTL, Tập Bốn, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr.297-299].
Tháng 8 -1834, tiếp tục công việc ở  Nam Vang: “Trương Minh Giảng và Lê Đại Cương, đốc, phủ quân thứ Nam Vang, tâu nói: “Nước Phiên mới bắt đầu sửa sang, công việc còn bề bộn. Hai phủ Quảng Biên, Khai Biên đã đặt án phủ sứ, nhưng chưa có lại dịch. Vậy xin đặt ty thừa biện ở thành Nam Vang, 1 chánh cửu phẩm thư lại và 10 vị nhập lưu thư lại, hợp 2 phủ Quảng Biên, Khai Biên làm 1 nha, đặt 1 lại mục và 6 thông lại. Lại xin kế tiếp cấp lương tháng cho những hương dõng đóng giữ thành Nam Vang, đợi các tỉnh Vĩnh Long, Định Tường và An Giang xong việc tuyển lính, sẽ tư đi lấy người thay đổi”. Vua đều y theo”[ĐNTL, Tập Bốn, sđd, tr.336].
Tháng 9 -1834, ông xử lý tốt vụ tên Sâm và 2 người đàn bà Man dùng tà thuật làm mê hoặc vua Phiên. Việc đến tai vua. Vua cho là phải”[ĐNTL, Tập Bốn, sđd, tr. 374.] Cũng thời gian này, “Dân Chân Lạp bị đói, đến nỗi có những người phải ăn tấm cám. Vua hay tin, dụ bọn Trương Minh Giảng và Lê Đại Cương rằng: “Chân Lạp dẫu là dân Man, nhưng cũng thuộc vào bản đồ và dân tịch của triều đình. Trong tình vỗ về thương xót, ta coi cũng như dân ta vậy. Trước đây, giặc Xiêm xâm lấn tàn bạo, ta đã vì người Chân Lạp mà giữ đánh dẹp khu trừ, lại phái trọng binh đến giữ bờ cõi nước ấy, để nhân dân họ không phải ly tán, đệm chiếu nằm yên. Nay họ gặp lúc đói kém này, cũng nên giấn chân, vén xiêm, hối hả cứu giúp, chứ đâu nỡ ngồi trông họ chết đói mà không thương? Được tin này, lòng ta không nỡ, huống chi lũ ngươi lại làm ngơ được ư? Nếu quả có sự ấy thì việc phát chẩn không thể trì hoãn được. Chuẩn cho một mặt tâu lên, một mặt tư ngay cho 2 tỉnh Vĩnh Long và Định Tường đều chở 10000 phương gạo đến để phân phát, chớ để họ mất nơi ăn chốn ở, thì mới phu phỉ lòng ta vun trồng cho dân ở nơi biên giới”[ĐNTL, Tập Bốn, sđd, tr.382].
Tháng 11- 1834, Trương Minh Giảng và Lê Đại Cương, đốc phủ quân thứ Nam Vang, xin lập nhạc hộ ở nhà Nhu viễn. Vua cho việc ấy có quan hệ đến sự vỗ yên nước Phiên, chuẩn y lời xin. Bọn Giảng, Cương lại tâu nói: “Nước Chân Lạp trước đây, vì giặc Xiêm lấn cướp quấy nhiễu, nên kho tàng hết sạch. Bọn thần đã từng khuyên chăm cày cấy và tùy đất khai khẩn, trồng đậu và lúa mạch, hiện đã lục tục được thu hoạch, có thể đỡ được sự khẩn cấp trước mắt. Duy thành Nam Vang trở về phía tây, rất điêu tàn. Bọn thần đã tư cho các tỉnh Vĩnh Long, Định Tường chở cho 10.000 hộc thóc để phân phát”. Vua dụ rằng : “Làm thế cũng phải. Lũ ngươi nên để tâm trù liệu cốt cho ngoài êm thì mới có thể trong ấm được”[ĐNTL, Tập Bốn, sđd, tr.415] “Trương Minh Giảng và Lê Đại Cương, đốc, phủ ở quân thứ Nam Vang, tâu xin trích lấy những biền binh ở quân thứ Gia Định để đi đóng giữ An Giang và cho xuống thuyền, diễn tập thủy chiến; những cơ binh mới tuyển được lưu lại, đều cho kế tiếp cấp lương tháng. Lại xin trả thêm giá thoả thuận mua thóc gạo để sung vào kho tích trữ. Vua dụ bảo: “Về biền binh trú phòng, quân thứ Gia Định đã phái đi rồi; còn việc tập thủy chiến và việc giản binh lưu lại, đều chuẩn cho làm như lời đã xin, cốt nên để tâm xếp đặt cho được chỉnh đốn, để vững mạnh việc biên phòng, xứng đáng với trách nhiệm đã giao cho” [ĐNTL, Tập Bốn, sđd, tr.420].
Tháng 12- 1834, “Vua nước Chân Lạp là Nặc Chăn chết. Bọn Tổng đốc Trương Minh Giảng, Lê Đại Cương được vua ban khen do làm tốt chức trách, với lý do: “Địa hạt Chân Lạp, lúa mới đương chín, lương thực của dân có thể tiếp tế được đủ; duy việc biên phòng đương khẩn. Về số quân Phiên đóng giữ, hiện đã tuân theo dụ, trích 5.000 phương gạo phân phát rồi. Lại nữa, nước Phiên từ khi chọn lựa sắp xếp quân ngũ đến giờ, đội ngũ đã dần dần được chỉnh đốn. Bọn đầu mục cũng biết cảm kích mà hăng hái lên”. Vua ban khen”[ĐNTL, Tập Bốn, sđd, tr.502].
Tháng 6 -1835, “Lãnh chức bảo hộ là Trương Minh Giảng và Lê Đại Cương ở thành Trấn Tây tuân Chỉ dụ, xét hạch tài năng phẩm cách các quan Phiên, làm thành danh sách tâu lên. Vua chuẩn cho…”, [ĐNTL, Tập Bốn, sđd, tr.654]. Tiếp tục việc giữ bờ cõi, biên giới cho Chân Lạp, tháng 12 - 1835, Lê Đại Cương và Trương Minh Giảng xin vua cho được đặt chức Án phủ ở 3 phủ là  Hải Tây, Hải Đông và Sơn Phủ, được vua chấp thuận: “Tướng quân Trương Minh Giảng và Tham tán Lê Đại Cương ở Trấn Tây cho rằng 3 phủ Hải Tây (Phủ Lật, Puốc-xát (Pursat), nay thuộc tỉnh Pursat), Hải Đông (Bông Xui (Kampong Svay), nay thuộc tỉnh Kampong Thom) và Sơn Phủ đều là địa đầu quan trọng xung yếu, xin đặt mỗi nơi một chức Án phủ. [ĐNTL, Tập Bốn, sđd, tr.844.]
Thời gian tháng 6 Nhuận năm 1835, “Lãnh chức bảo hộ là bọn Trương Minh Giảng và Lê Đại Cương ở thành Trấn Tây đem địa đồ thuộc thành và ngoài biên cương thành ấy dâng lên. Vua mở xem, thấy vẽ đường sá, hình thế, rõ ràng dễ coi, ban khen. Chuẩn cho xét viên quan Phiên nào đã chỉ dẫn để vẽ thì thưởng cho đồ dùng quần áo…”, [ĐNTL, Tập Bốn, sđd, tr.701]...
Trong suốt năm 1836, Lê Đại Cương tiếp tục trấn trị ở thành Trấn Tây. Ông không chỉ lo việc quân mà còn lo cả việc dân, tích trữ lương thực nuôi quân, đảm bảo an ninh ở vùng đất này...
Với tài năng của mình ông đã có công lao giữ gìn an ninh Chân Lạp quốc để không bị quân Xiêm và bọn phản nghịch gây chiến tranh, giúp Vua Phiên chăm sóc con dân toàn diện mọi mặt, đề ra những đối sách mang tính chiến lược có lợi cho cả hai bên, chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, đào tạo người tài cho nước bạn kể cả huấn luyện binh lính. Đặc biệt coi trọng nhân dân, luôn đứng về họ bênh vực về quyền lợi, những bình đẳng khác, đề nghị và quan tâm việc được thăng quan, lên chức cho những người có công, do đúng công sức trí tuệ bỏ ra. Niềm tin trong nhân dân Man được củng cố và họ nhận thức được việc hỗ trợ, tiếp sức của nước Việt cùng nhau chia ngọt, sẻ bùi, hoạn nạn có nhau...coi Lê Đại Cương như con em của họ.
 Lê Đại Cương thật sự là một tài năng ngoại giao, tuy là tướng nhưng trong việc “hộ Chân Lạp” ông luôn giữ gìn và hành xử theo phong thái ngoại giao, đức Phật. ông luôn đi sâu, đồng hành với quần chúng nhân dân nước sở tại, cùng họ làm việc, khuyên nhủ với thái độ chân thành coi: “Bạn cũng như mình”, thân yêu, tin tưởng và việc gì giúp được trong bổn phận trách nhiệm sẽ giúp tới nơi tới chốn. Chính vì lẽ đó mà nhân dân và quan, quân Triều thần Chân Lạp tin tưởng, luôn giúp đỡ Lê Đại Cương và ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
* Giữ gìn Quốc phòng - An ninh biên giới
Tổng đốc An Hà Lê Đại Cương trước khi nhận nhiệm vụ về Nam Kỳ đã được vua đích thân vời gọi, dặn dò trong đó có việc giữ gìn QP-AN và biên giới. Đây là một trọng trách vô cùng nặng nề của ông trước quốc gia, dân tộc, với nhân dân.
Hiểu và nhận thức được tầm quan trọng này, trong suy nghĩ và hành động của ông luôn trăn trở làm sao cho “quốc thái, dân an” trong khi Nam Kỳ Lục tỉnh luôn bị quân xâm lược Xiêm rắp tâm thôn tính, cùng với lực lượng nổi dậy chống vua Phiên (Chân Lạp), bọn phản loạn trong nước...Trước tình thế khó khăn này đã đặt ra cho ông bài toán khó, phải chọn lựa nhiều cách hóa giải. Với bản lĩnh, ý chí và nghị lực của mình Lê Đại Cương đã chứng tỏ một vị Tướng nhà Nho uyên sâu chiến thuật, chiến lược và tất cả đều xuất phát từ quyền lợi, từ cái gốc của nhân dân mà ông làm, có thể bản thân mang tội với Triều đình, thậm chí hy sinh cả tính mạng...nhưng ông vẫn quyết tâm làm theo những gì mà Lê Đại Cương cho là chính đáng, là chân chính, với ông biên giới là bất khả xâm phạm, và ông luôn nêu cao việc xem xét đo đắn hình thế, nên làm, hay dừng lại chờ đại binh, thì lập tức “nên giữ vững cương giới, chiêu tập nhân dân để trước hết nắm lấy cái thế tất thắng”. Có lúc, Tổng đốc Lê Đại Cương đánh nhau với giặc bị thua, rút về tỉnh lỵ (tức là đồn bảo Châu Đốc), quân đều tan tác cả, bèn thương lượng giao cho Bố chính Nguyễn Văn Bỉnh cùng với Lý vẫn cứ ở lại phòng hộ, còn mình thì đi Nam Vang, điều động lính Phiên đến cứu”[ĐNTL, Tập Ba, sđd, tr.707]. Thái Công Triều (tướng quân thuộc quyền Lê Văn Khôi còn ở An Giang, mưu toan việc quy thuận nên đã mật báo cho Lê Đại Cương chóng đem quân về tiếp ứng Bùi Văn Lý ẩn ở đồn Vĩnh Hùng…Lê Đại Cương cũng từ Chế Lăng quay về, trước hết đem chém Trần Hiệu Trung và các tên phạm là đầu mục giặc mà sau đó tiếp tục bắt được. Rồi quyền phái Binh bộ Chủ sự thừa biện Nam Vang thành biên vụ là Hồ Công Chỉ và Phó quản cơ cơ An Giang là Nguyễn Văn Tây đến tỉnh Hà Tiên làm công việc ở tỉnh. Lại cho rằng Mạc Công Du vốn được nhân dân xứ ấy mến phục, bèn tạm quyền lưu lại ở tỉnh lỵ để trấn tĩnh (nhân tâm)”[ ĐNTL, Tập Ba, sđd, tr.708]. Trương Minh Giảng và Lê Đại Cương lại tâu: “Tỉnh An Giang mới lập, đất rộng, người ít, lại ở vào nơi xung yếu giữa hai ngả đường Hà Tiên - Nam Vang, binh lửa mới yên, thành trì chưa vững, công việc chính là lúc đương bận rộn. Vậy mà các cơ binh thuộc tỉnh, phần nhiều bỏ trốn, hiện số không còn được bao nhiêu, sợ khi động đụng không đủ người. Những lính đồn điền khi trước, dồn lại thành đội ngũ, cho lệ thuộc hạt khác như hai cơ Định thắng Tả, Hữu và Thủy cơ Biên Hòa, đều là người thổ trước trong hạt (An Giang). Nay xin rút về cho theo tỉnh sai phái để tự phòng thủ lấy”. Vua phê: “Đó cũng là việc cần kíp trước mắt. Cho làm theo điều thỉnh cầu” [ĐNTL, Tập Bốn, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr.134].
Để giữ gìn an ninh tốt hơn, Lê Đại Cương cùng Nguyễn Văn Quế xin triều đình cho thêm Kinh binh, nhưng vua không cho.“Tổng đốc An - Biên Nguyễn Văn Quế, Tổng đốc An - Hà Lê Đại Cương cùng ký tâu lên nói: “Hai tỉnh Phiên An, An Giang, nơi thì xe thuyền tụ họp, nơi thì địa thế xung yếu, cần phải có nhiều quân để đóng giữ. Thế mà cơ binh thuộc tỉnh phần nhiều chưa tập luyện thành thạo! Vậy xin lượng cấp cho mỗi tỉnh 1 vệ Kinh binh đến thú, mỗi năm một lần thay đổi, để lúc hoãn lúc cấp có quân nanh vuốt giúp đỡ”[Đại Nam thực lục, Tập Ba, sđd, tr.466].
Với một Tổng đốc nơi vùng biên cương, ông luôn suy nghĩ làm cho quân dưới trướng của ông có đủ bản lĩnh; nên ông luôn chấn chỉnh quân đội, huấn luyện quân sĩ và nghiêm chấp quan, lính dưới quyền không được làm một chút gì khó chịu phiền lụy để cho sức quân có thừa, thao diễn thành thục, chuẩn bị để dùng trong lúc có việc, Tổng đốc Lê Đại Cương, khéo xử trí, vừa khoan dung vừa nghiêm ngặt khiến binh lính vui vẻ phát huy sở trường, phấn khích hăng say luyện binh. Ông đã tâu vua “xin dồn bổ các lính ở đồn điền cũ vào 4 cơ thuộc tỉnh là An nghị tả, An nghị hữu, An nghị tiền và An nghị hậu, đặt mỗi cơ 1 Phó quản cơ, lấy các nguyên Chánh phó trưởng chi bổ làm Cai đội thí sai, Phó quản cơ. Vua y cho” [Đại Nam thực lục, Tập Ba, sđd, tr.532].
Lê Đại cương rất rõ ràng, rành mạch thưởng, phạt nghiêm minh trong công việc như: Tháng 3 năm 1833, Lê Đại Cương đề nghị vua cho Hồ Công Chỉ lĩnh chức Chủ sự Bộ Binh: “Cho Tư vụ thự Chủ sự là Hồ Công Chỉ làm Chủ sự bộ Binh, theo Tổng đốc và Tuần phủ An - Hà kiêm lĩnh Bảo hộ là Lê Đại Cương và Ngô Bá Nhân làm việc công thành Nam Vang. Hồ Công Chỉ, trước đây do chức thự Tư vụ làm việc ở Binh tào thành Gia Định cũ, nhân việc đưa người Xiêm gặp nạn về nước, do thám được tình hình nước ấy, biên chép rõ ràng. Vua sai vời về Kinh, hỏi lại. Chỉ tấu đối rất tường tận. Vua khen, liền cho thực thụ Tư vụ, thự Chủ sự và thưởng 15 lạng bạc. Đến bấy giờ lũ Lê Đại Cương cho Chỉ là người lanh lẹn, được việc lại am hiểu tình hình biên giới, xin bổ chức ấy. Vua y cho”[Đại Nam thực lục, Tập Ba, sđd, tr.487].
Tháng 8 - 1833, Lê Đại Cương bị vua cách chức, từ Tổng đốc An Hà xuống làm lính, Ông đã tự chiêu tập binh mã, tự huấn luyện, hình thành đội quân hùng mạnh, rèn binh sĩ trở thành những lính chiến thực sự. Sau ông đã góp công lớn cùng Trương Minh Giảng đại phá được quân Xiêm ra khỏi bờ cõi và dẹp được quân nổi loạn Lê Văn Khôi.
Lê Đại Cương, bậc đại trượng phu quân tử dù ở đâu, làm việc gì, từ Một dõng tướng trở thành một người lính, ông càng hiểu rõ hơn về vị trí của người lính ở biên đầu tổ quốc; ý chí và trách nhiệm càng cao hơn; yêu thương những người bạn lính hơn. Nhân sinh quan của ông rộng mở hơn, nên ông rất mực yêu thường đồng đội, những người lính mai đây mai đó, đi đầu trong cuộc chiến tên bay, giáo nhọn...nhưng ở họ là lòng yêu nhân dân, yêu đất nước hơn bao giờ hết. Ở đó là bài học trường đời và làm người cho ông, để ông so sánh giữa kinh sách và thực tế, từ đó vận dụng cho cuộc sống thăng hoa, vượt qua mọi khó khăn, số phận để làm một “công dân tử tế” tay gươm, tay mềm mại bút hoa, khó nhọc vẫn làm thơ, thưởng thức cung đàn...với một tâm hồn nghệ sỹ - chiến sỹ.
* Một tấm lòng trung trinh với dân, với nước
Khi thua trận với Lê Văn Khôi chiếm được Tỉnh thành  Định Tường. “Tổng đốc An - Hà Lê Đại Cương ở Định Tường nghe tin, lập tức dẫn đại đội binh thuyền lui về phía sông Ba Lầy (thuộc huyện Kiến Đăng, giáp đầu tỉnh An Giang). Binh và dân giữ Định Tường, đều xao xuyến, chạy trốn đến hết”[Đại Nam thực lục, Tập Ba, sđd, tr.625]. Lê Đại Cương, Lê Phúc Bảo đều làm sớ tâu vua xin chịu tội. Việc xin chịu tội này của ông, ông biết là có thể bị xử vào tội chết, nhưng ông vẫn hiên ngang, đối mặt với sự thật, không tránh né, đổ thừa. Dám làm, dám chịu; mà ở đây còn thể hiện tấm lòng thương dân, thương những người lính vào sinh ra tử cùng ông, không để họ chết oan khi lực lượng mình yếu, thế giặc đang lên, thì việc chịu tội với triều đình không phải bàn cãi nữa, mà ông nguyện xin làm?
Tháng 9 -1833, Bình khấu đạo Tướng quân là Trần Văn Năng, Tham tán là Lê Đăng Doanh ở quân thứ Gia Định tâu xin:“Tạm quyền cấp cho viên quan bị cách là Lê Đại Cương vẫn quản lĩnh binh dõng dưới quyền được ở trong quân để đua sức làm việc”. Vua ưng cho”[ĐNTL, Tập Ba, sđd, tr.755].
Tháng 10 -1833, Lê Đại Cương tiếp tục bị vua quở trách do: “Khâm phái Hộ bộ Tả thị lang Đặng Chương từ quân thứ Gia Định về Kinh tâu:“Đồ đảng giặc trong thành, ngày nọ, có họp thành đến hơn 100 tên, đi ra ngoài thành, tìm kiếm vật liệu. Binh dõng do Lê Đại Cương đốc suất ở địa phận tấn sở chỉ chém được 1 đầu và đâm bị thương 5, 6 đứa mà thôi” [ĐNTL, Tập Ba, sđd, tr.845], nên “Lê Đại Cương, Vũ Phi Giám có nhiệm vụ chia giữ đồn tấn đều bị giáng 2 cấp”[ĐNTL, Tập Ba, sđd, tr.852]. Tháng 12 năm 1833, lời Dụ của vua Minh Mạng đề cập đến việc dẹp đánh dẹp Lê Văn Khôi, trong đó cho biết, Lê Đại Cương đã được gia ơn và phục chức: “Thái Công Triều và Lê Đại Cương đã được gia ơn khai phục và nhiệm dụng rồi”[ĐNTL, Tập Ba, sđd, tr.945].
Sau này, tháng Giêng năm 1838, việc giặc cướp mất lương thực, vũ khí ở Ca Thi, thuộc đạo Hải Đông biền binh gián hoặc có người bị thương, bị chết.. Vua truyền Chỉ quở mắng Lê Đại Cương và Trương Minh Giảng. [ĐNTL, Tập Năm, sđd, tr.238-239.]. Cũng trong thời gian này, Lê Đại Cương bị cách hoàn toàn quan chức cho làm thuộc viên thành Trấn Tây. ĐNTL chép: “Lê Đại Cương trước làm Tổng đốc An Hà, có tội bị cách nhiều lần, được khởi phục đến chức Tuần phủ An Giang, lại uỷ cho giữ chức Tham tán ở Trấn Tây, long trọng biết là chừng nào? Chính phải trình bày mưu mô để chuộc lỗi trước. Thế mà từ trước đến nay, ở thành đã lâu ngày, mà công việc ở ngoài biên, nên chăng chỉ theo người. Nay dân Man không yên, quấy rối ở biên giới, lại sợ việc, sợ khó nhọc, rụt cổ ở trong thành, nhiều lần tâu báo, chỉ cốt bàn suông, không từng đánh bắt một lần nào, ốm yếu không tài như thế, hầu dùng hắn làm gì, nếu cho dời khỏi chức về Kinh thì là để mình ra ngoài việc, lại là đắc sách, chuẩn cho cách chức, cho làm thuộc viên thành Trấn Tây, phái đi theo quân thứ ở Hải Đông làm việc chuộc tội“[ĐNTL, Tập Năm, sđd, tr. 259.]. Tháng 3 năm 1838, Lê Đại Cương còn bị vua ra lệnh bắt xích ngay giải về Kinh, giao cho bộ Hình nghiêm nghị. Với lý do: “Lê Đại Cương xuất thân hèn mọn, không có công lao, đã từng cất làm Tổng đốc An - Hà, ơn nước sâu nặng biết bao.... Không ngờ một kẻ già yếu không có tài, lại dám trên không sợ phép nước, dưới không nghĩ công luận, quá đến như thế, nếu không trị tội sao tỏ được hình pháp. Lê Đại Cương phải bắt xích ngay giải về Kinh, giao cho bộ Hình nghiêm nghị” [ĐNTL,Tập Năm, sđd, tr.298.]. Lê Đại Cương sau phải tội “chém giam hậu”.
2.3. Một vài đánh giá
Với các tội vua gán cho: “Nay dân Man không yên, quấy rối ở biên giới, lại sợ việc, sợ khó nhọc, rụt cổ ở trong thành, nhiều lần tâu báo, chỉ cốt bàn suông, không từng đánh bắt một lần nào” và “Lê Đại Cương xuất thân hèn mọn, không có công lao,... Không ngờ một kẻ già yếu không có tài, lại dám trên không sợ phép nước, dưới không nghĩ công luận..”. Ông bị khép vào tội “Khi quân” khi chỉ là lính mà được gọi là “Đại tướng” việc ông huấn luyện binh lính. Trước một thực tế nhiễu nhương, ông không một lời oán than, thanh minh mà luôn “vơ tội” vào mình; khi ông nhận thấy chính sách không phù hợp của nhà Nguyễn với người thiểu số, đặc biệt là người Khmer và chính sách đối ngoại với vương quốc Chân Lạp cũng gây bất mãn trong cộng đồng người Khmer, dẫn đến nhiều cuộc nổi dậy chống lại triều đình, như các cuộc nổi dậy Lâm Sâm (Ba Xuyên), Thất Sơn (An Giang), Hà Tiên (Kiên Giang) và Trà Vinh...lúc bấy giờ; cho nên: “nhiều lần tâu báo, chỉ cốt bàn suông, không từng đánh bắt một lần nào..”? Không phải ông sợ chết, mà lương tâm ông còn trăn trở, day dứt...thà làm một người lính xung trận và ông đã làm tốt điều này. Và đau đớn hơn khi vua không cần thì cho ông một kẻ “xuất thân hèn mọn, không có công lao..”?; mà thực tế 40 năm trong sự nghiệp cả thảy 20 lần được phong cấp. 7 lần bị kỷ luật, 1 lần hàm oan được giải. Sự nghiệp ông bể dâu khôn lường; nhưng ông vẫn khẳng khái chấp nhận. Việc chấp nhận ấy là có chủ đích, làm cho triều đình nhà Nguyễn, nhất là vua rõ hơn với thực tại, nhưng để “trong ấm, ngoài êm” cách tốt nhất của người Đại trượng phu quân tử là im lặng, làm theo cách riêng của mình và ông đã làm được. Nếu sự hy sinh của ông được cảnh báo cho triều thần thì quả là không vô ích? Hoặc chỉ được những con người chân chính làm theo là đã thắng lợi...
Trước sự mất trắng sự nghiệp, công danh và cái giá “chém giam hậu” luôn trực chờ, nhưng ông không hề nao núng tinh thần, trong gian nao vất vả vẫn là một nghệ sỹ tài hoa, ngâm thơ, thưởng trăng uống rượu, đàn ca...phải chăng cái chất tài tử đó đã hòa nhập vào vị “Tướng - Quân” này, làm cho đời thêm hào hoa, phong nhã, đáng yêu mặc cái chết luôn rình rập. Đấy là bản lĩnh của con người chân chính. Lê Đại Cương sống trong lòng nhân dân chứ không sống trong lòng vua; Lê Đại Cương xả thân vì nước, vì dân chứ không phải vì vua; Và ông luôn một lòng trung trinh với dân, với nước với tất cả một tấm lòng yêu dân, yêu nước vô hạn.
Bên cạnh công lao khai hoang mở cõi, xây dựng An Giang & Nam Kỳ, bản thân Lê Đại Cương cùng các bậc tiền bối còn đổ mồ hôi, thậm chí cả máu, xương để giữ yên cương vực trong suốt một thời gian dài đương đầu chống lại âm mưu đông tiến của người Xiêm. Chính điều này cũng là một trong những lý do để ông nhậm chức: “Bảo hộ Chân Lạp quốc”. 
Việc “Bảo hộ Chân Lạp” là một chiến lược phòng thủ đất nước từ xa, Minh Mạng cho quân sang tận Nam Vang (Phnompenh), bắt vua Chân Lạp là Nặc Ông, đổi Chân Lạp thành Trấn Tây để cai quản... Vấn đề này khá nhạy cảm, lại thêm tư chất thông minh hơn người của Lê Đại Cương một con người am hiểu văn hóa, tộc người và nhất là với dân tộc Khmer Cam Phu Chia, nên ông luôn trăn trở “trên đe, dưới búa” với việc làm trái lời Vua Nguyễn Ánh trước khi mất đã di chiếu lại rằng: “Nay việc lớn của thiên hạ đã định rồi. Ta cũng sắp chết, không nói gì, chỉ có một việc là ngày sau phải cẩn thận, chớ nên gây hấn ngoài biên”. Từ nguyên nhân này cũng định hình cho ông cách xử sự với nhân dân, quan, quân Chân Lạp một cách mềm dẻo, khôn ngoan, hơn và trên tất cả là tình yêu thương con người. Chính vì thế mà trong mọi việc đối với Chân lạp ông suy nghĩ chín chắn trước khi ra quyết định; Tháng 7 -1835, Quan tỉnh Hà Tiên tâu nói: “Trong tỉnh có 1 đoạn ven biển, đông từ Dương Đà, tây đến sông Trà Diên thuộc phủ Chân Chiêm tỉnh An Giang, xen vào khoảng giữa hai huyện Hà Châu và Kiên Giang. Vậy xin đổi thuộc về Kiên Giang cho địa thế được liền nhau”. Vua sai Tổng đốc Trương Minh Giảng và Tuần phủ Lê Đại Cương bàn cho ổn thoả. Họ cho rằng hạt phủ Chân Chiêm ở vào khoảng giữa đông tây sông Vĩnh Tế, bắc giáp huyện Tây Xuyên tỉnh An Giang, nam giáp tỉnh Biên Hoà, kéo dài đến bãi biển. Công việc quan tuy theo về An Giang, nhưng binh, dân, thuế khoá và những việc đốc suất, vỗ về, vẫn đều còn do Chân Lạp phân phát điều khiển. Vả, triều đình sửa sang bờ cõi, cốt nhằm vào những điều rộng lớn sâu xa. Nay giặc ngoài biên mới yên, nhân tâm vừa được ổn định. Các việc lớn, hãy tính xếp đặt dần dần. Chỗ đất nhỏ mọn kia không quan trọng lắm, chưa nên vội vàng sắn lấy. Huống chi, đất Phiên đã thuộc bản đồ của ta, tuy đường có cách biệt, nhưng thực vẫn liền nhau. Tỉnh Biên Hoà có Chân Chiêm cũng như tỉnh An Giang có Ba Thắc. Vậy, dải đất ấy hãy cứ để cho quan Phiên vỗ yên cai quản như cũ, đợi khi có dịp bàn công việc thiện hậu, bấy giờ sẽ làm một thể”. Vua phê bảo rằng: “Những lời bàn luận chính đại quang minh rất biết đại thể, nên theo lời nghị đó mà làm”[ĐNTL, Tập Bốn, sđd, tr.708-709.]
Tuy nhiên, việc phòng ngự địa đầu biên giới theo ông: thực không nên trễ nải, phải luôn đề phòng ngoại bang, nước Xiêm vẫn giữ thái độ hằn học về vấn đề Chân Lạp nên ngoài mặt tuy êm dịu nhưng bên trong Xiêm vẫn tìm cơ hội phối hợp cùng phe nổi dậy bên Chân Lạp tràn vào để quấy rối Việt Nam, và cách tốt nhất theo ông là phòng thủ tốt tại đất mình. Từ nhận thức này trong hành trang của ông, ông dự đoán rất xa và thực thi như phát triển kinh tế - xã hội, mở mang giao thương, chú ý mọi vấn đề xã hội đặt ra và nhất là phòng thủ quốc phòng, an ninh được đề cao cảnh giác và phát triển thực lực, qua rèn binh, đào thêm kênh, sông...tại An - Hà và vùng Nam Kỳ.
Lê Đại Cương đã để lại những dấu ấn trên đất An Giang & Nam Kỳ khá đậm nét với vai trò Tổng đốc và kiêm lĩnh ấn “Bảo hộ Chân Lạp quốc” và ngay cả sau này khi ông không còn tước vị gì, bị vua khép tội “chém giam hậu” vẫn thấy ở ông một tinh thần ngoan cường, cương trực như tính cách của người Nam Bộ. Những con người “khai thiên lập địa” cùng ông nặng lòng với non sông, đất nước “Khai hoang, mở cõi”, những con người luôn “Trọng nghĩa, khinh tài” và coi trọng tình nghĩa, mà trong thời gian ông về An Giang & Nam Kỳ đã tiếp thu được và phát huy tính cách bộc trực, khẳng khái lên tầm cao mới, kết hợp với Đạo Phật, vi vô của Lão Tử, Khổng Tử...Nho Giáo. Để có sự “giác ngộ” uyên thâm, hài hòa như ông từng có.
3. Kết luận:
Lê Đại Cương một con người sống và làm việc đều mang ý chí, quyết tâm cao và làm những việc gì mà ông cho là chính đáng, có lợi cho dân, cho nước. Qua sự nghiệp của ông trên mảnh đất An Giang nói riêng và Nam Kỳ nói chung và còn có nhiều năm lĩnh ấn bảo hộ Trấn Tây (Chân Lạp), có thể thấy Lê Đại Cương quả là trang tuấn kiệt, có khí phách và nghị lực phi thường, cộng với sự hiểu biết đến tường tận và sự thích nghi, làm chủ tình hình tuyệt vời hiểu lẽ “xuất” - “xử” và biết “xuất” - “xử” của người quân tử có cái “Tâm” trong sang, một nhân cách lớn, một bản lĩnh kẻ sĩ cao đẹp. Đó là con người trọn đời coi thường lợi danh, phú quý không thể cám dỗ, nghèo khó không làm thay đổi, uy vũ không thể khuất phục, khi gặp thời thành công không đắc chí, lúc sa cơ thất bại không nản lòng, biết đứng dậy từ nơi vấp ngã.
Khi đắc thời quyền cao chức trọng hay lúc thất thế bị giáng  xuống làm lính khiêng võng hay lính chiến tiên phong với quá nhiều bất trắc hiểm nguy, quá nhiều thử thách sống còn, chính nhân cách ấy, bản lĩnh ấy đã giúp ông vượt qua tất cả, để làm được những việc ích cho nước, lợi cho dân. Lê Đại Cương luôn là một tấm gương sáng của một kẻ sĩ  tận tụy vì dân vì nước, xử lý khéo léo, theo triết lý Nhà Phật, cộng với Nho giáo, Đạo Lão, Khổng sao cho trên thuận, dưới cốt  an dân luôn làm điều tốt, điều lợi cho dân, cho nước, được trọng thưởng không tự mãn, bị thụ án chẳng trách hờn mà coi đó là sự thử thách, sức lực của mình. Ông được người  đương thời và hậu thế ngưỡng mộ không chỉ vì những huân công ông đã lập được mà còn vì nhân cách lớn, chí khí hiên ngang, nghị lực kiên cường tiêu biểu cho phẩm chất sáng ngời của kẻ sĩ, mang đậm nét những đặc trưng tính cách Nam Bộ: “Phú quý bất năng dâm; Bần tiện bất năng di; uy vũ bất năng khuất” luôn trọng nghĩa, trọng tình.


Nguồn: vanhien.vn
_______________________
Tài liệu tham khảo
  1. Cao Xuân Dục: Quốc triều chính biên toát yếu, Nxb Thuận Hóa - Huế, 1998,
  2. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, T.Một, Nxb.Giáo dục, H, 2002. Đại Nam thực lục, T.Hai, T.Ba, Nxb.Giáo dục, H, 2004.  Đại Nam thực lục, T. Bốn, T. Năm, T.Sáu, Nxb.Giáo dục, H, 2007.
  3. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam liệt truyện, Tập 3: Chính biên-nhị tập, Viện Sử học, Nxb.Thuận Hóa, Huế, 2005.
  4. Lê Đại Cương và Lê Thị gia phả, Nxb.Dân trí, 2011. bản dịch Vũ Ngọc Liễn
  5. Theo Trần Ngọc Vương- “Loại hình học tác giả văn học: Nhà nho tài tử và văn học VN”-Nxb Giáo dục, 1995.
  6. Nguyễn Minh Tường, Suy nghĩ về hành trạng, sự nghiệp của Danh nhân Lê Đại Cương, Viện sử học. (Trong Lê Đại Cương Tham luận 1).
  7. Trần Trọng Kim (1971), Việt Nam sử lược 2, Sài Gòn: Trung tâm Học liệu Xuất bản thuộc Bộ Giáo dục
  8. Trang Google - Nguyễn Anh Tuấn Nho tướng Lê Đại Cương và Bí truyền qua một cuốn gia phả, tháng 11 năm 2012.

No comments:

Post a Comment

Bài đăng nổi bật

HỌC TẬP VÀ NOI GƯƠNG BÁC TÔN LÀ VIỆC LÀM THIẾT THỰC TRONG HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH BÁC HỒ

Giữa lúc Đảng bộ và nhân dân An Giang đang đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ, chúng ta càng nhớ đến Bác Tôn...

Bài đăng phổ biến