Wednesday, September 26, 2018

CÁC MÁC - NHÀ CÁCH MẠNG, NHÀ LÝ LUẬN CỦA GIAI CẤP CÔNG NHÂN VÀ THẮNG LỢI CỦA DÒNG THÁC CÁCH MẠNG MANG TÊN CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN

Karl Marx (1818 - 83)


1. Các Mác (Karl Marx) sinh ngày 5/5/1818 ở thành phố Tờ-ri-ơ (Trier), Đức; từ trần ngày 14/3/1883 tại Luân Đôn, Anh. Năm 2018 là năm kỷ niệm lần thứ 200 ngày sinh và lần thứ 135 ngày mất của ông. Đây là sự kiện có ý nghĩa lớn lao đối với nhân dân Việt Nam, phong trào công nhân quốc tế và toàn nhân loại tiến bộ. Lần kỷ niệm này diễn ra trong bối cảnh sức mạnh bất diệt của tư tưởng và thế giới quan cách mạng có sức thay đổi thế giới của Mác đặc biệt tỏa sáng. Những thắng lợi của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc, Việt Nam, Cuba,… sau đổi mới, cải cách, mở cửa hội nhập; song song với sự khủng hoảng mang tính chu kỳ của xã hội tư bản chủ nghĩa là những lời khẳng định trực tiếp cho tính đúng đắn của học thuyết Mác. Mặt khác, những cuộc công kích, xuyên tạc dữ dội, hung hãn và kịch liệt của các thế lực thù địch càng chứng tỏ sự thất bại của chúng trong việc ngăn cản ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Đặc trưng của thực tiễn xã hội ngày nay biểu hiện qua những biến đổi vô cùng sâu sắc, với tiến bộ của cách mạng khoa học - công nghệ và những hiểm họa của chiến tranh, xung đột tôn giáo và sắc tộc, tranh giành bá quyền, khủng hoảng chu kỳ, thất nghiệp, phân hóa giàu - nghèo, bất công… được gây nên bởi bản chất tham vọng của chủ nghĩa tư bản và mâu thuẫn nội tại trong lòng xã hội đó. Trong bối cảnh đó, để trả lời câu hỏi đặt ra về sự tồn tại và tiếp tục phát triển của xã hội loài người, hơn bao giờ hết, chúng ta cần một lý luận và phương pháp khoa học giúp hiểu được bản chất của những xu thế phát triển đối lập, nhận diện những lực lượng giai cấp giấu mặt đằng sau những xu hướng đối lập ấy, tìm ra con đường để thực hiện khát vọng của các dân tộc đi đến một viễn cảnh hoàn bình, ổn định được bảo đảm, không còn áp bức, bóc lột, con người được giải phóng và phát triển toàn diện.
Chúng ta kính trọng C.Mác, cùng với Ăngghen - hai vĩ nhân đã sáng lập ra chủ nghĩa xã hội khoa học, thế giới quan khoa học, lý luận và cương lĩnh cho phong trào công nhân trong công cuộc kiến tạo một xã hội tốt đẹp. Lý luận của Mác đã được kế tục một cách sáng tạo trong phong trào công nhân quốc tế, trong đó, V.I.Lênin và Đảng Cộng sản Liên Xô đóng vai trò đặc biệt xuất sắc. Không chỉ kế tục sáng tạo, Lênin còn bảo vệ chủ nghĩa Mác chống lại mọi cuộc công kích và làm phong phú thêm chủ nghĩa xã hội khoa học với những kiến thức mới mẻ. Hiện nay, các đảng cộng sản trên thế giới, nhất là các đảng cầm quyền ở các nước xã hội chủ nghĩa như Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Triều Tiên,… vẫn đứng vững trên quan điểm của chủ nghĩa xã hội khoa học, đang thực hiện một cách kiên trì và tin tưởng nhiệm vụ bảo vệ, tiếp tục phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, lấy đó làm nền tảng lý luận. Ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin trở nên lớn mạnh và ngày càng lan tỏa là bởi, chủ nghĩa ấy có thể trả lời một cách tổng quát mọi vấn đề cơ bản của thời đại chúng ta. Nó là kim chỉ nam đáng tin cậy cho cuộc đấu tranh vì chủ nghĩa xã hội, cho hòa bình và nhân loại tiến bộ.
2. C.Mác cùng với Ph.Ăngghen đã sáng lập nên chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học - lý luận hoàn chỉnh của giai cấp công nhân. Mác đã lĩnh hội những thành quả quan trọng của khoa học và văn hóa từ các bậc tiền bối, để trả lời một cách sáng tạo những câu hỏi lịch sử đặt ra. Chủ nghĩa Mác là một thế giới quan khoa học và cách mạng, nó được hình thành trong mối quan hệ chặt chẽ với quá trình đấu tranh giai cấp và thể hiện được quyền lợi, cũng như đòi hỏi của giai cấp vô sản, là vũ khí sắc bén nhất của giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh chống áp bức, giành tự do.
Mác là người đầu tiên đã chứng minh rằng không có lý luận, tư tưởng xã hội nào có thể tồn tại bên ngoài các mối quan hệ giai cấp. Tư tưởng luôn là tấm gương phản chiếu quyền lợi của các giai cấp và phục vụ cho quyền lợi này, và do đó, chủ nghĩa Mác - Lênin đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt của tư tưởng tư sản, thường xuyên bị công kích, xuyên tạc, bôi nhọ. Sức sống của chủ nghĩa Mác - Lênin khiến giai cấp tư sản phải luôn tìm cách chống lại, nhưng lịch sử đã chứng minh, tất cả mọi cố gắng của giai cấp tư sản đều không thể ngăn cản được sự thật là chủ nghĩa Mác - Lênin đã trở thành dòng thác trí tuệ có ảnh hưởng lớn nhất trong thời đại chúng ta.
Một trong những phát hiện quan trọng nhất của Mác là quan điểm về duy vật lịch sử. Ông đã vạch ra những quy luật vận động nói chung của xã hội loài người, trong đó đấu tranh giai cấp là động lực trực tiếp của tiến bộ xã hội có giai cấp đối kháng. Quan điểm khoa học biện chứng là cơ sở trước hết cho cách nhìn khoa học những điều kiện khách quan, phương hướng, mục tiêu đấu tranh của giai cấp công nhân và chính đảng của họ. Sự diệt vong của chủ nghĩa tư bản và thắng lợi của chủ nghĩa xã hội là điều tất yếu, là quy luật khách quan của sự phát triển xã hội. Không ai khác, chính lực lượng sản xuất hiện đại và phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân, nhân dân các dân tộc bị áp bức sẽ quyết định số phận của chủ nghĩa tư bản.
Trong bộ “Tư bản”, Mác đã phát hiện những quy luật vận động kinh tế của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, bóc trần bản chất và chỉ ra những xu hướng phát triển lịch sử của nó, trong đó lý thuyết về giá trị thặng dư có vị trí chủ đạo. Mác đã chứng minh, mâu thuẫn đối kháng giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản không bao giờ có thể dung hòa được. Trên cơ sở đó, vai trò lịch sử của giai cấp công nhân đã được lập luận một cách chặt chẽ, sâu sắc nhất.
Điều quan trọng nhất trong lý luận của Mác là đã chỉ ra vai trò lịch sử quốc tế của giai cấp vô sản - lực lượng sáng tạo ra xã hội xã hội chủ nghĩa. Hình thái xã hội tư bản chủ nghĩa đã tạo ra những lực lượng sản xuất tất yếu phải tự xung đột với hình thức chiếm hữu tư liệu sản xuất tư bản chủ nghĩa, đồng thời nó cũng sinh ra một giai cấp có khả năng và trách nhiệm giải quyết xung đột đó ở một mức độ phát triển lịch sử nhất định. Giai cấp công nhân tự rèn luyện mình, tự thống nhất và tổ chức ngay trong quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa, có trọng trách lịch sử là thủ tiêu phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa, thông qua đó để xóa bỏ toàn bộ chế độ áp bức, bóc lột.
Trọng trách này đòi hỏi phải thông qua một quyền lực chính trị, thông qua nền chuyên chính vô sản. Giai cấp vô sản sẽ dùng ưu thế chính trị của mình để từng bước một đoạt lấy toàn bộ tư bản trong tay giai cấp tư sản, tập trung tất cả những công cụ sản xuất vào tay nhà nước - tức là trong tay giai cấp vô sản đã được tổ chức thành giai cấp thống trị - để tăng số lượng những lực lượng sản xuất lên nhanh nhất. Mác cũng nhấn mạnh, giai cấp công nhân cần phải có chuyên chính vô sản để nhằm đạt được mục đích cuối cùng của mình là chủ nghĩa cộng sản không giai cấp. Vì vậy, trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản - cương lĩnh đầu tiên của giai cấp công nhân - Mác và Ăngghen đã chỉ rõ, giai cấp công nhân cần phải có một đảng cách mạng để thực hiện vai trò lịch sử của mình.
C.Mác là vị lãnh tụ được kính trọng của phong trào công nhân quốc tế, bởi ông coi đấu tranh cách mạng là cội nguồn và mục đích sáng tạo lý luận của mình. Năm 1847, với sự tham gia của Mác và Ănghen, “Đồng minh những người cộng sản” - đảng cách mạng đầu tiên của giai cấp công nhân Đức và đồng thời của giai cấp công nhân quốc tế trên nền tảng của chủ nghĩa xã hội khoa học - đã được thành lập. Đỉnh cao trong sự nghiệp cách mạng của Mác gắn liền với hoạt động của “Liên đoàn công nhân quốc tế” trong khoảng thời gian 1864 - 1876 với tư cách là người tổ chức, lãnh tụ của Quốc tế I. Dưới sự lãnh đạo của Mác, các tổ chức công nhân của nhiều nước trên thế giới đã được tập hợp vào quỹ đạo cách mạng thống nhất, và việc hình thành những đảng cách mạng ở mỗi nước được thúc đẩy. Trong sự nghiệp đấu tranh của mình, Mác đã biết cách quy tụ những người bạn chiến đấu, những người trung thành dám xả thân cho sự nghiệp của giai cấp công nhân, trang bị lý luận cho họ và đào tạo họ trở thành những nhà cách mạng quốc tế.
3. Từ khi những người cộng sản chính thức “công khai trình bày trước toàn thế giới những quan điểm, mục đích, ý đồ của mình”[1] vào năm 1848 với Tuyên ngôn Đảng cộng sản, lịch sử nhân loại đã ghi lại những thắng lợi liên tiếp của chủ nghĩa Mác, và sau đó, từ cuối thế kỷ XIX đến những năm 20 của thế kỷ XX là chủ nghĩa Lênin, và ngày nay là chủ nghĩa Mác - Lênin.
Chủ nghĩa Mác - Lênin là tập đại thành về tư duy và tư tưởng của nhân loại. Sức sống và ảnh hưởng của chủ nghĩa ấy được chứng minh bởi những biến đổi lịch sử từ thế kỷ XIX in dấu ấn thiên tài của Mác và Ăngghen với Tuyên ngôn Đảng cộng sản, Công xã Paris, những diễn tiến lịch sử đấu tranh giai cấp, các mạng xã hội được hai ông tổng kết và nêu ra những dự báo về xã hội tương lai của nhân loại… đến thế kỷ XX, với thành công của Cách mạng tháng Mười Nga, đánh dấu sự xác lập chính thức của chủ nghĩa xã hội hiện thực, mở ra thời đại mới của lịch sử nhân lại, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng cộng sản chủ nghĩa hấp dẫn hàng triệu trái tim, khối óc loài người không chỉ với tư cách là thế giới quan duy nhất khoa học, mà hơn thế, còn bằng cả một phong trào chính trị rộng lớn trên các lục địa, nhất là bằng chủ nghĩa xã hội hiện thực tồn tại với tư cách một hệ thống thế giới, ở đó giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc từng bị áp bức đã làm chủ vận mệnh của mình, là chủ xã hội, làm chủ quá trình phát triển lịch sử. Sức mạnh và cuộc diễu hành của ba dòng thác cách mạng trong thế kỷ XX là bằng chứng hùng hồn về sức sống, tính sáng tạo, ý nghĩa quốc tế của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Thực tiễn lịch sử đó khiến kẻ thù của những người cộng sản lo lắng, tìm mọi cách ngăn chặn ảnh hưởng của học thuyết Mác - Lênin bằng cách đẩy mạnh cuộc tấn công tư tưởng - lý luận chống chủ nghĩa Mác - Lênin, tiến hành các hoạt động phá hoại nội bộ các nước xã hội chủ nghĩa và phá hoại sự đoàn kết quốc tế của những người cộng sản. Sự tấn công điên cuồng của chủ nghĩa đế quốc, thế lực phản động quốc tế, cộng với nhiều vấp váp từ bản thân những thế hệ kế tục các nhà kinh điển khi không xem xét và xử lý hệ thống lý luận Mác - Lênin một cách biện chứng, chưa phát triển và vận dụng hệ thống lý luận Mác - Lênin một cách phù hợp với thực tiễn, đáp ứng đúng thực tiễn như bản thân phép biện chứng duy vật mác-xít đòi hỏi đã dẫn đến sự tan rã của Liên bang Xô viết và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu.
Sự sụp đổ của mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu trở thành “cơ hội”, “điển tích dẫn chứng” cho những kẻ thù hằn chủ nghĩa Mác - Lênin hét lớn về sự cáo chung của hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Nhưng tuyên bố về “sự cáo chung” liệu có khách quan? Thực tiễn cho thấy chủ nghĩa xã hội dù có thoái trào, nhưng điều đó không đồng nghĩa với hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa mất đi sức sống và vai trò dẫn đường của nó đối với sự nghiệp cách mạng của các dân tộc trên thế giới. Sự tồn tại và phát triển không ngừng của các nước xã hội chủ nghĩa như Trung Quốc, Việt Nam, Cuba,… và việc các đảng cộng sản trên thế giới tập hợp lại lực lượng, bổ sung lý luận, đề ra kế hoạch hành động hướng tới chủ nghĩa xã hội phủ định chủ nghĩa tư bản đã hình thành và phát triển ở các đảng cộng sản, các đảng cánh tả ở khu vực châu Mĩ la-tinh. Thực tiễn đó tiếp tục minh chứng cho sức sống bất diệt của hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa, của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Có một thực tế hiện hữu đó là, trong bối cảnh các quốc gia dân tộc hiện đang cùng tồn tại, cùng hợp tác, cạnh tranh và đấu tranh, song phương và đa phương, chủ nghĩa Mác - Lênin không chỉ thuộc về sự quan tâm của những người cộng sản, các đảng cộng sản và các nước lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, mà còn thu hút sự quan tâm, nhận thức, đánh giá của những người không theo học thuyết Mác - Lênin. Chủ nghĩa Mác - Lênin, hiện nay được nghiên cứu, trao đổi, đối thoại, nhận thức như những giá trị khoa học và văn hóa đã từng có mặt và sẽ mãi được nhắc đến trong di sản văn hóa tinh thần của nhân loại.
Trong đó, nhiều học giả tư sản, sống trong lòng chủ nghĩa tư bản hiện đại, sau khi tiếp cận nghiên cứu học thuyết của Mác đã đưa ra những nhận định công bằng, tôn trọng sự thật, trực tiếp khẳng định giá trị, ý nghĩa và sức sống của chủ nghĩa Mác đối với thời đại. Điển hình như Terry Eagleton, Giáo sư Trường đại học Tổng hợp Lancaster - Vương quốc Anh, tác giả của cuốn sách Tại sao Mác đúng? (Why Marx was right?) xuất bản đầu năm 2011. Trong tác phẩm của mình, Eagleton đã dũng cảm đưa ra những chính kiến của mình về học thuyết của Mác, ông khẳng định, “chừng nào chủ nghĩa tư bản còn tồn tại thì chủ nghĩa Mác cũng sẽ tồn tại”[2]. Không chỉ vậy, sau khi quan sát, phân tích, vạch rõ thực tại của xã hội tư bản chủ nghĩa, Eagleton đã đi đến nhận định, “để loài người có được bước phát triển cao hơn, an toàn, công bằng hơn về vật chất và tinh thần thì cần phải có một hình thức xã hội khác cao hơn xã hội tư bản”[3]. Đồng thời, qua những nghiên cứu của mình về chủ nghĩa Mác, Eagleton thẳng thắn cho rằng, “những phê bán chủ nghĩa Mác là “lạc hậu”, là “không còn phù hợp”, “không thể gắn nó với những vấn đề kinh tế và chính trị đương đại” là những phê phán bộc lộ rõ sự thiếu hiểu biết”[4].
Những nhận định, đánh giá khách quan và đúng đắn như vậy của một giáo sư trong giới học giả tư sản một lần nữa cho thấy giá trị, sức sống bền vững của chủ nghĩa Mác và tính triển vọng tất yếu của chủ nghĩa xã hội. Điều đó mang lại cho chúng ta thêm một cơ sở mới để củng cố niềm tin vào chủ nghĩa Mác với vai trò là nền tảng tư tưởng của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
4. Cuối cùng, di sản lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin bao trùm mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, sâu sức đến những vấn đề chi tiết, nhưng chưa phải là toàn bộ những giải đáp sẵn có cho bất cứ câu hỏi nào của thời đại ngày nay đặt ra. V.I.Lênin không bao giờ cho rằng học thuyết của mình có khả năng như vậy, Người viết: “Tất cả các dân tộc đều sẽ đi đến chủ nghĩa xã hội, đó là điều không tránh khỏi, nhưng tất cả các dân tộc đều tiến tới chủ nghĩa xã hội không phải một cách hoàn toàn giống nhau; mỗi dân tộc sẽ đưa đặc điểm của mình vào hình thức này hay hình thức khác của chế độ dân chủ, vào loại này hay loại khác của chuyên chính vô sản, vào nhịp độ này hay nhịp độ khác của việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các mặt khác nhau của đời sống xã hội”[5]. Lênin nói C.Mác không tự trói tay mình, cũng không trói tay những người cộng sản tương lai bằng những kết luận do mình đề ra. Bởi vì, Mác biết biết rằng lịch sử phát triển sẽ đưa lại biết bao điều mới mẻ. Đến lượt mình, Lênin cũng có thái độ như vậy đối với lý luận do mình đề ra và cũng hoàn toàn như Mác, Lênin luôn đòi hỏi sáng tạo trong thực tiễn cũng như trong lý luận cách mạng.
Tất nhiên, trên những vấn đề cơ bản có tính nguyên tắc, chúng ta chỉ có thể tìm thấy phương hướng giải quyết đúng đắn từ trong chủ nghĩa Mác - Lênin với tư cách là phương pháp luận khoa học và cách mạng. Sức mạnh của chủ nghĩa Mác - Lênin cũng chính là ở đó.
Đảng ta - Đảng Cộng sản Việt Nam đứng trước những nhiệm vụ lịch sử hết sức nặng nề. Tính chất phức tạp, đa dạng và mới mẻ của các nhiệm vụ càng đòi hỏi chúng ta phải nắm chắc phương pháp lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin nhằm giải quyết đúng đắn và sáng tạo những vấn đề nảy sinh trong đời sống kinh tế - xã hội, trong sự nghiệp đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Chúng ta đang sống trong thời đại của những chuyển biến sâu sắc, dồn dập. Những diễn biến thay đổi mau lẹ của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của thế giới mang lại cho chúng ta nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức đối với con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn và đang tiếp bước. Những di sản của chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại mới là vô giá, bất chấp và chiến thắng mọi sự công kích của các thế lực thù địch, mãi soi sáng những mục tiêu cao cả của thời đại, mãi là ngọn cờ dẫn dắt chúng ta tiến lên, mãi là vũ khí lý luận sắc bén không gì thay thế được giúp chúng ta chiến thắng mọi kẻ thù, chiếm lấy cơ hội, vượt qua thách tức, đưa sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta đi tới đích cuối cùng - chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

Ths. Lê Phương Thanh
BTG-CMAG. 



[1] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.595.
[2] Xem Hội đồng lý luận Trung ương, Luận cứ phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr.60.
[3] Hội đồng lý luận Trung ương, Sđd, tr.59.
[4] Hội đồng lý luận Trung ương, Sđd, tr.58.
[5] V.I.Lênin, Toàn tập, t.30, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1981, tr.160.

No comments:

Post a Comment

Bài đăng nổi bật

HỌC TẬP VÀ NOI GƯƠNG BÁC TÔN LÀ VIỆC LÀM THIẾT THỰC TRONG HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH BÁC HỒ

Giữa lúc Đảng bộ và nhân dân An Giang đang đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ, chúng ta càng nhớ đến Bác Tôn...

Bài đăng phổ biến